Có bao giờ anh em thắc mắc làm thế nào mà StockX phân biệt một đôi giày thật (Real) và một đôi giày giả (Fake)? Câu trả lời sẽ được VHĐP giải đáp trong bài viết này.
Những ai là dân yêu giày nói riêng hay yêu thời trang nói chung, ắt hẳn phải biết đến StockX - một nền tảng mua bán giày và quần áo trực tuyến nổi tiếng toàn cầu. Được thành lập vào năm 2015 bởi Josh Luber. Đến năm 2017, chỉ sau hai năm ngắn ngủi kể từ khi ra đời, công ty được định giá gần 6 triệu đô. StockX nhận được sự hỗ trợ tài chính từ rất nhiều những tên tuổi máu mặt, trong đó có cả Eminem. Chính vì vậy, không có gì là lạ khi dù là nền tảng “sinh sau đẻ muộn", nhưng StockX đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những nền tảng uy tín hàng đầu về buôn bán giày. Tuy nhiên, những năm gần đây, StockX phải đối mặt với hàng loạt những cáo buộc xung quanh vấn đề giày fake. Và dù tuyên ngôn của StockX là “100% authentic qualified", nhưng những đôi giày được StockX bán ra thì đang dần dần… lo ngại trong tâm trí người mua. Đặc biệt khi mới đây, Nike đã chính thức kiện StockX vì bán “pha ke" giày giả của hãng.
Vậy rốt cuộc… StockX làm thế nào để phân biệt giày real và giày fake?
Được biết, StockX tuyên bố rằng khi nhận được giày từ người bán, StockX sẽ có một “đội ngũ hùng hậu", với kỹ năng và kiến thức cập nhật liên tục theo năm tháng, được huấn luyện chuyên biệt để check giày. Sau đó, chỉ những đôi giày vượt qua được “những tiêu chuẩn gắt gao" mà StockX đặt ra thì mới được gửi tới cho người mua. StockX cũng không quên làm tăng thêm độ tin tưởng cho người dùng, khi gắn thêm một cái tag “Verified Authentic" xanh lè trứ danh của mình.
Tuy nhiên, có vẻ như những “cái máy check giày chạy bằng cơm" này đang dần dần tỏ ra hoạt động không còn quá hiệu quả. Đỉnh điểm là khi ông lớn Nike đã chính thức đâm đơn kiện và tuyên bố StockX bán giày “pha ke". Theo Nike đưa tin, hãng đã mua lại 4 đôi giày Nike trên StockX và kết cuộc là cả 4 đôi đều là giày FAKE.
Đây không phải là lần đầu StockX bị phát hiện bán giày fake. Tại Việt Nam, cũng đã từng có những buyer dính fake khi mua hàng trên nền tảng này. Nếu những anh em nào quan tâm đến sneakers, có lẽ sẽ biết đến một youtuber có tiếng trong cuộc đồng có tên là Hung Dinh. Anh từng thử bán giày fake cho StockX, mục đích là để kiểm định xem quy trình mua bán và đánh giá giày của StockX diễn ra như thế nào. Và kết quả là, đôi giày của nam youtuber vượt qua vòng thẩm định của các “chuyên gia StockX" một cách đơn giản, đến mức chính bản thân của anh cũng bị bất ngờ.
Những cái phốt của StockX liên tục xuất hiện trong cộng đồng, làm mọi người phải đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có còn nên tin StockX?. Riêng bản thân tác giả thấy rằng, công ty nào cũng sẽ có những lúc công việc không thuận lợi và làm mất lòng người tiêu dùng, nhưng quan trọng là StockX sẽ làm gì khi nhận được thông báo đến từ người mua rằng, đôi giày của mình mua từ nền tảng là giả, cũng như là thái độ của StockX như thế nào khi nhận được những cáo buộc này? Liệu StockX sẽ tiếp thu những sự kiện này với thái độ tích cực, hay nền tảng sẽ “bật" ngược lại người dùng, tuyên bố rằng người dùng “không có tuổi" để cáo buộc StockX? Những động thái của nền tảng, nếu được thực hiện tốt, có lẽ ít nhiều gì cũng sẽ xoa dịu người mua, vì đánh người chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại cả. Và chúng ta cần phải xem động thái của StockX trong thời gian tới, để tiếp tục quyết định xem liệu có còn nên ủng hộ họ hay không.
Câu hỏi từ đầu bài đưa ra thì các bạn cũng có thể thấy là StockX có một đội ngũ chuyên nghiệp để đảm bảo việc phân biệt giày thật và giả. Nhưng những sơ xuất này có lẽ chỉ là con số cực kỳ nhỏ trong số đơn giao dịch khổng lồ hàng ngày. Cho dù StockX sẽ làm gì để trả lời với khách hàng của mình thì chắc chắn để tồn tại và phát triển, họ sẽ phải gia cố phòng thủ và củng cố đội ngũ kiểm tra giày, khi mà trình độ làm giả của các đôi giày càng ngày càng tinh vi. Còn với những người mua giày thì càng phải cẩn thận và luôn "double check" khi nhận giày về tay.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.