Dondi White - Dấu ấn trường tồn của thời đại

Dondi White - Dấu ấn trường tồn của thời đại

Người ta yêu Dondi bởi những di sản mà ông đã để lại cho Graffiti, bởi cách cái cách mà ông khoác lên nhiều toa tàu bằng sắt chán ồm của New York những dấu ấn cá nhân cũng như là thời đại, và người ta cũng yêu luôn cái tính tình hơi rụt rè trong đời sống, nhưng lại mãnh liệt trong nghệ thuật của con người vĩ đại này. Nhưng chỉ tiếc là mọi thứ về ông tồn tại quá ngắn ngủi, để đến giờ này nhiều người vẫn thấy chạnh lòng khi gọi Dondi là thiên tài đoản mệnh. 

Vậy Dondi là ai? Điều gì đã khiến ông trở thành một nghệ sĩ Graffiti huyền thoại? Tất cả sẽ được giải đáp trong ngày hôm nay. 

Dondi là ai? 

Dondi White - tên thật là Donald Joseph White sinh năm 1961, là một nghệ sĩ graffiti huyền thoại người Mỹ gốc Phi. Ông được biết đến như là một trong những người giỏi nhất từng tồn tại trong lịch sử của bộ môn này. Với một phong cách Graffiti độc đáo cùng khả năng dùng màu thương thừa, Dondi đã để lại dấu ấn nổi bật trên nhiều con tàu điện ngầm của thành phố New York. Bên cạnh đó ông cũng có những tác phẩm được thực hiện trên giấy, một số ngày nay được coi như là “báu vật” của nền văn hoá Graffiti. Dondi cũng là người sáng tạo ra nhiều kỹ thuật vẽ mà đến ngày nay vẫn còn được sử dụng rộng rãi. Và khi nhắc đến thiên tài này thì ta phải nhắc đến Children of the Grave - một chuỗi các tác phẩm được ông thực hiện từ 1978 đến 1980 đã đi vào huyền thoại.


Chân dung Dondi White

Cuộc đời và phong cách vẽ của Dondi

Dondi sinh ra tại phía Đông thành phố New York và là con út trong gia đình 5 anh chị em. Vào giữa những năm 1975, khu vực này trở thành một mớ hỗn độn do bị bủa vây bởi nhiều tệ nạn xã hội như ma tuý và bạo lực. Các băng đảng hoành hành khắp nơi. Cướp bóc, mại dâm, dao súng bỗng trở thành một thứ gì đó “bình thường” đối với người dân vùng phía Đông New York. Để tránh việc bị tấn công bởi các băng đảng giang hồ, Dondi đành phải giữ quan hệ với một vài tay anh chị có số má.

Mặc dù phải dao du với nhiều “thành phần bất hảo”, nhưng bản thân Dondi chưa bao giờ để mình bị biến chất. Ông coi trọng gia đình và bạn bè hơn tất cả. Bên cạnh đó ông cũng rất hiếu học và được cho ăn học đến nơi đến chốn, đúng kiểu "con nhà người ta" ngày nay. Dẫu có cho mình một lối sống khá chuẩn mực, nhưng Dondi lại chưa bao giờ để xuất thân trở thành rào cản ngăn cách ông với các anh em vẽ Graffiti đến từ đường phố. Đối với Dondi, tất cả mọi người bất kể giàu nghèo hay sang hèn, một khi đã tham gia vào thế giới Graffiti thì đều hướng về một mục đích chung, đó chính là tạo nên những tác phẩm tuyệt vời. 


Từ thập niên 60s đã chứng kiến việc các băng đảng giang hồ thường xuyên “Tag” tên lên mặt đường như một hành động “đánh dấu lãnh thổ”. Nếu không muốn “vô tình” bị lãnh một phát đánh chí mạng từ sau gáy thì tuyệt nhiên anh em phải chú ý đến những cái “Tag” này, để biết xem liệu bản thân có đang ở trên địa bàn của băng nhóm nào hay không. Dondi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ông lại tìm kiếm một thứ khác ẩn sâu bên trong những con chữ thô kệch ấy. Dondi muốn đưa vào đó các chủ đề về chính trị hay những dấu ấn của thời đại. Khi tiếp xúc với các con chữ, ông luôn thấy một thứ mà ít người nào nhìn thấy: “Khi nhìn vào các ký tự, hình ảnh bọn nó xếp hàng dài luôn xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi có thể thấy rằng hình như chữ “E” kia có vẻ hơi ốm, hay chữ “M” nọ có thể được cách điệu một ít ở phần đuôi. Tôi thật sự có thể thấy được những hình ảnh ấy, trong khi mọi người thì không”. 

Dondi bắt đầu sự nghiệp Graffiti bằng cách Tag tên mình tại các khu tàu điện ngầm. Ông dùng rất nhiều tên khác nhau: “NACO”, “ASIA”, “MR WHITE”,... nhưng “DONDI” vẫn là cái được ông dùng nhiều hơn cả. Dondi trở thành thành viên của tổ đội TOP (The Odd Partners) vào năm 1997. Một năm sau đó, ông rời TOP và thành lập mái nhà của riêng mình, lấy tên là CIA (Crazy Inside Artist). Chi tiết này khá thú vị, bởi CIA đồng thời cũng là chữ viết tắt của Cơ quan trình báo trung ương Hoa Kỳ.  



