Thành quả hay thành công luôn được đánh giá bởi quá trình làm việc phía trước. Đặc biệt với các loại hình nghệ thuật đường phố, quãng đường đó chính là con đường của luyện tập, làm việc và cống hiến. Nhưng luyện tập như thế nào cho đúng, luyện tập bao lâu để ta có thể làm việc và đạt thành công?
Trong cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” được xuất bản năm 2008, Malcolm Gladwell đã viết “10,000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại”. Nguyên tắc cho rằng 10,000 giờ “luyện tập có chủ đích” là cần thiết để trở thành bậc thầy đẳng cấp thế giới trong mọi lĩnh vực.
…”Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: 10,000 giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất kỳ lĩnh vực nào”.
Tuy nhiên sau đó có rất nhiều các cuộc tranh luận cũng như những lý thuyết đưa ra để phản đối “Quy tắc 10,000 giờ” này. Vanhoaduongpho.com sẽ cùng các bạn đi sâu hơn về quy tắc này để chúng ta cùng tham khảo và áp dụng nó vào con đường nghệ thuật của chúng ta.
I. Thiên tài có “bẩm sinh” hay không?
Malcolm Gladwell: Trong suốt gần một thế hệ, các nhà tâm lý học trên khắp thế giới đã tham gia vào cuộc tranh luận hăng say xung quanh câu hỏi: phải chăng hầu hết số phận chúng ta có thể coi là đã được định hình từ xa xưa, từ khi sinh ra? Có tồn tại thứ gì đó dạng như tài năng bẩm sinh hay không?
Câu trả lời chắc chắn là có. Chúng ta có thể nhìn thấy việc “cha truyền con nối” hay những thứ gọi là Gen di truyền. Nhưng trong hàng ngàn hàng triệu người mới chỉ có một vài người đạt được đến đỉnh thành công của mình. Bạn cũng nên nhớ thành công này là thành công nhỏ của từng người, còn trở thành người xuất chúng với những điều vĩ đại mang tính lịch sử thì nó là trăm triệu người mới có một vài người.
Và khi các nhà nghiên cứu càng đi sâu vào cuộc đời của những kẻ xuất chúng được cho là “bẩm sinh” như trên, thì người ta lại thấy vai trò của tài năng thiên bẩm càng nhỏ bé hơn so với quá trình chuẩn bị dai dẳng mà ít người biết đến.
Đầu 1990, trong một cuộc tranh luận về tài năng, nhà tâm lý học Anders Ericsson và cộng sự đã đi đến một học viện Âm nhạc để làm một nghiên cứu. Nhờ sự trợ giúp của các giáo sư nơi đây, ông tìm lại các cựu sinh viên ở nhạc viện để nghiên cứu thống kê và phân tích.
Ngạc nhiên thay, khi Ericsson tìm gặp họ, đặt câu hỏi và thống kê lại thì kết quả cho thấy: những người chơi nghiệp dư, giáo viên không bao giờ luyện tập nhiều hơn 3 giờ/tuần trong suốt thời thơ ấu, cho đến khi đạt độ tuổi đôi mươi, tương đương với 2,000 giờ luyện tập. Ở phía còn lại, thời gian luyện tập của những nghệ sĩ chuyên nghiệp đã vượt trội hơn rất nhiều, đến năm 20 tuổi, họ đã tích lũy cho mình trung bình đến 10,000 giờ luyện tập.
Điều vô cùng nổi bật trong nghiên cứu của Ericsson, chính là việc ông và các đồng sự không thể tìm ra bất cứ “thiên tài bẩm sinh” nào mà lại luyện tập với thời gian ít hơn các bạn đồng trang lứa bỏ ra. Hay cả ngược lại, họ cũng không thể tìm ra bất cứ “kẻ cần cù” nào – những người làm việc chăm chỉ hơn tất cả kẻ khác, mà lại không hội tụ đủ những gì cần thiết để lọt vào Top xuất sắc nhất. Những kẻ ngự trị trên đỉnh cao không chỉ làm việc chăm chỉ hơn, hay chăm chỉ hơn nhiều so với người kẻ khác – họ làm việc chăm chỉ hơn rất, rất, rất nhiều!
