Sơn Clown cùng lý tưởng "Hip Hop là một lối sống"

Sơn Clown cùng lý tưởng "Hip Hop là một lối sống"

Một trong những người đồng hành cùng Hip Hop Việt Nam từ những thời kỳ đầu. Anh cũng được xem là người đầu tiên đem đến khái niệm và nền tảng đúng cho bộ môn Hip Hop Freestyle tại Việt Nam.

Từng tham gia và gặt hái giải thưởng lớn ở nước ngoài, Anh Sơn là thủ lĩnh của Destiny Family, một trong những giảng viên hiếm hoi về House Dance chất lượng tại Sài Gòn, người sáng lập ra Hue Hip Hop Festival (một trong những giải đấu Street Dance có quy mô nhất Việt Nam), MC tại các giải đấu lớn hay thậm chí anh cũng là giám khảo của VUG trong nhiều năm liền,...

Một người anh lớn mà đến nay vẫn luôn hoạt động sôi nổi và cống hiến hết mình trong nhiều lĩnh vực. Cùng VHĐP tìm hiểu thêm về anh Sơn Hề (cái tên thân mật mà mọi người trong cộng đồng) vẫn thường gọi anh nhé!

“Xin chào Văn Hoá Đường Phố, đây là Sơn Clown đến từ Familyhood/ Destiny Family. Rất vui vì nhận được lời mời phỏng vấn từ VHĐP, cám ơn vì đã cho Sơn Clown chia sẻ những suy nghĩ của bản thân thông qua các câu hỏi vô cùng thú vị này.”


VHĐP: Bí quyết đồng hành cùng Hip Hop trong một khoảng thời gian dài, và Hip Hop có ý nghĩa gì trong cuộc sống của anh?

Sơn Clown: Đối với anh, Hip Hop chính là cuộc sống. Trước kia thì anh từng nghĩ Hip Hop chỉ là “một phần” trong cuộc sống thôi nhưng dần dần thì nhận ra rằng Hip Hop nó chính là cả cuộc sống của mình. Bởi vì nhờ Hip Hop mà mình có được gia đình Familyhood ngày hôm nay, bà xã Iby chính là người học viên Hip Hop đầu tiên của anh. Và từ thời điểm mà bản thân biết đến Hip Hop thì mọi thứ anh làm đều hướng tới Hip Hop và làm Hip Hop phát triển. Ngoài ra, Hip Hop còn giúp anh vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bí quyết để anh có thể đồng hành cùng với Hip Hop lâu đến vậy đó là NIỀM TIN, tin vào điều mình đã lựa chọn, vào những nỗ lực của bản thân về một ngày nào đó những cố gắng của mình sẽ được đền đáp. Anh cũng nhận ra, Hip Hop là một lối sống không chỉ dạy cho chúng ta rất nhiều thứ tốt đẹp, mà còn là một phương pháp giáo dục cho thế hệ tiếp theo.


VHĐP: Theo anh yếu tố khó nhất khi theo đuổi và có khả năng sống cùng với Hip Hop khi ở Việt Nam là gì?

Sơn Clown: Yếu tố khó nhất khi theo đuổi Hip Hop chính là THU NHẬP. Vì tại Việt Nam, riêng nhảy múa thì được xem là một ngành nghề, nhưng Hip Hop thì chưa. Để mà nói hoàn toàn tạo ra thu nhập vững chắc từ Hip Hop thì có lẽ là không. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra ở trên thế giới. 

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, thực ra ngành nghề, công việc nào cũng có cạnh tranh và những yếu tố khó khăn, thử thách đi kèm. Dù làm bất kì công việc nào thì bạn cũng cần phải có sự cố gắng, nỗ lực để có thể thành công.

Điều này dẫn đến vế sau của câu hỏi, có khả năng sống cùng với Hip Hop tại Việt Nam hay không? Theo anh thì việc CÓ hay KHÔNG tuỳ thuộc vào bản thân của mỗi người, có NỖ LỰC và có KẾ HOẠCH rõ ràng đối với Hip Hop hay không. Vì nếu bạn nỗ lực, cố gắng học hỏi để hoàn thiện bản thân thì chắc chắn bạn có thể kiếm được thu nhập ổn định với Hip Hop. 