Một vài tác phẩm Graffiti của Dondi White

Dondi ưa chuộng phong cách Graffiti truyền thống, tức là những con chữ nét đậm được vẽ tách biệt rõ ràng, ít cách điệu và biến tấu. Cùng với tài năng cá nhân và dưới sự công tác cùng các người anh em, Dondi đã để lại rất nhiều tác phẩm mà giờ đây đã trở thành di sản của Graffiti thế giới. Sau này ông còn có cơ hội làm việc chung với Futura 2000, Keith Haring, Zephyr,... tất cả đều là những huyền thoại Graffiti của thời đại. Cùng nhau, họ đã biến loại hình nghệ thuật từng được xem là phi pháp này trở thành thứ mà bây giờ chúng ta vẫn hay gọi là nghệ thuật đường phố. 

Children of the Grave - dấu ấn mãnh liệt nhất mà Dondi để lại cho thời đại

Nhắc đến di sản của Dondi thì không thể không kể đến Children of the Grave, một chuỗi tác phẩm được ông thực hiện từ 1978-1980. Giống như Basquiat, Dondi cũng là một người rất yêu âm nhạc. Mặc cho sự thật rằng Graffiti là một phần của văn hoá Hip Hop - nơi mà dòng nhạc Rap đã ngự trị từ bấy lâu, thì Dondi lại chẳng quan tâm điều này cho lắm. Thay vào đó ông lại đam mê sự cuồng điên của các bài nhạc Rock. Dễ thấy nhất chính là việc cái tên Children of the Grave được Dondi lấy ý tưởng từ bài nhạc cùng có cùng tựa đề của Black Sabbath - một ban nhạc Rock chuyên về thể loại Heavy Metal ở Anh Quốc. 

Bức thứ nhất trong Children of the Grave được Dondi vẽ trên một con tàu điện ngầm của New York. Ông đã “Tag” tên của chính bản thân mình - DONDI, kết hợp cùng với một vài đường nét cách điệu có hình dáng tương tự như các vết nứt. Chỉ đơn giản như thế thôi cũng đủ khiến Children of the Grave trở thành một di sản vĩ đại nhất mà thiên tài này từng để lại. 


Children of The Grave (bức 1)

Ở bức thứ hai trong Seri Children of the Grave, ta thấy rõ ràng rằng phong cách của Dondi đã có sự biến chuyển. Thay vì chỉ là tên của mình, ông đã thêm vào chi tiết cái bàn tay ở bên trái ngoài cùng. Màu sắc của bức này cũng trở nên phóng khoáng hơn rất nhiều. 


Children of the Grave (bức 2)

Bức thứ 3 trong Children of the Grave đóng vai trò quan trọng nhất của toàn seri, cũng như là một trong những tác phẩm “iconic” nhất trong lịch sử của Graffiti từ trước đến nay. Phiên bản này có một ma lực gì đó mà ta khó có thể giải thích được, chỉ biết là khi nhìn vào, nó ngay lập tức tạo cho người xem một cảm giác dễ chịu. Có lẽ phần nhiều là nhờ vào dáng chữ có phần hơi hóm hỉnh cùng với hai chú bé được vẽ theo kiểu “Cartoon” ở hai bên. 


Children of the Grave (bức 3)

Những năm cuối đời

Dondi White mất vào ngày 2/10/1998 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh thế kỷ, AIDS. Với tính tình khiêm nhường cùng đức tính đáng quý, Dondi được rất nhiều người yêu mến. Ông cũng chính là hình mẫu đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ Graffiti khác. Bản thân ông chưa bao giờ tìm kiếm danh tiến hay tiền tài, thứ mà Dondi luôn mong muốn có được chỉ là niềm vui trong nghệ thuật.  

Khoảng thời gian sau những năm 1980 ông không chỉ vẽ trên tàu điện ngầm mà còn vẽ trên giấy. Một số đã được Dondi hoàn thành và đến ngày nay vẫn còn được lưu giữ như báu vật của văn hoá Graffiti. Dondi White Style Master General: The Life of Graffiti Artist Dondi White là cuốn sách kể lại về cuộc đời của Dondi được Michael White (anh trai ruột của Dondi) ra mắt sau sự ra đi của người em đáng kính. Michael chọn viết tiếp câu chuyện mà Dondi đã để lại, về những gì ông đã hoàn thành và cả những thứ còn đang dang dở. Cuốn sách cũng được tham gia sản xuất bởi Zephyr, người bạn thân nhất của Dondi, và cũng đồng thời là một nghệ sĩ Graffiti huyền thoại.    

Kết Luận

Dondi bằng chính lối sống và tài năng của mình, đã khiến cho người đời phải nhớ về ông như một trong những nghệ sĩ Graffiti lỗi lạc nhất. Mặc dù cho không còn trên cõi đời này nữa thì những di sản mà ông để lại vẫn còn đó, và vẫn được tôn sùng như là một trong những dấu ấn mà không một ai có thể thay thế hay xoá nhoà. Quá tuyệt vời cho Dondi White - một con người vĩ đại.  

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.