Những đôi giày đã định hình nên văn hoá Skateboarding (Phần 1)

Những đôi giày đã định hình nên văn hoá Skateboarding (Phần 1)

Giống như nhiều môn thể thao khác, skateboarding có những mẫu giày được thiết kế riêng, phát triển theo thời gian để đáp ứng nhu cầu của bộ môn. Chúng ta có thể trượt với bất kỳ đôi giày đế cao su nào, nhưng kết quả sẽ khác biệt nếu sử dụng đúng loại giày chuyên dụng của nó. 

Một đôi giày trượt tốt cần đủ độ bền, và bảo vệ chân tốt để chịu được những cú ollie, flip tricks hay những pha đáp đất mạnh mẽ. Nhưng đồng thời cũng phải đủ linh hoạt và mỏng nhẹ để cảm nhận rõ mặt ván.

Tuy nhiên, skateboarding không chỉ là một môn thể thao. Đó là nghệ thuật, là lối sống, là văn hóa. Phong cách là điều cực kỳ quan trọng, và những đôi giày trượt trở thành biểu tượng không chỉ bởi tính năng hay hiệu suất, mà còn bởi vẻ ngoài và ý nghĩa văn hóa của chúng. Một đôi giày có thể trượt rất tốt, nhưng nếu thiếu đi phong cách, lịch sử và sự ảnh hưởng văn hóa, nó sẽ khó trở thành huyền thoại.

Mỗi giai đoạn của skateboarding, từ thời kỳ "sidewalk surfing" đến cú nollie backside 270º to noseblunt giành huy chương vàng của Yuto Horigome, đều có những đôi giày biểu tượng của riêng mình. Và dưới đây là 10 mẫu giày được vang danh huyền thoại đó!

1. Vans Era - Biểu Tượng Huyền Thoại Của Skateboarding


Huyền thoại trượt ván Stacy Peralta đã chia sẻ về Vans trong cuốn Made For Skate: The Illustrated History of Skateboard Footwear:

"Vans là công ty đầu tiên công nhận chúng tôi là những skater thực thụ và đối xử một cách nghiêm túc. Họ bắt đầu cung cấp giày cho chúng tôi từ rất lâu trước khi bất kỳ thương hiệu nào khác thèm để ý đến chúng tôi."

Có một vài mẫu giày đầu tiên của Vans có thể nói là đã "định hình" skateboarding, nhưng không mẫu nào nổi bật hơn Era (ban đầu được gọi là Style 95). Đây cũng là đôi giày cổ thấp đầu tiên của Vans được thiết kế riêng cho trượt ván. 

Điểm đặc trưng khác biệt nhất của Era chính là đế cao su lưu hóa (vulcanised rubber outsole) với họa tiết waffle-pattern biểu tượng. Era còn chính là nền tảng để Vans phát triển hàng loạt mẫu giày huyền thoại khác như Old Skool, Sk8-Hi, và Half Cab. Và khi nghĩ về số lượng giày trượt của các thương hiệu khác lấy cảm hứng từ thiết kế của Vans, có thể khẳng định rằng Era chính là "ông tổ" của mọi đôi giày skateboard.

2. Converse Chuck Taylor All Star - Huyền Thoại Vượt Thời Gian Trong Skateboarding


Không chỉ là đôi giày kinh điển nhất mọi thời đại, Converse Chuck Taylor All Star còn là một trong những đôi giày trượt ván tuyệt vời nhất.

Các skater yêu thích Chuck Taylor vì giá rẻ, đế cao su lưu hóa (vulcanised rubber sole) mỏng và bám tốt, giúp cảm nhận ván cực kỳ chân thật. Ngoài ra, phần mũi giày (toe cap) không chỉ giúp bảo vệ ngón chân mà còn tăng độ bền đáng kể. Cuối những năm 80, các thương hiệu giày skate khác như Vision Street Wear và Airwalk cũng bắt đầu sản xuất các mẫu giày lấy cảm hứng từ Chuck Taylor, và gần như lúc nào trên thị trường cũng có những đôi giày skateboard mang dấu ấn của Chuck. 