VHĐP: Việc biết về lịch sử Hip Hop và các điệu nhảy có quan trọng không và quan trọng như thế nào?

Sơn Clown: Đối với anh thì việc này CỰC KỲ QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT.

- Lý do nhất thứ nhất, trong bất kì công việc nào, để làm tốt nhất, bạn luôn phải học lý thuyết để nắm vững mô tả, yêu cầu, mục đích của công việc đó trước, sau đó là học thao tác kỹ thuật để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Đối với Hip Hop, “lý thuyết” chính là lịch sử, “thao tác” chính là động tác. 

- Lý đó thứ hai, Hip Hop là một nền văn hoá chứ không chỉ đơn thuần là một hay hai điệu nhảy. Khi nhảy, đi dạy, đó là lúc chúng ta đại diện cho một nền văn hoá và mang nó giới thiệu đến với mọi người để kết nối và lan tỏa. Nếu không hiểu biết về văn hoá, làm sao chúng ta làm đúng và làm tốt? Nếu không hiểu thì chúng ta sẽ lan toả văn hoá đó bằng cách nào và như thế nào? 

- Lý do thứ ba, khi hiểu rõ về lịch sử, chúng ta nhảy sẽ “có hồn” và tự tin hơn. Vì khi nhảy, ta kể câu chuyện của mình dựa trên chất liệu Hip Hop, việc đó giống như khi làm một bài văn vậy. Chúng ta hiểu rõ nội dung thì sẽ diễn đạt rõ ràng, rành mạch hơn, và quan trọng là, có cảm xúc hơn! 

VHĐP: Theo anh từ văn hóa có nghĩa là như thế nào, và làm sao để sống với văn hóa Hip Hop chứ không đơn giản chỉ là nhảy?

Sơn Clown: Anh không dám định nghĩa từ VĂN HOÁ vì nó quá lớn. Anh sẽ nói theo cách mà anh hiểu, VĂN HOÁ là bao gồm tất cả những hoạt động giữa con người với con người, con người với sự vật sự việc được đúc kết và hình thành qua một khoảng thời gian dài để cấu thành những hành vi cụ thể mang tính chung, tính cộng đồng.

Để sống với văn hoá Hip Hop theo anh nghĩ phải YÊU VĂN HOÁ HIP HOP trước. Khi thực sự yêu nền văn hoá này, tự thân chúng ta sẽ tìm hiểu, trải nghiệm từng khía cạnh của nó. Sau đó sẽ đào sâu nghiên cứu, quá trình này đủ lượng và chất thì tự khắc ta sẽ sống theo văn hoá đó. Vì văn hoá sống sẽ được hình thành một cách rất tự nhiên, thấm dần vào suy nghĩ, con người mình qua những hoạt động hàng ngày. Và vào khoảnh khắc bắt đầu đào sâu nghiên cứu thì chính chúng ta đã sống văn hoá đó rồi.


VHĐP: Điều cần chú ý nhất khi giảng dạy cho người chưa biết nhảy là gì?

Sơn Clown: Người chưa biết nhảy và đi học nhảy, anh nghĩ điều quan trọng nhất chính là cho họ thấy được nguồn năng lượng tích cực mà nhảy múa nói chung và Hip Hop nói riêng có thể mang lại.

Có thể họ chọn Hip Hop vì tò mò muốn trải nghiệm, có thể họ đã biết đến và muốn theo đuổi. Quan trọng là, nếu họ thấy năng lượng tích cực, sự đúng đắn từ cái mà họ chọn, họ tiếp tục theo đuổi. Vì có người có năng khiếu hoặc không, nhưng cho dù là không, họ vẫn cảm nhận được niềm vui, cảm thấy tràn đầy năng lượng thì chắc chắn họ sẽ tiếp tục trải nghiệm cảm xúc tuyệt vời đó. Điều này giống như bán một món hàng mới toanh cho một khách hàng thôi, nếu họ mua, sử dụng và thấy nó tốt, chắc chắn họ sẽ tiếp tục tin dùng sản phẩm này lâu dài. 