Qua đó kết luận đưa ra là: để thực hiện hoàn hảo một nhiệm vụ phức hợp đòi hỏi một mức độ luyện tập tối thiểu, và các nhà nghiên cứu có một niềm tin bất tận về một con số thời gian kỳ diệu để đạt đến độ tinh thông thực sự: 10,000 giờ đồng hồ!
II. Quy tắc 10,000 giờ của những kẻ xuất chúng
Thường mọi người sẽ chỉ biết đến những nhân vật xuất chúng đó qua thành quả của họ và không biết đến quá trình đi đến thành công của họ. Bác sĩ thần kinh học Daniel Levitin viết: “Trong những nghiên cứu khác nhau về các nghệ sĩ âm nhạc, vận động viên thể thao, doanh nhân, kĩ sư công nghệ hay cả những tên tội phạm lão luyện, … hằng số 10,000 giờ này luôn luôn lặp lại. Tất nhiên vẫn có người thu hoạch được nhiều hơn từ những buổi luyện tập hơn người khác, song tới nay chưa ai tìm thấy một trường hợp nào trong đó một tay lão luyện tầm cỡ thế giới lại đạt được mức hoàn thiện trong thời gian ngắn hơn mười nghìn giờ.”
Nhà phê bình âm nhạc Harold Schonberg đã gây sốc khi cho rằng Mozart, một người tưởng chừng như một thiên tài biết viết nhạc khi mới lên 6 tuổi, thực ra thuộc hạng “phát triển muộn”. Bởi vì Mozart phải sau hơn 20 năm sáng tác ròng rã với những tác phẩm tương đối thất bại, ông mới cho ra đời những tác phẩm vĩ đại nhất thế giới của mình.
Vậy để thực hiện được quy tắc 10,000 giờ đồng nghĩa với việc luyện tập chăm chỉ với khoảng thời gian trung bình của 10 năm, mỗi năm 1,000 giờ, tương ứng mỗi tuần 20 giờ và mỗi ngày 3 giờ rèn luyện. 10,000 giờ có phải là “con số kỳ diệu của sự vĩ đại” hay thước đo của sự thành công hay không thì chưa biết. Nhưng có vẻ nó là thứ tối thiểu bạn phải làm để khiến mình trở thành bậc xuất chúng!
Như đã nói ở trên, có rất nhiều phản biện quy tắc này rằng: “Có rất nhiều người cũng chăm chỉ luyện tập hằng ngày và làm điều đó hơn 10 năm, nhưng cũng không giỏi hay tiến xa được”. Phải chăng ta chưa nghĩ đến phải làm việc thông minh chứ không phải chăm chỉ.
“Work Smart” hay “Word Hard” – Làm việc thông minh hay chăm chỉ mới hiệu quả? Chúng tôi tin rằng một người nếu có tầm nhìn và định hướng bản thân tốt, sẽ có khả năng thành công cao hơn so với những người đồng trang lứa. Sẽ có những câu hỏi để ta cùng đánh giá xem điều đó đúng hay không?
1. Liệu bạn có chắc rằng tất cả những người làm công ngoài kia đều chăm chỉ hay không, họ dành bao nhiêu thời gian để rèn giũa kĩ năng, bao nhiêu thời gian để giải trí?
2. Nếu bạn không chăm chỉ thử nhiều cách làm để hiểu sâu, thì làm sao bạn biết được đâu mới là cách làm thông minh?
3. Nếu bạn không chăm chỉ một cách đều đặn, bạn có chắc rằng bạn sẽ thông minh hơn những đối thủ cạnh tranh chăm chỉ đều đặn khác trong vòng 10 năm tới hay không?
