Logo với hai dòng kẻ xanh dương đậm chạy ngang, ở giữa là hai ô vuông một trắng một đỏ, cùng dòng chữ TOMMY HILFIGER to bảng luôn được viết in - Đó có thể là một trong những cái logo iconic nhất trong thập niên 90s đối với dân Hip Hop.
Tommy Hilfiger và Hip Hop đã cùng nhau xây dựng nên cuộc tình tuyệt đẹp này, nhưng rồi cuối cùng nó cũng lụi tàn. Vậy chính xác thì hành trình đã đưa Tommy Hilfiger đi đến mối lương duyên kể trên là như thế nào? Và lý do đằng sau sự sụp đổ đó là gì? Hãy cùng VHĐP tìm hiểu trong hôm nay.
Nguồn gốc của hãng Tommy Hilfiger
Chân dung Tommy Hilfiger
Tommy Hilfiger - Một người Mỹ sinh ra tại thành phố New York, với giấc mơ cháy bỏng với thời trang đã cùng hai người bạn của mình thành lập nên thương hiệu People’s Place vào năm 1969, khi ấy ông còn đang là một học sinh trung học phổ thông.
Cửa hàng này làm ăn cũng khấm khá vào thời gian đầu, tuy nhiên 10 năm sau, tức vào năm 1979, People's Place đi đến bờ vực phá sản. Đến năm 1985, Hilfiger rời quê nhà để đến quận Manhattan và thành lập lên một hãng thời trang riêng riêng, lấy chính tên mình làm tên thương hiệu - Tommy Hilfiger. Và thế là đế chế Tommy Hilfiger được cho ra đời.
Tommy Hilfiger bén duyên với Hip Hop mặc dù chưa bao giờ nhắm đến thị trường này
Thuở ban đầu, Hilfiger định hình thương hiệu thời trang của mình sẽ đi theo hướng thiết kế những món đồ nhìn cool ngầu, trẻ trung, với tệp khách hàng mục tiêu là cư dân Mỹ có lối sống phóng khoáng và muốn thể hiện cá tính của bản thân.
Trong những thiết kế đầu tay của mình, Hilfiger chỉ cho ra đời những chiếc Polo Shirt, quần Chinos,... thông thường, và chẳng hề để tâm tí nào đến thị trường thời trang Hip Hop. Tuy nhiên, chính bản thân các Rapper của ta lại bị mời gọi bởi những chiếc áo có hoạ tiết sặc sỡ, nhiều màu sắc của hãng. Rồi điều gì đến cũng đến, cuộc tình của Tommy Hilfiger với Hip Hop cũng bắt đầu nhen nhóm từ đây.
Năm 1992, Tommy Hilfiger xuất hiện trong bài Rap “What's the 411” của Grand Puba, và lập tức thương hiệu này được săn đón điên cuồng. “Well I be Puba on this here, the nigga from last year, Girbauds hangging babby, Tommy Hilfiger top gear" - Một câu Rap của huyền thoại này trong What’s the 411.
What's The 411
Khi Puba được hỏi về lý do tại sao ông lại đưa Tommy vào nhạc, Puba trả lời đang giản chỉ là vì "ông thích thế". Thời đó, Grand Puba đang trong thời kỳ hoàng kim của mình, bất cứ hãng thời trang nào ông dùng cũng đều được săn đón điên cuồng. Chúng ta có thể xem ông như là Kanye West vào những năm 80s. Và chính Grand Pupa là nhân tố đã chắp cánh cho tên tuổi của Tommy Hilfiger bay xa đến vậy trong giới Hip Hop.
Hilfiger dĩ nhiên là nhận thức được việc các Rapper thích quần áo của mình và bắt đầu chú ý đến thị trường vô cùng tiềm năng này. Họ chủ động liên lạc với Grand Puba để mời ông đến tham quan cửa hàng của mình, họ tặng ông quần áo, dành cho ông những sự chào đón nhiệt thành nhất.
Một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của Aaliyah trong trang phục của Tommy Hilfiger
Sau đó họ còn mời thêm nhiều các nghệ sĩ khác như: Raekon của Wu-Tang Clan, Snoop Dogg, nhóm nhạc nữ đình đám TCL, Aaliyah... làm quảng cáo cho Tommy Hilfiger và kêu gọi những người nổi tiếng này lên cả sàn diễn thời trang, để đồng hành cùng Tommy Jeans - Một nhánh của Tommy Hilfiger nhưng có thiết kế quần áo với thiên hướng thể thao hơn.
