Dù cho tham gia vào lĩnh vực nào cũng vậy, thời kỳ đầu khi mới chân ướt chân ráo học tập tìm tòi thì cũng sẽ vô cùng mất thời gian. Ban ngày đi học, đi làm. Ban đêm tập nhảy, tập vẽ Graffiti, ngồi hàng giờ đồng hồ để học cách làm một bản nhạc, viết một cặp vần,... Đôi khi chúng ta phải đánh đổi nhiều đêm thức trắng để theo đuổi đam mê.
Nhưng như vậy thì có đáng hay không? Liệu có nên từ bỏ giấc ngủ để chạy theo mong ước của bản thân?
Theo tiến sĩ Matthew Walker viết trong cuốn sách Why We Sleep: “Bạn sẽ không thể làm được gì ra hồn nếu thiếu giấc ngủ” - Vậy giấc ngủ có vai trò như thế nào đối với việc tập luyện?
Tại sao chúng ta lại ngủ
Để tìm câu trả lời, trước hết cần phải biết điều gì khiến cho ta rơi vào trạng thái buồn ngủ. Có hai tác nhân khiến cho một người muốn đi ngủ, thứ nhất là nhịp sinh học, và thứ hai là Melatonin.
Nhịp sinh học luôn tồn tại bên trong cơ thể sinh vật, bất kể là động vật hay thực vật. Giống như một cái máy đã được lập trình từ trước, khi có những điều kiện phù hợp thì nhịp sinh học sẽ “ren” lên, báo hiệu rằng ta nên đi ngủ. Nhịp sinh học cũng góp phần điều khiển những nhân tố khác như mức độ thèm ăn, sự tỉnh táo, khả năng tập trung,...
Còn Melatonin là một hợp chất sản sinh bên trong cơ thể. Đây có thể được ví như là một liều thuốc ngủ tự nhiên. Melatonin tích tụ bên trong cơ thể một người khi họ thức, và sẽ lập tức giảm dần khi người đó chìm vào giấc ngủ. Chúng ta tỉnh giấc khi mà Melatonin trong cơ thể đã cạn. Và thế là khi thức thì chất này lại được bơm đầy, rồi đến một mức độ nhất định nó tạo ra cảm giác buồn ngủ, và bắt buộc chúng ta phải đi ngủ.
Nhịp sinh học và Melatonin luôn hoạt động song hành cùng nhau. Khi Melatonin đạt đỉnh và nhịp sinh học tiến đến điểm kích hoạt của nó thì một người sẽ “chìm vào giấc ngủ nồng say”.
Giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với quá trình tập luyện?
Giấc ngủ có vô vàn những lợi ích. Nhưng trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ chỉ đề cập đến lợi ích của giấc ngủ đối với Trí Nhớ Kỹ Năng.
Trí Nhớ Kỹ Năng là loại trí nhớ hình thành trong quá trình luyện tập một kỹ năng nào đó, ví dụ như nhảy nhót, chạy xe đạp, vẽ vời,... Đây là những hoạt động mà chúng ta cần thật sự “làm”. Anh em không thể nào biết vẽ chỉ bằng cách xem người khác vẽ, hay không thể nào biết chạy xe đạp chỉ bằng cách đọc sách hướng dẫn chạy xe đạp. Cần thật sự bước lên chiếc xe đạp, thật sự cầm cái bình sơn lên và luyện tập thì mọi người mới có thể thuần thục được.
Nhiều người thường hay nhầm lẫn giữa Trí Nhớ Kỹ Năng và Trí Nhớ Cơ Bắp (Muscle Memory), nhưng Trí Nhớ Cơ Bắp là một cách dùng từ sai. Bản thân cơ bắp không lưu trữ các kỹ năng. Trên thực tế, Trí Nhớ Cơ Bắp chính là trí nhớ của bộ não. Việc rèn luyện cơ bắp sẽ giúp thực hiện các kỹ năng dễ dàng hơn, tuy nhiên, chính bộ não mới nắm giữ chìa khóa cốt lõi để chúng ta thực hiện kỹ năng đó.
Khi tập một điệu nhảy, vẽ một bức Graffiti, hay trình diễn trên sân khấu,... ban đầu đa phần mọi người đều cảm thấy nó thật khó. Lý do là vì anh em chưa bao giờ làm những việc này trước kia. Chúng ta chưa từng đi nhảy, không biết gì về cách tạo ra một bức tranh, chẳng biết cách để làm một bài nhạc,... Mọi thứ thật mới, tựa như một trang giấy trắng.
Tuy nhiên chỉ sau 2-3 tháng tập luyện những hoạt động này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Lý do chính là vì chúng ta đã quen, đã thuần thục. Và trong não đã hình thành trí nhớ cho loại kỹ năng ấy.
Giấc ngủ chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong việc củng cố và cải thiện Trí Nhớ Kỹ Năng. Hãy tưởng tượng nó giống như một bức tường thành. Và một giấc ngủ 8 tiếng mỗi đêm sẽ là chất liệu để gia cố cho bức tường này ngày càng vững chắc.
Trong nhiều cuộc nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sĩ Matthew, cho thấy rằng khi ngủ dưới 6 tiếng mỗi đêm thì sức mạnh thể chất của một người giảm từ 10% - 30%. Nhịp tim và nhịp thở cũng tăng đáng kể. Điều này xảy ra bởi sự sa sút đáng kể của hệ tim mạch và khả năng trao đổi chất. Khả năng tập trung cũng bị ảnh hưởng vô cùng lớn nếu thiếu ngủ. Vì vậy chúng ta cần phải ngủ đủ để đạt được trạng thái sung sức nhất của cơ thể. Từ đó nhảy nhót hay vẽ vời mới thật sự hiệu quả.
Bên cạnh đó, giấc ngủ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình hồi phục của cơ thể. Những anh em nào tập nhảy, đặc biệt là nhảy Popping thì cơ thể phải liên tục trong trạng thái gồng cứng. Việc này tạo nên áp lực lớn lên cơ bắp. Nhiều bạn lúc mới tập thấy vui quá nên cứ liên tục tập ngày qua ngày, tháng qua tháng. Nhưng không, đừng làm như thế. Cơ bắp của chúng ta cần được nghỉ ngơi. Và giấc ngủ chính là thứ sẽ giúp cơ bắp làm điều ấy.
Lần tới trước khi tham gia một giải đấu. Thứ cần nhất không phải là 10 tiếng luyện tập vào ngày hôm trước, mà mọi người cần một giấc ngủ thật đủ đầy.
Mặc dù quan trọng là thế, nhưng hiện nay vẫn có nhiều BBoy, Graffiti Writer, Emcee... từ bỏ giấc ngủ để lao đầu vào tập luyện. Đồng ý là chúng ta siêng năng nên mới thức khuya để làm việc, để học tập, nhưng chính việc thức khuya dẫn đến thiếu ngủ này vô hình chung lại gây ảnh hưởng xấu đến kết quả nơi cuối đường. Như vậy thì liệu có đáng để đánh đổi? Câu trả lời nằm ở chính các bạn.
*Nguồn: Sách Why We Sleep và ý kiến cá nhân.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.