Ngay cả ngài Buffett, được nhiều người cho là thông minh bậc nhất và có óc tính toán thiên bẩm, thật ra bắt đầu kiếm được 1 triệu USD đầu tiên khi ông 30 tuổi, tức gần 20 năm sau khi ông mua cổ phiếu đầu tiên cho mình vào năm 11 tuổi. Trải qua gần 20 năm siêng năng, học hỏi khôn cùng khiến người khác phải mệnh danh ông là “cái máy học”. Tuy nhiên, rõ ràng ngài Buffett cũng gặp điều kiện vô cùng may mắn khi được sinh ra ở đất Hoa Kỳ văn minh, được bố mẹ khuyến khích đầu tư chứng khoán từ rất sớm và được học triết lý đúng đắn trực tiếp từ ngài Benjamin Graham trong cả trường đại học lẫn công việc.
Vì lẽ đó, ngài Malcolm Gladwell mới đưa ra một luận điểm cuối cùng về “cơ hội phụ trội” đó là may mắn trong đời người… Nhưng nó chỉ là cơ hội để bạn nắm bắt, còn việc thành công vẫn luôn phụ thuộc vào chính bạn.
III. “Cơ hội rèn luyện đặc biệt”
Malcolm Gladwell: Nếu chúng ta bới sâu xuống dưới bề ngoài của những người thành công vĩ đại, thì liệu chúng ta có tìm thấy một kiểu cơ hội luyện tập đặc biệt nào đó hay không? Hãy kiểm nghiệm ý tưởng này bằng 2 ví dụ, mà cả 2 đều gần gũi: một là nhóm nhạc The Beatles – nhóm nhạc nổi danh nhất từ trước đến nay, và hai là tỷ phú công nghệ Bill Gates.
Vào năm 1960, Beatles chỉ là một nhóm nhạc vô danh của trường trung học với 4 thành viên đi dò dẫm tìm đường. Rồi một hôm, họ được mời đến chơi nhạc ở Hamburg, Đức bởi một ông chủ câu lạc bộ thoát y thâu đêm suốt sáng tên Bruno. Có điều gì đặc biệt ở cái “phố đèn đỏ” Hamburg này hay không? Không hề! Trả công hậu hĩ cũng không. Âm thanh tốt cũng không. Khán giả cũng chắng biết gì về âm nhạc. Tất cả chỉ là khối lượng thời gian tuyệt đối mà nhóm nhạc phải chơi. Sau này Beatles mới thú nhận rằng: “Ở Liverpool, chúng tôi mới chỉ chơi những suất dài có 1 giờ đồng hồ mà thôi. Ở Hamburg, chúng tôi phải chơi suốt 8 tiếng đồng hồ liên tục, 7 ngày một tuần.” 8 tiếng, 7 ngày/tuần suốt từ 1960–1964? Vâng đúng vậy, thử thách gắt gao ở Hamburg là một trong những điều khiến Beatles khác biệt với các nhóm nhạc khác hoàn toàn. Họ không chỉ học được khả năng chịu đựng, mà còn phải học khối lượng lớn các ca khúc và cách phối rock & roll với nhạc jazz cho khán giả đỡ nhàm. Lúc đi họ chẳng có gì cả. Lúc trở về họ đã trở nên rất cừ!
