Vụ "vẽ bậy" trên đoàn tàu Metro số 1 - Rất khó để phân định đúng và sai

Vụ "vẽ bậy" trên đoàn tàu Metro số 1 - Rất khó để phân định đúng và sai

Đoàn tàu Metro 1 phải tạm ngừng khai thác, các chú công nhân phải làm việc hàng giờ liền bên ngoài trời dưới cái nắng khắc nghiệt (gần 37 độ C) chỉ để phục hồi lại đoàn tàu, Ban quản lý đường sắt đô thị và nhà thầu đã phải bỏ thời gian quý báu chỉ để điều tra xem ai là thủ phạm của vụ việc, trong khi đáng lẽ thời gian đó có thể được sử dụng để chăm chút vào công cuộc phát triển Metro 1 - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại khu vực miền Nam,... 

Đó chỉ là một vài, trong số nhiều hậu quả mà thủ phạm trong vụ "vẽ bậy" trên đoàn tàu Metro số 1 đã để lại. Hành động "Bomb" này lại một lần nữa làm ảnh hưởng đến cái cách mà xã hội Việt Nam nhìn nhận Graffiti. Và dĩ nhiên là nó đã làm ảnh hưởng đến cả một cộng đồng Graffiti đi theo đường lối chính thống, với rất nhiều con người đang ngày đêm tìm cách để Graffiti được công nhận, để người ta không còn xem đó là “vẽ bậy", mà nhìn nhận Graffiti như một loại hình nghệ thuật đích thực. 

Đoàn tàu Metro 1 bị "vẽ bậy"

Lịch sử hình thành và phát triển của Graffiti chắc anh em cũng đã rõ. Lấy ví dụ ở Mỹ, việc “Bomb" lên những đường hầm, đoàn tàu đã không còn là câu chuyện quá xa lạ. Vào đầu những năm 2000, khi được du nhập vào nước ta thì Graffiti vẫn là loại hình nghệ thuật tương đối mới. Về sau nhờ sự phát triển của Internet, các phương tiện truyền thông đại chúng mà người Việt đã biết và “hiểu" hơn về bộ môn này. 

Xét riêng trong quý 1 năm nay và trong năm 2022, đã có nhiều buổi Offline, sự kiện, sinh hoạt cộng đồng được diễn ra. Những sự kiện này do các anh em chung tay tổ chức cũng có, mà được đầu tư mạnh tay bởi các cơ quan có thẩm quyền cũng có. Đơn cử như “Vui Vẽ Bậy Bạ”, Lễ hội Graffiti “Nam Jam", hay đặc sắc nhất là Lễ hội “Thư pháp và Graffiti" được tổ chức tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Tất cả những sự kiện này được tổ chức một cách bài bản, văn minh, và ít nhiều cũng đã giúp Graffiti tại Việt Nam được phát triển, được công nhận đúng với giá trị của nó.

Triển lãm "Thư pháp và Graffiti"

Vui Vẽ Bậy Bạ

Lễ hội Graffiti "Nam Jam"

Tuy nhiên vụ “vẽ bậy" trên đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông vào năm 2017, hay sự việc xảy ra với đoàn tàu Metro 1 vào tháng 6 năm ngoái, và mới nhất là vào cuối tháng 4 vừa qua đã “phá hoại” phần lớn công sức mà anh em trong cộng đồng bỏ ra. Nếu không có những vụ việc trên, có lẽ cách mà xã hội Việt Nam nhìn nhận loại hình nghệ thuật đường phố này đã khác... đôi chút.

Dưới những bài báo đưa tin về vụ đoàn tàu Metro 1 bị vẽ bậy được đăng tải trên mạng xã hội, thật đáng buồn khi có rất nhiều bình luận không mấy thiện chí nhắm vào nghệ thuật Graffiti, vào cả cộng đồng, chứ mọi người rất ít chỉ trích một cá nhân cụ thể nào. Bởi sâu trong tâm tưởng, dường như người Việt đã mặc định rằng vẽ Graffiti chính là “vẽ bậy", và dù cho bức Graffiti đó có được những nghệ sĩ chân chính thực hiện một cách tận tâm, tận tụy, thì chúng vẫn cứ là… “vẽ bậy". 


