Thương hiệu thời trang đường phố và những cái đầu tiên

Thương hiệu thời trang đường phố và những cái đầu tiên

Thời trang đường phố đã có cho mình nhiều năm hình thành và phát triển. Giờ đây không chỉ đơn thuần là một ‘phương pháp phối đồ’ hay một phong cách, thời trang đường phố đã thật sự trở thành nét văn hoá, ghim sâu vào trong đời sống của những ai trót đam mê nó. 

Nói đến sự phát triển của thời trang đường phố thì ta không thể bỏ qua công lao của những thương hiệu lớn. Họ là những người tiên phong đã tạo ra những thiết kế vĩ đại, những cái đầu tiên trong lịch sử. Nhiều món đã trở thành một phần không thể thiếu trong tủ đồ của công dân đường phố.

Vậy những thứ đó là gì? Hãy cùng VHĐP tìm hiểu trong ngày hôm nay. 

1/ Champion - Thương hiệu đặt nền móng cho áo Hoodie 

Champion có tiền thân là Knickerbocker Knitting Mills, được thành lập vào năm 1919. Bên cạnh chất lượng tuyệt đỉnh cùng với giả cả phải chăng, thì có một sự thật vô cùng thú vị ít ai biết, rằng Champion cũng chính là thương hiệu đầu tiên tạo ra áo Hoodie.


Các anh em nhà Feinbloom

Mọi chuyện bắt nguồn từ một yêu cầu nho nhỏ của Đại học Michigan. Khi ấy, ban quản lý đội bóng rổ của trường bị ấn tượng bởi chất lượng tuyệt vời của quần áo do Champion sản xuất, nên họ đã đề nghị thương hiệu này thiết kế áo cho các tay bóng trẻ. Kèm theo điều kiện rằng thiết kế phải được thay đổi đôi chút, đó là có thêm một phần “hood” vào cổ áo. Và thế là áo Hoodie đã ra đời, viết lên một trang sử dài trong giới thời trang đương đại. 


2/ Levi’s - Ông vua trị vì trong vương quốc quần Jean

Mọi chuyện khởi đầu vào cái thời kì mà California còn được ví như là mỏ vàng thế giới. Khi ấy Levi Strauss sinh ra tại nước Pháp xa xôi, trong một gia đình nghèo nhưng khát khao vượt lên số phận, đã bị mời gọi bởi “cơn sốt vàng” này.

Ông đến đất California để làm công nhân, rồi sau đó chuyển qua nghề may. Lúc bấy giờ các thợ đào vàng thường xuyên đối mặt với tình trạng quần áo bị hư hỏng do cọ xát với đất đá trong quá trình lao động. Họ khao khát có được một cái quần đủ bền chặt để có thể “sống sót” sau nhiều năm tháng làm việc.

Những người này chỉ muốn chứ chưa ai dám đứng ra làm. Nhưng Levi Strauss lại là một ngoại lệ. 


Hình ảnh công nhân hầm mỏ mặc những chiếc quần Jean đầu tiên

Ông bắt đầu lấy vải bạc làm chất liệu cho chiếc quần của mình. Sau này khi có đủ vốn liếng, Levi Strauss tìm đến một loại Cotton dày, thô, nhưng lại dễ chế tác hơn vải bạc rất nhiều. Tên của nó không gì khác ngoài Denim

Thiết kế đầu tay của ông liên tục được các công nhân đóng nhận. Cuối cùng vào năm 1872, Levi Strauss cùng với Jacob David đăng ký bản quyền cho đứa con tinh thần. Và thế là chiếc quần Jean đầu tiên trong lịch sử nhân loại được ra đời, một cách đường đường chính chính và có chứng nhận rõ ràng. 


3/  Nike và dòng giày Air Jordan 1 - Kẻ bắt đầu Sneaker Culture 

Người ta cho rằng đôi Sneaker đầu tiên ra đời vào cuối thế kỉ 18. Với thiết kế đơn giản cùng trọng lượng tương đối nhẹ so với giày da, Sneaker nhanh chóng chiếm ưu thế.

Khi ấy chúng vẫn chỉ là 'giày' theo đúng nghĩa đơn thuần, chứ chưa từng có khái niệm nào vượt xa hơn thế. Tuy nhiên mọi thứ thay đổi vào năm 1985, với Michael Jordan chính là “kẻ cầm cương” cho cuộc diễu hành uy hùng của Sneaker. Và con chiến mã của ông không gì khác ngoài dòng giày Nike Air Jordan 1 huyền thoại. 


Kể từ mốc thời gian đó, một nền văn hoá mới đã được hình thành. Người ta bắt đầu không còn xem giày dép là phụ kiện, mà thật sự nhìn nhận nó như là một vật phẩm sưu tầm. Họ thèm muốn các thiết kế hạng lượng của Nike, cũng như say mê các câu chuyện đằng sau nó. Rồi dần dần những phiên bản hợp tác giữa thương hiệu này với thương khác xuất hiện, góp phần thổi bùng thêm ngọn lửa văn hoá đang cháy bừng. Điển hình nhất chính là Reebok Instapump x Chanel (2002), hay Nike SB Dunk x Supreme,... 


Reebok Instapump x Chanel (2002)

Nike SB Dunk x Supreme

Kết Luận 

Ngày nay thời trang đường phố đã có một vị trí không thể thiếu trên bản đồ thời trang thế giới. Với sự toàn cầu hoá hiện đang như là một xu hướng, thời trang đường phố cũng dần "dung hợp" với các phong cách khác, tạo ra rất nhiều biến thể độc đáo. Tuy nhiên quần Jean, Hoodie hay Sneaker vẫn là những thứ nền tảng không thể nào thay thế được. Và kẻ tiên phong như Levi’s, Champion hay Jordan sẽ mãi luôn có cho mình một vị trí trong dòng lịch sử về sau. 

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.