Hồi năm 1968, trong lúc các học trò khác lo vui chơi, thì Bill Gates đã “sống với máy tính” ở trường trung học Lakeside. Toàn bộ ý tưởng về ứng dụng của máy tính chỉ mới bắt đầu vào năm 1965, Bill Gates chắc chắn là số may mắn đầu tiên được tiếp cận với máy tính. Đến khi lên đại học Harvard, năm 1971, Bill Gates và các người bạn của mình – Paul Allen, đã sử dụng máy tính “chùa” tại trung tâm dữ liệu ISI, Washington đến 1,575 giờ đồng hồ trong suốt 7 tháng, trung bình là 8 tiếng/ngày suốt 7 ngày trong tuần. “Đó là nỗi ám ảnh với tôi.” – Gates kể lại – “Tôi bỏ tiết thể dục. Tôi đến đó thâu đêm suốt sáng. Tôi đến đó vào cuối tuần. Nhiều lúc mẹ tôi không hiểu tại sao tôi lại khổ sở khi thức dậy mỗi buổi sáng đến như vậy!” Khoảng thời gian từ trung học đến lúc ấy chính là cơ hội rèn luyện phụ trội đặc biệt mà Gates đã chớp được. Mấy ai có đủ điều kiện tài chính và đủ tầm nhìn để kiên trì với lập trình máy tính vào thập niên 1960s như vậy? Từ 1968 – 1975 lúc Gates nghỉ học năm 2 tại Harvard, ông đã tích lũy được 7 năm lập trình liên tục – một cậu Gates trẻ 20 tuổi đã có hơn 10,000 giờ luyện tập, và đã “dọn đường” sẵn cho con đường trở thành tỷ phú của mình trong tương lai.
IV. Kết luận
Với thời đại phát triển bây giờ, khi ta đọc trên truyền thông báo chí, mạng xã hội,…Đánh giá thành công của một người trở nên khó phân định hơn bao giờ hết. Như tất cả mọi thứ diễn ra đều không chỉ đơn giản là luyện tập chăm chỉ hay thông minh và thực hiện nó đúng 10,000 giờ. Nhưng có 1 điều vẫn chắc chắn không thay đổi nếu bạn muốn trở thành một cao thủ trong nền văn hóa Hip Hop hay nghệ thuật đường phố nói chung thì “Quy tắc 10,000 giờ” có vẻ luôn luôn đúng.
Hãy cùng chúng tôi tham khảo một số nhân vật được coi là thành công của nền văn hóa đường phố Việt Nam này để biết thêm về quá trình luyện tập của họ:
1. MTPop (Popper)
Một trong những thế hệ trẻ đang được đánh giá là thành công nhất và tự hào nhất trong lịch sử Hip Hop Việt Nam tính đến thời điểm này. MTPop bắt đầu tập từ năm 2007, sau 9 năm luyện tập với tần suất lúc tập cùng nhóm X-Clown là 6-7 giờ / 1 ngày. Năm 2016, MTPop đạt được cột mốc thành công đầu tiên của mình khi chiến thắng Seven to Smoke tại giải đấu Together Time. Nếu lấy trung bình 6 giờ tập luyện / 1ngày x 365 ngày x 9 năm = 19,710 giờ tập luyện. Đây chính là con số của MTPop bỏ ra để đạt được thành công nhỏ đầu tiên của mình. Tiếp đó với 2 năm tập luyện liên tiếp và đạt ngưỡng hơn 25,000 giờ luyện tập. Đến năm 2018, sau một loạt các giải nhất tại Thái Lan, Nhật Bản, Úc, Thụy Sĩ, Canada,… MTPop trở thành một trong những Popper hàng đầu được cả Thế Giới biết đến hiện nay.
2. Linh Bé (Skater)
Một trong những Skater thế hệ đầu của Skateboard Việt Nam cũng như là người vẫn đang tiếp tục truyền lửa và cống hiến cho Skateboarding. Linh Bé bắt đầu tập trượt ván từ năm 2001 cùng với 6 – 8 tiếng tập luyện mỗi ngày. Bỏ qua các giải thưởng tại Việt Nam năm 2007 – 2008, cột mốc thành công đáng tự hào của Linh Bé là vào năm 2011 khi Linh Bé được tài trợ đi thi và đạt giải bên Trung Quốc. Vậy để đạt được thành công của chính mình Linh Bé đã bỏ ra trung bình 7 giờ tập luyện / 1ngày x 365 ngày x 10 năm = 25,550 giờ tập luyện.