VHĐP: Và điểm cần chú ý khi dạy trẻ em nhảy nói riêng và các bộ môn nghệ thuật nói chung là gì ạ?

Sơn Clown: Chà, đây là một câu hỏi khó!!! Nếu hỏi câu này vào thời gian khoảng vài năm trước chắc anh sẽ trả lời theo một cách hoàn toàn khác.

Vào thời điểm và tình hình hiện tại thì anh nghĩ, việc cần chú ý nhất đó là KHƠI GỢI NIỀM YÊU THÍCH NƠI TRẺ. Vì bản thân đã trải nghiệm qua rất nhiều môi trường giảng dạy trẻ em khác nhau, anh nhận thấy các môn nghệ thuật nói chung hay Hip Hop nói riêng chỉ là một lựa chọn của phụ huynh. Với mục tiêu đầu tiên là CHO TRẺ TRẢI NGHIỆM hoặc TÌM MỘT BỘ MÔN GIẢI TRÍ trong thời gian rảnh rỗi. Muốn họ lựa chọn Hip Hop thì cách tốt nhất là tạo cho trẻ niềm vui, niềm yêu thích với môi trường học tập, tập luyện, từ đó mới có thể đào tạo trẻ một cách tốt nhất theo mục tiêu định sẵn của người giáo viên. 

Thêm một điểm quan trọng nữa, anh nghĩ ngày nay bậc phụ huynh nào cũng muốn con mình có một nơi sinh hoạt ngoại khoá đảm bảo sự AN TOÀN và CHUYÊN NGHIỆP. Nếu tạo được hai điều này thì sẽ dễ tiếp cận các phụ huynh hơn. 

VHĐP: Góc nhìn của anh với Hip Hop Việt Nam ở hiện tại và thời kỳ ban đầu khác nhau như thế nào?

Sơn Clown: Ở thời kỳ đầu, Hip Hop phát triển mạnh và rộng rãi vì thời đó kiến thức còn ít ỏi, cá nhân nào cũng muốn đào sâu tìm hiểu và tập luyện những thứ mới liên tục. Các nhóm, câu lạc bộ mọc lên khắp nơi, việc giao lưu, thi đấu cũng diễn ra liên tục do ai cũng muốn chứng minh những thứ mình đang có là giỏi nhất, hay nhất, sân chơi cũng khan hiếm nên mỗi khi có sự kiện thi đấu hay giải trí thì đều mang một không khí rất sôi sục cũng như thu hút nhiều đối tượng tham gia thi đấu và dự khán.

Ở thời điểm hiện tại, thế giới phẳng nên mọi khái niệm đều được biết đến rộng rãi. Nhưng chính vì thế nên có quá nhiều lựa chọn cho một cá nhân khi bắt đầu, kiến thức quá nhiều nên việc tiếp cận chúng cũng không được kiểm soát. Cùng với việc phát triển mạnh của các trang mạng xã hội, các trào lưu về nhảy của giới trẻ cũng làm cho Hip Hop mất dần thị phần. Về phần người chơi Hip Hop thì họ tập trung nhiều vào các hoạt động phát triển kinh doanh hay cá nhân nhiều hơn, mô hình đội nhóm dần biến mất, từ đó sự cạnh tranh dường như không còn, mà không có cạnh tranh thì sẽ không có phát triển. Nói một cách nôm na thì Hip Hop hiện tại như một món hàng trong rất nhiều món hàng giải trí được bày bán trên thị trường, chịu sự cạnh tranh khốc liệt và không chiếm được thị phần đông như trước kia.


VHĐP: Còn về sự khác biệt trong bản thân anh thì sao? Tư tưởng của anh bây giờ có khác gì so với thời anh mới nhảy không?

