Hip Hop Việt – Tại sao có những thương hiệu đang tan dần trong thập niên vừa qua

Hip Hop Việt – Tại sao có những thương hiệu đang tan dần trong thập niên vừa qua

Chuẩn bị bước sang 2020 đầy thách thức và cơ hội, chúng ta cùng nhìn lại cách vận hành của cả cộng đồng Hip Hop Việt Nam trong mười năm đã qua, để thấy rằng các cá nhân, tập thể chúng ta chưa thành công trong xây dựng và quản trị thương hiệu của cộng đồng mình. Hay ở một góc nhìn khác, có số ít cá nhân, tổ chức thành công, nhưng ảnh hưởng đó không tạo nên được hình ảnh chung của cả một cộng đồng.


Nữ Rapper Suboi một trong số ít Rapper vẫn thành công trong lòng khán giả

Mười năm qua chúng ta nhận thấy sự biến mất từ từ của nhiều tượng đài trong Hip Hop, điều đó cho thấy một điều hiển nhiên rằng: Thương hiệu liên quan đến họ, đến tổ chức của họ, đã gặp phải rất nhiều vấn đề trong quản trị và phát triển thương hiệu dẫn đến sụp đổ. Vậy những câu chuyện đó ở đây cụ thể là gì?

Thứ nhất: Không tìm ra được đặc điểm tốt nhất của thương hiệu, vấn đề này thường xuất phát từ lòng tham của các ông chủ đang sở hữu thương hiệu, khi đạt được một thành công nho nhỏ họ bắt đầu nghĩ đến phát triển thêm các sản phẩm thay vì tối ưu cái cũ. Đương nhiên họ không thể có ngay người để làm những sản phẩm mới đó, họ phải tuyển dụng người ngoài và yếu tố nhân sự ô hợp khi quy mô còn nhỏ dẫn đến phá hủy toàn bộ cấu trúc đang có. Từ đây dẫn đến vấn đề thứ 2.


Thứ 2: Thương hiệu phản ảnh mọi thứ tiêu cực từ chính hình ảnh cá nhân của các ông chủ. Khi có nhiều vấn đề, cộng năng lực quản trị không đủ, hình ảnh của các ông chủ dần đi xuống bởi những quyết định sai lầm liên tiếp, dẫn đến thương hiệu của tổ chức chìm mất dần theo những quyết định đó. Thay vì nổi tiếng bởi chất lượng, tổ chức đó sẽ nổi tiếng vì đấu đá tranh giành, tham nhũng, biển thủ và tiêu cực vô kiểm soát.

Thứ 3: Thông điệp không đồng nhất khi ra với thị trường, họ luôn lung lay bởi khách hàng không định nghĩa được cái gì là Hip Hop và luôn góp công cùng làm mất đi bản sắc của nên văn hóa này, khi họ làm các đơn đặt hàng. Dần dần người ta không biết họ có còn làm Hip Hop nữa không. Có những Rapper khởi đầu được yêu mến với việc nói lên tích cực trong xã hội, nhưng sau đó tự bản thân đại diện cho những tổ chức chính trị ngoài đất nước đánh mất đi thương hiệu của bản thân họ. Có những nhóm nhảy số một là Breaking, muốn mình trở nên số một trong thị trường nhảy nên đã nhảy tất cả mọi thứ, quên đi giá trị cốt lõi của mình. Tất cả lụi tàn bởi những thành viên đi trong nó, không tự thông điệp được bản thân tôi là ai.


Thứ 4: Không chạm được tới cảm xúc của thị trường, nhiều người khi trở nên nổi tiếng đã mất đi vẻ khiêm tốn ban đầu. Tất cả đến với họ bởi thị trường cần họ, họ chỉ chăm chút những thứ hữu hình như giọng hát, động tác vv... Còn sự gần gũi, sự lắng nghe là những thứ vô hình tạo nên giá trị thương hiệu bị bỏ rơi vào quên lãng.

Thứ 5: Coi thường việc tự gây dựng một cộng đồng. Cộng đồng Hip Hop của chúng ta có rất ít các cộng đồng nhỏ, mỗi nhóm nhảy khi đi thi đấu không có cộng đồng truyền thông cổ vũ, nhiều Rapper, DJ hoặc những tay vẽ Graffiti không có đủ lượng Fan cần thiết khi “có chuyện”. Khán giả của họ chỉ đến khi có sự kiện và trả phí, còn lại kết nối, lan tỏa kiến thức, tinh thần vv.. thì các cộng đồng nhỏ không làm được.


Thứ 6: Không đo lường được tính hiệu quả của thương hiệu, hiện tại 99% các thương hiệu Hip Hop trong nước không định giá được giá trị của mình.

Sẽ là câu chuyện dài kỳ cho bất kể thương hiệu nào, ngành nghề nào. Tuy nhiên Hip Hop có đặc thù riêng của nó bởi tính chất nghệ thuật liên quan đến đường phố. Chúng ta cần cố gắng giữ được bản chất ban đầu, bằng hành động từ những cá nhân trong cộng đồng này. Mỗi người, mỗi tổ chức cần tự tôn thương hiệu của mình đi kèm với giá trị cốt lõi là văn hóa Hip Hop. Cần có trách nhiệm truyền tải chính xác giá trị các thương hiệu mà mình đang nắm giữ và định hình được nét đặc sắc đó, trong mỗi trải nghiệm của khán giả yêu thích nó.

Một thập niên mới sắp đến, mỗi thời kỳ lại đi với một sự thay đổi, mong rằng tất cả cùng thích nghi và xây dựng được những hình ảnh đẹp để cùng nhau phát triển. Hip Hop không bao giờ chết, chỉ có những thương hiệu của chúng ta đã chết bởi không có chiến lược cho bản thân mình.


Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.