Chính thức trở thành đối thủ của Polo Ralph Lauren
Khoảng thời gian từ những năm 80s đến 90s, Polo Ralph Lauren là ông trùm trong giới thời trang dành cho dân Hip Hop. Những món đồ của thương hiệu này được các Rapper vô cùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, đến đầu những năm 90s thì Polo đã bắt đầu tỏ ra đuối sức trong công cuộc chạy đua làm hài lòng tệp khách hàng khó tính này. Quần áo của Polo Ralph Lauren đã không còn cải tiến gì thêm nữa trong chất lượng cũng như kiểu dáng, dẫn đến việc dân Hip Hop rời bỏ hãng ngày một nhiều.
Khi từ bỏ cái gì, thì dĩ nhiên ta phải tìm cái gì đó để thay thế. Bỗng nhiên, Tommy Hilfiger đã trở thành cái tên được lựa chọn. “Polo chẳng làm cái gì để tiếp tục cải tiến bản thân nữa cả. Chúng tôi thấy rằng quần áo của thương hiệu này cũng chỉ có vậy. Rất nhiều người đã từ bỏ Polo tại thời điểm đó. Và bắt đầu tìm đến với Tommy Hilfiger” - Raekon, Rapper của Wu-tang Clan nói trong một buổi phỏng vấn.
Lời đồn tai hại
Vào giữa những năm 90s, khi đang trong thời kỳ đỉnh cao, chính bản thân Hilfiger đã phải đối mặt với một lời đồn tai hại, thuộc một trong những chủ đề nhạy cảm nhất thời bấy giờ - Đó chính là phân biệt chủng tộc.
Lời đồn bắt nguồn từ việc có người nói rằng Hilfiger được mời đến show truyền hình nổi tiếng - The Oprah Winfrey Show. Vào phần mở đầu, ông được cho là đã buông lời mai mỉa về cộng đồng người da đen. Đại loại là Hilfiger nói rằng ban đầu ông chỉ có ý định tạo ra những thiết kế cho người da trắng ở tầng lớp thượng lưu, nhưng không ngờ lại có quá nhiều người da đen ưa chuộng quần áo của ông, nếu biết vậy thì ông sẽ chẳng thèm tạo ra những bộ cánh đẹp tới thế.
Lời đồn còn nói rằng Hilfiger không muốn người châu Á, người Do Thái,... và một vài dân tộc thiểu số khác dùng đồ của thương hiệu Tommy Hilfiger. Và rằng Oprah Winfrey đã "đá đít" Hilfiger khỏi show truyền hình của mình sau khi ông có những phát ngôn trên, thêm vào đó là còn kêu gọi mọi người tẩy chay hãng thời trang đình đám này, ngay khi nó đang ở trên thời kì bùng nổ nhất.
Tin đồn chấn động đó chẳng ai biết nó đến từ đâu, chẳng ai biết nó có thật hay không. Oprah thì nói rằng ông chả bao giờ gặp Hilfiger, còn Hilfiger thì cũng chối đây đẩy về câu chuyện này, rằng là ông "có biết gì đâu".
Những lời tai bay vạ gió trên đã khiến đông đảo cộng đồng người da đen phải đặt câu hỏi rằng: Liệu tôi có còn nên sử dụng quần áo của Hilfiger hay không? Tại sao ông lại buông lời xúc phạm chúng tôi? Trong khi chính những Rapper - Những người da đen mới là bệ phóng đã đưa ông đến với đỉnh cao danh vọng? Và dần dần, Tommy Hilfiger đánh mất vị thế của mình trong cộng đồng Hip Hop.
Kết Luận
Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải tàn. Cái duyên của Tommy Hilfiger cùng với Hip Hop cũng chỉ có vậy. Tuy nhiên, nó đã để lại rất nhiều dấu ấn trong giới thời trang đường phố. Hiện nay, thương hiệu này vẫn còn hoạt động nhưng không còn quá nổi bật đối với cộng đồng của chúng ta. GIờ đây người ta biết nhiều đến Tommy qua những món đồ casual wear, nước hoa, đồng hồ,... nhiều hơn, chứ không còn là những chiếc Rugby Shirt ba sọc như thời xưa.
Dẫu sao thì đây cũng là một mối lượng duyên đáng nhớ đến, khi nhắc đến chúng ta lại có nhiều câu chuyện để kể đúng không nào.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.