Sơn Clown: Đối với bản thân anh thì đó là cả một sự thay đổi lớn, thời còn trẻ thì mục tiêu lớn nhất đó là thi đấu, giành chiến thắng và nổi tiếng. Nhưng ở hiện tại, mục tiêu là mang không chỉ điệu nhảy mà cả văn hoá Hip Hop đến với càng nhiều người càng tốt. Vì theo anh nghĩ, cách để phát triển tốt nhất là truyền bá cái hay, cái đẹp của văn hoá Hip Hop, vì nó là thứ dễ cảm nhận và lan truyền. Dù vậy anh cũng vẫn đang có kế hoạch quay lại thi đấu với mục tiêu để cho lớp người mới thấy được những người cũ vẫn còn cố gắng lan tỏa tinh thần, vậy nên họ phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Tư tưởng của anh hiện tại là ủng hộ mọi thứ, có rất nhiều những bạn trẻ đang tìm tòi khám phá những cái mới, ủng hộ họ trên con đường đó thì sẽ tốt hơn, vì cộng đồng cần lớp người mới để phát triển. Và dĩ nhiên những người cũ như anh sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu họ cần, và tham gia góp ý kiến nếu thấy cần thiết.


VHĐP Nền tảng của một bộ môn nhảy có tầm quan trọng thế nào và ảnh hưởng gì đến quá trình sáng tạo sau này?

Sơn Clown: NỀN TẢNG là tất cả. Giống như việc bạn xây một căn nhà mà không làm nền móng, bạn có thể xây đẹp nhưng chỉ đến một mức độ nào đó thôi. Và không có nền tảng vững chắc thì sự sáng tạo cũng sẽ không phát huy được hết tác dụng của nó.

Tập luyện nền tảng giúp chúng ta tạo ra phong cách riêng của mỗi người. Từ phong cách riêng kết hợp óc sáng tạo sẽ tạo ra những cá nhân khác biệt, sau đó là kiệt xuất. Nếu bạn không tập luyện nền tảng và chỉ đơn giản là tập luyện theo một ai đó một cách rập khuôn, câu hỏi đơn giản là “làm sao bạn có thể giỏi hơn họ nếu như đang tập lại những thứ mà họ đã làm từ rất lâu? Bạn không nghĩ là sẽ có một ngày giỏi hơn họ à?” 

VHĐP: Anh có cảm thấy cộng đồng Hip Hop Việt Nam (nhảy nói riêng) đang còn thiếu hay cần hoàn thiện điểm nào hơn không, đó là gì?

Sơn Clown: Đầu tiên, đó là ÂM NHẠC. Vì nền văn hoá này bắt nguồn từ âm nhạc, nếu âm nhạc không đúng, mọi thứ đi theo sau đó sẽ không đúng.

Tiếp theo, đó là văn hoá PARTY. Có quá nhiều Dancer không phân biệt được rõ các khái niệm Party – Jam – Cypher trong thời điểm hiện tại. 

Cuối cùng chắc có lẽ đó là nền tảng của các điệu nhảy và lịch sử của nền văn hoá này, anh đã tham gia rất nhiều hoạt động giảng dạy, Workshop và nhận ra rằng có một số động tác nền tảng mà rất rất nhiều bạn đã tham gia nhảy rất lâu không biết, làm không đúng, những kiến thức lịch sử thông thường nhất nhưng có nhiều người vẫn mơ hồ. Ngày nay, những kiến thức đó rất nhiều trên mạng xã hội, nếu các bạn nói mình đam mê Hip Hop, vậy tại sao các bạn không tìm hiểu về những khái niệm đó?


VHĐP: Anh có thể gửi lời nhắn nhủ hay lời khuyên nào đến các bạn trẻ trong cộng đồng không ạ?

Sơn Clown: Đây là một điều anh luôn nói trong các lớp dạy của mình: “Các bạn bỏ tuổi trẻ, thời gian, công sức, đôi khi nó là máu và nước mắt để theo đuổi một thứ mà các bạn cho rằng các bạn ĐAM MÊ. Vậy thì hãy làm sao để cho tất cả những sự hy sinh đó XỨNG ĐÁNG”.

Cảm ơn anh Sơn Clown đã dành thời gian chia sẻ những suy nghĩ rất chân thực và kiến thức cực kỳ bổ ích với VHĐP. Hi vọng nguồn năng lượng và sự cống hiến của anh với văn hóa Hip Hop sẽ lan tỏa ngày càng rộng rãi hơn đến với mọi người. Chúc anh và gia đình có nhiều sức khỏe, luôn sống sống trọn vẹn và hết mình cùng đam mê. 

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.