Người ta biết đến những chiếc Casio G-Shock bởi cái đặc tính nồi đồng cối đá của nó. Tuy nhiên luôn có một sự tranh cãi rằng ngoài sự bền bỉ, gần như G-Shock chẳng có gì để có thể so sánh với các dòng đồng hồ khác trên thị trường. Nó to bảng, ngoại hình thì có phần thô kệch, nếu không muốn nói là… khá xấu và già cỗi.
Mặc cho tất cả những kẻ thích người chê, G-Shock vẫn đứng vững sau bao nhiêu năm tháng. Và G-Shock với cái chất của mình đã từng khiến dân Hip Hop phải mê mệt trong quá khứ.
Vậy câu chuyện trên là như thế nào? Dân Hip Hop đã từng mê hãng đồng hồ Nhật Bản đình đám này vì điều gì? Tất cả sẽ được VHĐP giải đáp trong ngày hôm nay.
Nguồn gốc của những chiếc đồng hồ G-Shock
Câu chuyện về những chiếc Casio G-Shock bắt nguồn vào năm 1981. Lúc bấy giờ ông Kikuo Ibe - Người có thể coi là đứng đầu về mảng thiết kế và công nghệ máy móc của hãng đồng hồ Casio ngày đêm mong muốn tạo ra dòng đồng hồ có chất lượng tốt nhất có thể. Mục tiêu mà ông Ibe đặt ra là nó phải chịu được những va đập mạnh nhất, bền bỉ nhất, và cứng cỏi nhất.
Chân dung ông Kikou Ibe
Lúc bấy giờ ngành đồng hồ bị thống trị bởi những chiếc đồng hồ được làm bằng thép có thiết kế mặt vuông mỏng nhẹ, tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc nó cũng rất dễ “tử vong" sau những cú va đập mạnh. Và việc mà ông Ibe muốn tạo ra một dòng đồng hồ có thể chịu được những chấn động rơi rớt là một điều rất khác so với phần đông.
Nhưng anh em cũng biết rồi đấy, người Nhật họ luôn có một cái đầu khác thường và chả bao giờ mắc căn bệnh “khiếp sợ" sự mới lạ. Không vòng vo tam quốc làm gì cho mất thời gian, ông Ibe đã ngay lập tức lập ra một đội ngũ để hiện thực hoá ý tưởng trong đầu.
Quá trình phát triển những chiếc Casio G-Shock
Vào những ngày đầu thiết kế nên chiếc đồng hồ G-Shock, ông Ibe cùng những người anh em của mình đã rạch ròi ra các tiêu chuẩn vô cùng gắt gao mà bắt buộc một chiếc đồng hồ G-Shock phải đạt được. Họ gọi những tiêu chuẩn đó là Triple Ten, hay hiểu nôm na là quy tắc ba con 10.
Con mười thứ nhất đó chính là những chiếc G-Shock phải chịu được va đập rơi rớt ở độ cao 10 mét tính từ mặt phẳng rơi, con mười thứ hai ở đây chính là nó phải chịu được áp lực nước 10 ATM hay áp lực dưới 100 mét nước và con mười cuối cùng chính là những chiếc đồng hồ này phải có thời lượng pin lên đến tận… 10 năm trời.
Nơi mà ông Ibe cùng team đã từng drop test những chiếc G-Shock đầu tiên
Sau 2 năm làm việc miệt mài với hơn 200 mẫu thử được tạo ra thì cuối cùng vào năm 1983 ông Ibe và team của mình đã cho ra đời cái đồng hồ G-Shock đầu tiên, với cái tên G-Shock DW-5000C.
Chân dung G-Shock DW 5000-C
Chiếc G-Shock DW 5000-C khi ấy được thiết kế với trái tim là một bộ máy Quartz chạy bằng chạy pin, bên ngoài sẽ được bao bọc một lớp áo giáp giúp nó có thể chống chịu được những va đập dù là mạnh nhất.
Và sau bao năm các đặc tính đó vẫn không hề thay đổi, tạo nên một cái chất riêng biệt cho những chiếc Casio G-Shock đến tận ngày hôm nay.
Những chiếc Casio G-Shock nhanh chóng được lòng cộng đồng trượt ván
Sau khi trình làng thì mất một thời gian sau G-Shock đã có được tình yêu đến từ những skaters bờ Tây nước Mỹ. Mẫu đồng hồ đã được dân trượt ván chọn mặt gửi vàng khi ấy chính là chiếc Casio G-Shock DW-5900C.
G-Shock DW 5900-C
Các Skaters lúc bấy giờ yêu G-Shock bởi chính cái bề ngoài thô kệch nhưng lại mạnh mẽ, thêm vào đó là khả năng chống chịu va đập phải gọi là “đỉnh của đỉnh” - Một yếu tố rất cần thiết bởi trượt ván là một bộ môn chưa bao giờ được xem là nhẹ nhàng.
Những người chơi trượt ván phải liên tục sai lầm để tiến bộ, học phí cho những lần sai lầm ấy có thể là một cú lộn nhào điếng cả người, hay một vết bầm tím dưới đầu gối.
Tuy nhiên một chiếc Casio G-Shock, không giống như những mẫu đồng hồ hào nhoáng khách luôn hứa hẹn sẽ đồng hành cùng những skaters trong mọi cuộc chơi, dù cho họ có té ngã đau đớn, hay đứng chễm chệ trên đỉnh vinh quang. Và lời hứa ấy sau bao năm vẫn chưa bao giờ bị phá vỡ dù chỉ một lần.
