Sự khác biệt trong cảm xúc khi thấy "Chiến binh đường phố" mặc thời trang quân đội

Sự khác biệt trong cảm xúc khi thấy "Chiến binh đường phố" mặc thời trang quân đội

Khi nói về Military Fashion - Thời trang quân đội, những bài viết thường bắt đầu từ câu chuyện về binh phục ngụy trang cho con người, khí tài quân sự của quân đội các nước trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ nhất 1914-1918.


Trong bài viết này, VHĐP đi sâu một chút vào tổng hợp phân tích của các học giả trên thế giới về cách thức triển khai của cuộc chiến tranh. Từ đó lấy tiền đề minh chứng cho việc, các nhà thiết kế thời trang đã đúng khi nhận định phát tích của Thời trang quân đội chính thức xuất hiện trong giai đoạn này. Và từ đó là cảm hứng nền tảng cho các phát minh về ứng dụng chất liệu, màu sắc, thiết kế của quân sự cho các "Chiến binh đường phố" của chúng ta trong cuối thế kỷ 20 kéo dài đến nay.

Thế chiến thứ nhất (WW1) được ghi nhận là cuộc chiến tranh tổng lực đầu tiên và toàn diện của thế giới. Nó huy động đầy đủ các lực lượng trên không, trên biển, bộ binh và các biện pháp đi kèm như bao vây kinh tế, truyền thông áp đảo thử thách tinh thần vv. Vậy cho nên WW1 sẽ có những chiến lược khác với chiến tranh liên quốc gia trước đó.


Một chiếc xe tăng có màu ngụy trang trong Thế chiến thứ nhất

Chiến lược quân đội phân tán là chủ đề chính trong WW1, không còn áp dụng đội hình ô vuông dàn hàng tấn công như trước đây. Nên chiến hào được áp dụng triệt để và các điểm phòng thủ được bố trí theo màu sắc phù hợp với địa điểm tự nhiên nơi các toán quân đồn trú. Dẫn đến việc các phát kiến ngụy trang thay nhau ra đời để phủ lên quần áo và khí tài quân sự, như bức ảnh chiếc xe tăng phía trên. Do vậy những bộ quân phục sặc sỡ trước đây đã hoàn toàn biến mất.


Quân phục trong thế kỷ 19

Sau cuộc chiến nhằm phân định lại thế giới, sự leo thang phát triển của vũ khí, quân trang, dụng cụ, liên tục được nghiên cứu và cải tiến trong 20 năm sau đó. Cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ hai năm 1945. Các màu sắc chủ đạo của quân phục đã ra định hình rõ rệt, quân đội mỗi nước đã thiết kế xong các mẫu in ngụy trang phù hợp với tự nhiên của nơi tham chiến, có thể là màu cát sa mạc, màu xanh đá hay màu sáng cho các khu vực có tuyết rơi.

Bỏ qua các giai đoạn Thời trang quân đội được dùng trong các phong trào phản đối chiến tranh, hay âm mưu trong dân sự liên quan đến chính trị. Chúng bắt đầu được để mắt đến và có bước chuyển mình, trở thành điểm nhấn của thời trang đường phố từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20.

Những màu sắc như Khaki, Xanh đen, Camo trước đây giúp binh sỹ có thể ẩn mình trên chiến trường, thì giờ đây thực sự nổi bật và trở thành làn sóng khi được những ngôi sao nổi tiếng trong Hip Hop mặc lên mình như Public Enemy, Tupac trước đây. Và vô số các nghệ sỹ ngày nay.


Có thể dễ dàng tưởng tượng ra cảm xúc của mọi người khi đối diện với ai đó mặc cả cây camo chẳng chạn, thời bình thì rõ ràng không ai ra trận cả. Khả năng cao đó là một người có gu yêu thích thời trang đường phố, hoặc có thể đó là một "chiến binh" trên mặt trận nghệ thuật thể thao hay Hip Hop.

Tất cả luôn xác định, theo đuổi xu hướng Thời trang quân đội, là chính bản thân muốn trở nên khác biệt ở thời đại ngày nay. Họ sẵn sàng đối mặt với cảm giác tò mò từ người đối diện, nhưng cũng sẽ rất nhanh giải tỏa sự tò mò đó bằng cá tính hoặc tài năng nghệ thuật của chính mình.

Thời trang quân đội đã có tuổi đời hơn 100 năm, những nhà thiết đã biến đổi nó không chỉ là thứ để ngụy trang khi phòng thủ, mà dần dần trở thành một thứ có tính thẩm mỹ cao giúp binh lính tự tin trên chiến trường. Còn với những "chiến binh đường phố", họ cảm thấy thú vị khi mang màu sắc nổi bật đó trên mình, nó giúp họ có thể mang lại cảm xúc mới, năng lượng mới cho những vấn đề hàng ngày đang đối mặt.

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.