Khó có thể tránh được những bình luận tiêu cực này, bởi sự thật là những vụ việc liên quan đến Graffiti tại Việt Nam đã và đang khiến mọi thứ phải diễn ra theo chiều hướng tiêu cực ấy. Làm sao để mọi người không nhìn nhận Graffiti là vẽ bậy, khi mà chính cái cửa nhà của họ đêm trước còn bình thường, thì hôm sau đã bị một Writer nào đó "bôi bẩn" bằng những nét vẽ mà họ cho là nguệch ngoạc?

Quá trình khôi phục đoàn tàu Metro 1

Tuy nhiên văn hoá vẫn luôn là văn hoá, và văn hoá sẽ luôn ít nhiều tìm cách để trở về với cội nguồn của chính nó. Đối với Graffiti, khởi đầu của loại hình này vẫn là việc các Writer đi "Bomb" trên đường phố. Không thể phủ nhận rằng nhờ hành vi đó mà Graffiti mới phát triển mạnh mẽ như ngày nay.

Vào những năm 70s, các bức Graffiti trên đường phố hay trên những công trình công cộng tương tự đã giúp người da màu nói lên tiếng nói của họ. Từ đó góp phần không nhỏ giúp họ có thêm niềm tin, động lực để đấu tranh cho quyền bình đẳng, tình trạng phân biệt chủng tộc gay gắt, cùng nhiều vấn đề bất công khác mà người da màu phải đối mặt. 

Hành động "Bomb" trên đoàn tàu Metro 1 rõ ràng là đi ngược lại với luật pháp, với quy chuẩn xã hội Việt Nam. Nếu xét trên phương diện này thì thủ phạm đã sai hoàn toàn. Tuy nhiên xét trên phương diện văn hoá, đối với các tay vẽ "ngầm" thì có lẽ đây sẽ là một "chiến tích" để đời. Bức vẽ trên đoàn tàu Metro 1 được thực hiện bài bản, khéo léo, và có thể nói là người thực hiện có kỹ thuật khá tốt. Đó sẽ là thứ để Writer nọ "tự hào" đối với các anh em trong cộng đồng Graffiti "ngầm". 

Dondi White 

Hơn nữa, phải thừa nhận rằng Việt Nam đang thiếu sân chơi dành cho Graffiti. Trong khi đó đam mê là thứ mà ta phải thực hiện, phải bày tỏ thì mới được thoã mãn. Đam mê và cảm xúc bị dồn nén lâu ngày dễ sinh ra sự nổi loạn. Vậy thử hỏi khi ấy nếu không có sân chơi chính thống thì các Writer phải làm gì? Câu trả lời chắc anh em cũng đã rõ. 

Nói chung, việc đánh giá hành vi "vẽ bậy" trên đoàn tàu Metro 1 đúng hay sai là cực kì khó. Người đã thực hiện vụ việc chắc chắn không nghĩ rằng đó là sai, bởi nếu nghĩ đó là sai thì đã không làm. Riêng những người ngoài cuộc, không ở trong cộng đồng Graffiti thì mặc nhiên sẽ cho rằng hành vi này là "vẽ bậy", hay thậm chí là "phá hoại". Nhưng nói đi thì phải nói lại, nếu bạn không ở trong một cộng đồng thì làm sao bạn hiểu người trong cộng đồng ấy muốn gì? Và liệu việc ta quy chụp khái niệm đúng và sai cho một người mà mình không hiểu, không tiếp xúc thì có phải là đúng?


Mong vụ “vẽ bậy" tại đoàn tàu Metro 1 vừa qua sẽ là vụ việc cuối cùng, bởi nói gì nói thì đây cũng là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều bên. Nhưng đồng thời mọi người hãy nhìn sự việc theo một chiều hướng khác và tự hỏi rằng liệu có phải Graffiti Việt Nam đang thật sự quá thiếu những sân chơi chính thống, đến mức mà các Writer phải đi "vẽ bậy" để thoả mãn đam mê? Đó là sẽ câu hỏi mở mà mọi người nên tự có câu trả lời cho riêng mình. 


Anh em nghĩ thế nào về vụ việc này? Tất cả quan điểm trong bài viết đều được hình thành dưới góc nhìn, cũng như là nhân - sinh - quan của cá nhân tác giả. Bài viết cũng không nhằm mục đích công kích bất kì cá nhân nào, mà chỉ muốn nhìn lại và rút ra bài học trong vụ “vẽ bậy" trên đoàn tàu Metro số 1, để từ bài học đó mà chúng ta cùng nhau phát triển, cùng nhau tiến bộ. 

Vậy nên anh em hãy đọc bài viết với một tinh thần cởi mở nhất có thể nhé!

Peace and Love,   

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.