Cơn cuồng Casio G-Shock bắt đầu lan toả sang giới Rapper
Có một điều nghịch lý thay là mặc dù được cho ra đời tại Nhật Bản nhưng những chiếc G-Shock thuở ban đầu lại chả được lòng những người dân trên mảnh đất quê hương của nó là bao. Chỉ sau này khi G-Shock ăn nên làm ra tại Mỹ thì người dân Nhật Bản mới thật sự quan tâm đến dòng đồng hồ này. Khi ấy, đặc biệt là trẻ con Nhật Bản bắt đầu yêu thích G-Shock. Phần vì nó nhẹ, phần vì các phụ huynh không phải bận tâm cho chiếc đồng hồ làm gì, vì đằng nào nó cũng chẳng thể nào bị hư hỏng được.
Điều này đã nhanh chóng có được sự chú ý từ phía đội ngũ của Casio. Họ bắt đầu làm ra những chiếc G-Shock với nhiều màu sắc sặc sỡ hơn, với mục tiêu là để “dụ dỗ" những cu cậu con nít.
Tuy nhiên, chính các Rapper đất Mỹ cũng đã bị vỗ ngọt bởi chiến lược này. Họ vốn đã rất yêu thích những màu sắc sặc sỡ, nay lại đột nhiên được Casio đáp ứng. Từ đó, các Rapper đã phát cuồng những chiếc Casio G-Shock theo đúng nghĩa đen. Họ mang nó lên sàn diễn, mang đi làm nhạc, mang đi tập gym,... Những Rapper tiêu biểu đã từng rất yêu thích G-Shock có thể kể đến như Lil Wayne, Kanye West, Kid Cudi,...
G-Shock còn có không ít lần tìm được đường vào nhạc của những Rapper. Trong bài hát “See Me Now" của Kayne được phát hành hơn 11 năm trước, Rapper Big Sean khi ấy đã có một câu hát: “Comparin' them to us, man they gotta add Kobe. Whoadie, holy moley went, from G-Shockin' to Rollie”. Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã quá đủ để G-Shock ghi dấu với cộng đồng Hip Hop.
Ý nghĩa thật sự của cái tên G-Shock là gì?
Cái tên G-Shock là một cách chơi chữ khá thú vị của ông Ibe. Như VHĐP đã nói ở trên, mục tiêu ban đầu của ông là tạo ra một chiếc đồng hồ có thể chống chịu được trước bất kì một va đập rơi rớt nào. Mà như anh em đã biết, một vật có xu hướng rớt xuống là do nó chịu lực hút của trái đất, hay còn gọi là trọng trường - Trong tiếng anh đó là Gravity.
Còn Shock ở đây thì đã quá rõ ràng rồi, đó là những va đập, những sự va chạm mạnh. Thế là ông Ibe đã kết hợp hai tiền tố G (Gravity) và Shock lại thành một cái tên G-Shock hoàn chỉnh.
Những pha marketing ấn tượng của G-Shock
Trước khi được Rapper và dân trượt ván lăng xê thì sự thành công của G-Shock tại đất Mỹ vào thời điểm ban đầu là nhờ vào những pha marketing vô cùng ấn tượng của hãng.
Năm 1983, G-Shock tung ra một quảng cáo mà ít nhiều gì cũng phải khiến người ta cười sặc sụa khi xem qua. Nó mở đầu bằng hình ảnh một vận động viên khúc côn cầu đứng trước khung thành của mình. Phía bên kia là đối thủ đang tiến tới chuẩn bị cho một pha bóng. Nhưng lạ thay dưới sân lại chẳng có một quả bóng nào cả... mà thay vào đó là một chiếc Casio G-Shock DW-5200C.
Vận động viên này nhanh chóng tiến đến và đánh một cú thật mạnh vào chiếc đồng hồ, khiến nó bay như một quả tên lửa về phía cung thành. Kết thúc đoạn quảng cáo là câu nói: “G-Shock - Chiếc đồng hồ công nghệ cao không thể bị phá huỷ đến từ Casio”.
Đoạn quảng cáo ngắn đã tạo được tiếng vang lớn lúc bấy giờ. Một phần bởi nó hài, thêm vào đó nó đã lột tả một cách trần trụi nhất sự bền bỉ của những chiếc G-Shock.
Lần thứ hai mà G-Shock phải làm VHĐP ấn tượng là vào năm 2007. Khi ấy G-Shock mời được Stevie Williams - Một skater vô cùng nổi tiếng trên toàn thế giới vào một chiến lược marketing cho chiếc Casio G-Shock GBA-400 G'MIX STYLE của hãng.
Mở đầu đoạn phim quảng cáo là hình ảnh Stevie bước ra khỏi nhà, trên tay đeo một chiếc G-Shock đỏ chót. Anh đi vào chiếc Mercedes của mình, đề nổ máy lên và phóng đi băng băng trên đường. Khi xuống xe anh ra một chiếc ván trượt và quẩy cùng các anh em. Đúng thật là ngầu không thể tả!
Kết luận
Và đó là câu chuyện về Casio G-Shock. Dẫu cho các Rapper của chúng ta đồng hành với vô số những mẫu đồng hồ, từ Richard Mille cho đến Rolex, Patek Philippe,... nhưng vẫn không có một thiết kế nào có thể lột tả được một cách trần trụi nhất cái tinh thần của Hip Hop như những chiếc G-Shock. Anh em nào thấy hứng thú thì chạy ngay ra cửa hàng và mua cho mình một chiếc đi nhé.
*ảnh: sưu tầm
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.