3. Wowy (Rapper)
Một trong những Rapper thế hệ vàng của nền Rap Việt với phong cách, cá tính riêng biệt cũng như đặt rất nhiều dấu ấn trên bản đồ Việt Nam lẫn Thế Giới. Wowy bắt đầu Rap từ khoảng năm 2004, tính đến nay cũng được 16 năm gắn liền với Rap. Anh có tâm sự với chúng tôi khi anh đến với Rap gần như anh dành toàn bộ thời gian trong ngày cho nghệ thuật này. Năm 2010, sau 6 năm liên tiếp sống, ăn ngủ với Rap, anh đã được mọi người biết đến với bài hát “Khu Tao Sống” cùng Karik cũng như biểu diễn trước 250.000 khán giả tại Festival Art Singapore. Nếu chỉ cần ½ ngày của Wowy trong 6 năm thì thời gian anh dành cho Rap là con số 26,280 giờ tập luyện.
4. Linh3T (B-Boy)
Một trong những B-Boy có nhiều cống hiến cũng như có mặt trong các cột mốc lịch sử của Breakin’ Việt Nam và vẫn đang luyện tập, cống hiến cho Hip Hop nước nhà. Linh3T bắt đầu tập Breakin’ từ năm 2003, cột mốc đầu tiên anh đạt được là năm 2007 khi đạt giải nhất Halo4 và đạt giải 3 tại một giải đấu bênTrung Quốc. Những cột mốc được Thế Giới biết đến là khi anh tham dự Red Bull BC One năm 2011 và dành 1 trận thắng với BBoy Wing (Korea). Từ năm 2003 đến cột mốc thành công đó, Linh3T mỗi ngày bỏ ra từ 8-12 giờ tập luyện. Như vậy để đạt được cột mốc đầu tiên năm 2007, với trung bình 10 giờ/1ngày, anh phải mất 14,600 giờ và với cột mốc tại Red Bull BC One năm 2011 anh phải mất 29,200 giờ tập luyện.
5. SubyOne (Graffiti Writter)
Một trong những nghệ sĩ Graffiti thành công tại Pháp nhưng hiện nay đang sống và làm việc tại Việt Nam cũng như là người thúc đẩy sự phát triển của Graffiti Việt Nam những năm gần đây. SubyOne bắt đầu tập vẽ Graffiti từ năm 1992 đến nay là 28 năm không ngừng luyện tập, học hỏi hàng ngày. Thật trùng hợp khi chúng tôi đưa câu hỏi, SubyOne là người thấm nhuần quy tắc 10,000 giờ và hiểu tầm quan trọng của nó. Anh cũng chia sẻ với chúng tôi ngoài việc luyện tập đúng cách trong 10,000 giờ để đạt được kĩ năng chuyên nghiệp thì "mục tiêu để luyện tập" là điều rất quan trọng.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tham khảo quá trình tập luyện của rất nhiều những người thành công khác trong lĩnh vực của họ, có thể sự thành công đó chưa xuất chúng để vươn ra tầm Thế Giới nhưng để được biết đến và có tiếng nói nhất định nào đó thì quá trình tập luyện thường rơi vào ngưỡng tối thiểu 8 - 10 năm.
Chúng tôi tạm dừng lại khám phá “Quy tắc 10,000 giờ” một quy tắc có tầm ảnh hưởng bậc nhất lịch sử của ngài Malcolm Gladwell ở đây. Để chúng ta cùng nhìn lại quá trình tập luyện, làm việc của mình và tìm ra động lực để phấn đấu phát triển bản thân.
Trước khi chia tay xin tặng các bạn một câu nói của Joel Greenblatt: “Rèn luyện không chỉ tạo nên sự hoàn hảo. Rèn luyện giúp ta tạo nên sự vĩnh viễn.”
*****
Trích dẫn và bình luận thêm từ tác phẩm ảnh hưởng bậc nhất Outliers (Malcolm Gladwell), S.A.F.E team, các nghệ sĩ đường phố Việt Nam SubyOne, Linh Đỗ, Wowy, Linh3T, MTPop, Sơn Clown.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.