Supreme làm ăn như thế nào kể từ khi bán mình cho tư bản?

Supreme làm ăn như thế nào kể từ khi bán mình cho tư bản?

Supreme ra đời vào năm 1994. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, thương hiệu này đã trở thành một phần không thể thiếu của thời trang đường phố. Khoảng thời gian từ năm 2016 - 2019 chứng kiến một thời kỳ hoàng kim của Supreme. Từ bản collab gây chấn động với Louis Vuitton (2017), cho đến việc cục gạch có Logo Supreme được bán với giá hơn 20 triệu đồng (2016). Tất cả đều tạo nên tiếng vang lớn trong cộng đồng. 

Tuy nhiên giờ đây cơn cuồng Supreme đã giảm đi rất nhiều, bắt đầu từ khi James Jebbia bán thương hiệu này cho VF Corporation với giá 2.1 tỷ đô vào năm 2020. Tác giả hay nói đùa rằng đây là hành động “bán mình cho tư bản”.

Vậy Supreme đã làm ăn ra sao kể từ khi về tay của VF Corporation? Tại sao nói Jebbia lại bán Supreme cho tư bản? Hãy tìm hiểu cùng VHĐP qua bài viết bên dưới. 

Chân dung James Jebbia

Tại sao nói việc James Jebbia bán Supreme cho VF Corporation là "bán mình cho tư bản"?

Để lý giải cho điều này ta cần phải xem lại cách mà Supreme vận hành kể từ khi nó có mặt trên thị trường. Khởi đầu vào năm 1994 với một cửa hàng bán đồ dùng trượt ván nhỏ, James Jebbia khi ấy đã định hình Supreme sẽ không đi theo con đường kinh doanh của bất kì một hãng thời trang nào khác. Chiến lược cốt lõi của thương hiệu này ngay từ những ngày đầu là bán sản phẩm với số lượng giới hạn. Thêm vào đó, đội ngũ của Supreme cũng chả bao giờ làm Marketing. Danh tiếng mà Supreme có được khi ấy đa phần là nhờ kiểu Marketing truyền miệng. Tức là người mua tự giới thiệu quần áo của Supreme cho nhau. Nếu muốn mua quần áo của Supreme, anh em cần phải đăng ký Online và phải may mắn lắm mới có thể trở thành người được chọn. 

Từ năm 1994 - 2020, Supreme cũng chỉ có cho mình khoảng trên dưới 10 cửa hàng nằm rải rác trên thế giới. Đa phần là tập trung ở New York. Hình ảnh nhiều người xếp hàng dài trước cửa hàng của thương hiệu này để “Camp đồ” đã trở thành một phần của văn hoá đường phố Mỹ. 



James Jebbia bao năm qua vẫn luôn giữ vững cái văn hoá này. Tuy nhiên kể từ khi bán cho VF Corporation, Supreme đã mở thêm nhiều cửa hàng mới tại Châu Âu. Đầu tiên là ở Milan (Italy), rồi đến Berlin (Đức). Việc này khiến cho sự khan hiếm trong nhu cầu tiếp cận đồ Supreme giảm dần. Và cái mà người ta gọi là “làn sóng Supreme” giờ đây cũng đã mất. 


Vậy tại sao VF Corporation lại chọn chiến lược như vậy? Câu trả lời đơn giản vì họ chính là một doanh nghiệp làm ăn. Sau khi thương vụ mua lại diễn ra, thứ mà hội đồng quản trị của VF Corporation quan tâm nhất chính là làm cách nào để khiến cho “con gà để trứng vàng” Supreme này sinh ra nhiều lợi nhuận nhất có thể. Họ ít khi màn tới cái thứ văn hoá “HYPEBEAST". Đây là kiểu làm ăn chủ yếu của tư bản - kinh doanh và tối đa hoá lợi nhuận. Vậy nên, khi James Jebbia bán Supreme cho VF Corporation, ta có thể nói rằng ông đã bán đứa con tinh thần của mình cho tư bản.


Sự thật là kể từ khi về tay của VF Corporation, Supreme đã ăn nên làm ra hơn rất nhiều so với thời của James Jebbia. Trong báo cáo tài chính quý ba 2022 của tập đoàn này, ta thấy rằng riêng Supreme đã đóng góp hơn 600 triệu đô la doanh thu. Trong khi đó vào năm 2017, nó chỉ mang về khoảng lợi hơn 200 triệu đô la doanh thu (cả năm). Năm 2020 cũng chỉ là 500 triệu đô la. 


Báo cáo tài chính của VF Corporation

Kiếm được nhiều tiền là thế, nhưng có thể nói rằng quần áo Supreme giờ đây đã mất đi phần nào bản chất của nó. Đối với cá nhân tác giả, giờ đây khi thấy đồ Supreme thì cũng có cảm giác tương đối… bình thường. Bởi cơn cuồng giờ đã qua, và chúng ta đã bị mất đi cái “feeling” mà mình đã từng giành cho thương hiệu này. 

Về phía của VF Corporation, họ cho rằng để có thể phát triển lớn mạnh thì cần phải đánh đổi sự “độc quyền” vốn có của Supreme. Rằng đây không phải là đi ngược lại với tinh thần Supreme, mà là một việc PHẢI LÀM để thích nghi trên thương trường. 

Supreme hiện tại vẫn đang là một ông lớn trong giới thời trang đường phố. Hãng tiếp tục tung ra các bản collab với The North Face, Nike,... Tất cả đều là những “bạn cũ” đã đồng hành cùng Supreme qua hơn hàng chục năm. Nhưng cái mà người ta gọi là “Supreme Trends” có lẽ sẽ không bao giờ trở lại thêm một lần nào nữa. Tất cả chỉ còn là những câu chuyện về một thời vàng son của thương hiệu này. 

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.