Quá trình nghệ thuật Graffiti len lỏi vào thế giới thời trang

Quá trình nghệ thuật Graffiti len lỏi vào thế giới thời trang

Người ta thường biết đến Graffiti như một loại hình nghệ thuật đường phố với các con chữ đầy màu sắc, mặc dù đôi khi hơi khó đọc, nhưng nhìn thì nghệ khỏi phải bàn. Tuy nhiên trong quá trình hình thành và phát triển, Graffiti đã sớm thoát khỏi khuôn khổ ấy. Nó tìm đường đến với thế giới thời trang. Ban đầu chỉ được ứng dụng trên một vài thiết kế đơn giản, nhưng rồi Graffiti được nâng cấp. Nó xuất hiện trên Runway của nhiều thương hiệu thời trang đình đám. Đơn giản là Graffiti đã tiến lên một tầm cao mới. 


Graffiti thường được mọi người định nghĩa như là tranh tường. Giống với các bức Street Art, Graffiti cũng là một phần của nghệ thuật đường phố, nhưng nó thường chứa đựng nhiều con chữ hơn. Nếu hỏi Graffiti có mặt từ lúc nào, thì có lẽ là sẽ chẳng có câu trả lời. Từ hàng ngàn năm trước, tổ tiên của chúng ta đã biết vẽ lên những bức tường bằng đá tại nơi sinh sống để ghi chép tư liệu, thờ cúng thần tiên,... Và nếu nói Graffiti là tranh trường thì ắt hẳn nó phải là một trong những loại hình nghệ thuật đã tồn tại lâu nhất trên cuộc đời này. 

Mãi đến những năm 1970s, Graffiti mới thực sự bắt đầu được công nhận như một loại hình nghệ thuật. Tuy nhiên lúc ấy Graffiti chưa được xem là một loại hình nghệ thuật chính thống, mà là nửa phi pháp và nửa chính thống. Những con chữ đầy màu sắc, mang trên mình một thông điệp rõ ràng này đã sớm khiến cho giới thời trang phải để ý đến. Và đây cũng là lúc mà câu chuyện tình giữa Graffiti và Fashion bắt đầu. 




Lady Pink mặc một chiếc Denim Jacket được trang trí bằng chính tác phẩm của bà

Ban đầu, việc ứng dụng Graffiti vào thời trang được thực hiện như một cách tự phát. Khi ấy những nghệ sĩ như Lady Pink, Haze, Phase 2,... là những người tiên phong mang tác phẩm của mình lên những chiếc Jacket. Dần dần cộng đồng bắt đầu yêu thích món quần áo được trang trí bằng những con chữ đầy màu sắc và tràn đầy tính nghệ thuật này. 

Đầu những năm 1980s đánh dấu việc Graffiti bắt đầu len lỏi vào High Fashion. Bằng tư duy thiết kế táo bạo, Vivienne Westwood đã đưa các tác phẩm của Keith Haring lên những đứa con tinh thần của mình (1983). Công trình của Vivienne Westwood được nhiều người đón nhận. Và bà cũng chính thức trở thành một trong những nhà thiết kế đầu tiên mang hoạ tiết Graffiti lên quần áo. 

Vào năm 2001, Stephen Sprouse cùng Louis Vuitton ứng dụng hoạ tiết Graffiti vào trong những chiếc túi xách của hãng. Sự kiện này đánh dấu bước chuyển mình quan trọng nhất của Graffiti trong ngành công nghiệp thời trang. Và phần còn lại của câu chuyện chính là huyền thoại.  


Những thiết kế nổi loạn của Vivienne Westwood


Thiết kế túi ứng dụng Graffiti đến từ Louis Vuitton vào đầu những năm 2001

Một chiếc túi cũng được ứng dụng Graffiti đến từ Balenciaga 

Mặc dù hiện nay tính hợp pháp của Graffiti vẫn còn đang được bỏ lửng, nhưng ta thấy xã hội đã ngày càng đón nhận loại hình nghệ thuật này nhiều hơn. Tại Việt Nam, những anh em trong cộng đồng vẫn luôn hoạt động rất năng nổ. Graffiti dần dần được nhiều nghệ sĩ thương mại và đại chúng hóa. Không còn lạ gì khi ta bước chân vào một cái Barbershop tại Việt Nam và thấy những mảnh tường được trang trí với chằng chịt bức vẽ Graffiti. Hay gần đây nhất là việc dự án Chữ Hải Phòng tại Hồ Tam Bạc, tọa lạc thành phố Hải Phòng đã được đưa vào hoạt động, dưới sự phê duyệt của Uỷ Ban Nhân Dân Thành phố Hải Phòng và nhiều bộ ngành có liên quan. Tất cả cho chúng ta thấy chắc chắn rằng trong tương lai, Graffiti tại Việt Nam sẽ còn được đón nhận nhiều hơn nữa. Graffiti xứng đáng có một chỗ đứng của riêng mình và sẽ luôn là như thế. 

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.