Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon - Khởi nguồn của sự hỗn loạn

Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon - Khởi nguồn của sự hỗn loạn

Mấy ngày gần đây đang xôn xao câu chuyện Ngân hàng SCB sắp phá sản. Những ai gửi tiền ở đây đều đang lo lắng hơn bao giờ hết. Người dân kéo đến trước các chi nhánh SCB và biểu tình, dẫn đến khung cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. 

Tháng 2 năm 2005, trước một cửa hàng quần áo toạ lạc Manhattan, New York cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Thậm chí còn khủng khiếp hơn. Nhưng thú vị thay là chẳng có ngân hàng nào bị phá sản, mà khung cảnh hỗn loạn này xảy ra là do một đôi giày. Đó không gì khác ngoài Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon. 

Vậy đầu đuôi câu chuyện trên là như thế nào? Có gì đặc biệt ở đôi giày này mà nó lại có thể gây ra sự hỗn loạn đến như vậy? Hãy cùng VHĐP tìm hiểu trong ngày hôm nay. 

Nguồn gốc Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon

Mọi chuyện bắt đầu bởi Jeff Staple - một nhà thiết kế đồ hoạ sinh sống và làm việc tại Mỹ. Sau một thời gian dài làm việc, vào năm 1997 Jeff quyết định thành lập một hãng quần áo, lấy tên là Staple Pigeon. Quyết định này xảy ra rất tình cờ. Trong một lần đi shopping tại Soho, chủ cửa hàng bị ấn tượng bởi chiếc áo mà Jeff mặc trên người. Được biết anh đã tự thiết kế nó tại nhà, người chủ nọ liền đặt hàng Jeff 12 chiếc áo tượng tự. Và thế là Staple Pigeon đã ra đời. 


Jeff Staple

Staple Pigeon được cộng đồng đón nhận nhiệt tình. Danh tiếng của Jeff cũng bắt đầu vang xa, thu hút luôn cả sự chú ý đến từ phía Nike. Họ mời Jeff thiết kế một phiên bản Nike SB Dunk Low thuộc bộ sưu tập “City Pack" - quy tụ 4 đôi giày tượng trưng cho 4 thành phố khác nhau gồm có Tokyo, London, Paris và New York. Jeff là người đảm nhận trọng trách thiết kế phiên bản Nike SB Dunk Low của thành phố New York. Đây cũng là lúc mà câu chuyện thú vị bắt đầu, khởi nguồn cho một loạt sự kiện vô cùng phức tạp xảy ra sau đó. 

Sự hỗn loạn 

Jeff muốn đưa vào đôi Nike SB Dunk Low hình tượng một chú chim bồ câu. Lý do cho quyết định này thật sự là không quá rõ ràng. Nhưng có lẽ một phần là vì chim bồ câu trong tiếng anh là "Pigeon", trùng tên với thương hiệu Staple Pigeon của Jeff.


Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon

Đôi Nike SB Dunk Low trang bị màu sắc tương tự như bộ lông của chim bồ câu. Được làm bằng da Nubuck, phía hông gót giày có hình ảnh một con “Pigeon" bé bé xinh xinh. Có tổng cộng 150 đôi được sản xuất và phát hành tại 5 địa điểm khác nhau. Tuy nhiên, chỉ duy nhất tại cửa hàng của Jeff là những đôi Nike SB Dunk Low "Pigeon" này được đánh số thứ tự từ 1 đến 30. Chính việc phát hành với số lượng hạn chế cùng chiến lược “đánh số" hay ho này đã khiến cho mọi người bị phát cuồng bởi thiết kế của Jeff. 

Trước hôm phát hành 1 ngày, Jeff nói rằng anh đã thấy có điều gì đó bất thường. Hôm ấy, rất nhiều người tập trung xung quanh cửa hàng của Jeff. Ban đầu anh còn nghĩ đó là một trò đùa. Giữa thời tiết lạnh giá, họ đến và ngủ qua đêm bên ngoài cửa hàng. Đây cũng chính là sự kiện đầu tiên dẫn đến khái niệm mà ngày nay người ta gọi là “Camp" giày - ám chỉ hành động mọi người chờ đợi hàng giờ đồng hồ bên ngoài một cửa hàng để được sở hữu một đôi giày nào đó, thay vì cứ đến rồi mua như truyền thống. 

Báo đài đưa tin về Nike SB Dunk Low “Pigeon”

Ngày hôm sau, tức vào ngày chính thức phát hành Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon, có đến hơn 150 con người tập hợp xung quanh cửa hàng của Jeff. Tất cả dẫn đến một cảnh tượng hỗn loạn chưa từng thấy. Hung khí đã được phát hiện trong người của một vài cá nhân. Lực lượng an ninh đã được huy động để khống chế đám đông. Cảnh sát thành phố New York khi ấy bắt được khoảng 20  đối tượng, đang chực chờ bên ngoài cửa hàng của Jeff để “cướp" đôi giày từ tay của bất kỳ ai may mắn có được nó. Những người chứng kiến khi ấy cảm thấy vô cùng khó hiểu, bởi nguồn cơn cho sự hỗn loạn này lại là một ĐÔI GIÀY, chứ chả phải là cái gì to tát. 

Sau khi Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon được ra mắt 1 hôm mới là ngày lịch sử của Sneakers Culture. Tờ báo The New York Post đưa tin về vụ hỗn loạn gây ra bởi phiên bản Dunk Low độc đáo này. Bản tin xuất hiện ngay trên trang bìa, với tựa đề “Sneaker frenzy", tường thuật lại vụ việc chưa từng có. Sau đó, ngay lập tức đôi giày được bán trên ebay với giá hơn 23 triệu, một con số khủng khiếp tính tại thời điểm lúc bấy giờ. 




Có một vài giả thuyết đã được đưa ra. Đa phần là nhằm vào Jeff và Nike. Nhiều người cho rằng cả hai đã cố tình dàn xếp cuộc hỗn loạn, nhằm mục đích thu hút sự chú ý từ phía truyền thông. Sự thật đằng sau câu chuyện thì chỉ người trong cuộc mới hiểu. Và đừng quên rằng vào thời kỳ đầu, đội ngũ Marketing của Nike toàn là những con người có chiến lược tuyệt vời. 

Sau vụ việc của Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon, sự quan tâm mà mọi người dành cho Sneakers đã lên một tầm cao mới. Vụ việc cũng là một trong những nguồn cơn đầu tiên sản sinh ra từ “HYPE" - chỉ hành động phát cuồng mà mọi người dành cho một sản phẩm nào đó, khiến cho giá trị của nó vượt xa giá trị thực. Mọi thứ như một vụ nổ, và Nike lại một lần nữa đã đạt được ý đồ, dẫu cho họ chưa bao giờ thừa nhận mình là người đứng sau câu chuyện này. 

Đôi Nike SB Dunk Low Staple NYC Pigeon phiên bản năm 2005 hiện đang được bán với giá trên dưới 1 tỷ đồng. Thậm chí có những size đạt đến con số gấp đôi. Sau bao nhiêu năm thì thiết kế "bồ câu" này vẫn chưa bao giờ hết hot. Và thứ giá trị nhất đi kèm theo phiên bản Nike Dunk Low độc đáo kể trên chính là câu chuyện đằng sau nó. 

 

*nguồn ảnh và thông tin: tổng hợp

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.