Xã hội đang hiểu đúng về Graffiti ở Việt Nam

Xã hội đang hiểu đúng về Graffiti ở Việt Nam

Chính thức bùng phát tại Mỹ từ đầu những năm 1970 trong một chính quyền mất kiểm soát, Graffiti lúc đó mang nhiều màu sắc chính trị và ý thức hệ của thanh niên da màu. Các bức vẽ thời kỳ này thể hiện sự đối đầu và thách thức nhằm nói lên cái tôi mang màu sắc tộc trước sự mục nát của xã hội lúc bấy giờ, nơi mà người da đen không có tiếng nói.


Những bức vẽ thể hiện bằng chữ được kết hợp đa sắc màu nói lên họ cũng là một bộ phận dân cư có tri thức. Nó bắt đầu phủ chiếm những không gian rộng lớn đổ nát cho thấy sự đòi hỏi được công nhận sự có mặt của một nền văn hóa mới, trên một lãnh thổ muôn màu như nước Mỹ, nơi mà những dân tộc tạo nên nó cũng đóng góp xây dựng đất nước bằng máu và nước mắt từ cả trăm năm trước đó.


Trong thế kỷ 20, trong xã hội luôn xuất hiện hai luồng ý kiến khi nói về Graffiti, một bộ phận giới chức và người dân nhìn lịch sử hình thành của nó để cho rằng đó là phá hoại, là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức, nhưng ngược lại một bộ phận lớn khác, đặc biệt là giới trẻ thì có cái nhìn mở hơn, đó chính thức là loại hình nghệ thuật có giá trị rất cao. Vậy thì đâu là ý kiến đúng, chúng ta chỉ có thể đứng trong bối cảnh xuất hiện của từng bức tranh mới có thể phân định được. Giống như câu chuyện các bức vẽ ở Việt Nam dưới đây, giờ đã khác rất nhiều với việc nó sinh ra tại nước Mỹ.

Ở Việt Nam người ta nói gì về Graffiti? Ý kiến nhiều hơn đang xuất hiện cho rằng nó là nghệ thuật mang thông điệp tích cực, bởi thật sự luật pháp có kiểm soát tốt vấn đề này, những bức vẽ lớn xuất hiện dưới sự cho phép, được hoàn thiện bởi ý thức tốt và trình độ khá cao của các tay vẽ. Nghệ sỹ “Graffiti khủng” ở Việt Nam thường có học thức khá tốt, đó là nguyên do tại sao ý thức của họ không phải là điều đáng lo ngại. Hiện các bức vẽ tại những điểm không cho phép, gọi là “Bom”, trong giới thường truyền miệng nhau thực sự phần lớn là do các “tay vẽ” người nước ngoài đi du lịch, hoặc người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam thực hiện chứ không phải nghệ sỹ Việt Nam.


Ảnh nguồn báo An Ninh Thủ Đô

Chính vì vậy, hiện nay Graffiti đang rất được quan tâm phát triển, bởi các cấp chính quyền nhìn nhận được trình độ và ý thức của người chơi tại Việt Nam. Trong một phóng sự của VTV cuối năm 2018 về chủ đề “Hướng đi nào cho Graffiti tại Việt Nam”, họa sỹ Lương Xuân Đoàn – Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng nói rõ việc “Cần dành cho thanh niên nhiều hoạt động để chia sẻ, để giải phòng năng lượng trong nhiệt huyết của họ”. Điều này cho thấy truyền thông quốc gia, các cấp quản lý đang rất ủng hộ những hoạt động Graffiti đúng mực.


Ảnh cắt từ phim tư liệu VTV

Không khó để nhìn thấy được nét đẹp của các nét vẽ hiện đã che đi các số điện thoại quảng cáo, rao vặt trên những bức tường trên khắp đất nước. Graffiti đến Việt Nam trong thế kỷ 21, thế cho nên mọi người sẽ chỉ nhìn thấy nó là những tác phẩm nghệ thuật, bởi thực sự bối cảnh sinh ra của nó tại Việt Nam không đi lên từ bạo lực. Trong rất nhiều dự án của chính phủ, nó còn được sử dụng để truyền đi các thông điệp về văn hóa và môi trường.

Do vậy, trong tương lai Graffiti của chúng ta sẽ còn phát triển bởi một điều đơn giản: Xã hội đang nhìn nhận nó với thái độ tích cực và ủng hộ.
Và điều đó thực hiện như thế nào cũng cần phải có câu trả lời từ những thế hệ nghệ sỹ Graffiti Việt Nam.


Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.