3. Air Jordan 1 - Từ Sân Bóng Rổ Đến Huyền Thoại Trên Ván Trượt


Năm 1984, khi Nike tạo ra một đôi giày dành riêng cho "tân binh" sáng giá của NBA - Michael Jordan, họ có lẽ không ngờ rằng mình cũng đang thiết kế nên một trong những đôi giày trượt ván tuyệt vời nhất mọi thời đại. Air Jordan 1 ban đầu là giày bóng rổ, nhưng nhanh chóng trở thành lựa chọn yêu thích của các skater trong những năm 80.

Bước ngoặt lớn đưa Jordan 1 vào cộng đồng skateboard diễn ra vào năm 1987, khi video skate huyền thoại "The Search for Animal Chin" của Bones Brigade được phát hành. Trong video, các tay trượt nổi tiếng như Steve Caballero, Mike McGill, Lance Mountain, và Tommy Guerrero đều mang Jordan 1. (Riêng Tony Hawk thì không đi đôi này). Mà vì sao một đôi giày bóng rổ lại được các skater ưa chuộng? Cuối thập niên 80, ngành công nghiệp skateboard trải qua giai đoạn khó khăn, các skatepark đóng cửa hàng loạt, số lượng ván trượt bán ra giảm mạnh. Ngay cả Vans, thương hiệu duy nhất tài trợ giày cho skater thời đó cũng không thể cung cấp đủ giày cho các rider của mình. Thật tình cờ, Craig Stecyk, Giám đốc Nghệ thuật của Powell-Peralta, có một mối quan hệ với Nike và đã kết nối để Bones Brigade nhận được những đôi Air Jordan 1. (Stecyk sau này còn hợp tác chính thức với Nike SB vào năm 2014 để tạo ra phiên bản AJ1 của riêng mình.)

4. Airwalk Prototype Series - Huyền Thoại Đường Phố Của Skateboarding


Trước năm 1986, Vans gần như là thương hiệu duy nhất thống trị thị trường giày trượt ván. Nhưng khi Airwalk xuất hiện, mọi thứ đã thay đổi. Dòng giày Airwalk Prototype nhanh chóng trở nên nổi bật nhờ thiết kế bền bỉ, phù hợp với phong cách street skating mới mẻ lúc bấy giờ, đặc biệt là những cú ollie - nền tảng của mọi trick trượt ván.

Vào đầu thập niên 90, Airwalk đã xây dựng được một đội ngũ skater đình đám, bao gồm Tony Hawk và Mike Vallely. Những mẫu Prototype nổi bật như Bruiser, Jolly Mambo, 540º, và Velocity với thiết kế cổ cao (high-top) cùng màu sắc rực rỡ đã trở thành biểu tượng của kỷ nguyên street skating thời kỳ đầu.

5. Vans Half Cab - Biểu Tượng Bất Diệt Trong Làng Skateboarding


Năm 1989, Vans tạo ra đôi giày trượt ván có chữ ký đầu tiên trên thế giới cho Steve Caballero, một rider nổi bật của Powell và là người tiên phong mang Air Jordan 1 vào trượt ván. Mẫu giày ban đầu mang tên Vans Caballero, với thiết kế cổ cao và chất liệu da lộn, cùng đế waffle cao su lưu hóa đặc trưng của Vans.

Caballero nhanh chóng được yêu thích, nhưng Steve Caballero nhận thấy nhiều skater đã tự cắt phần cổ cao của giày để dễ dàng di chuyển thoải mái hơn. Thấy vậy, anh đề xuất Vans tạo ra phiên bản cổ thấp và đặt tên là Half Cab, cũng chính là tên của một trick nổi tiếng do Caballero sáng tạo.

Half Cab cũng đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên mới trong thập niên 90, khi giày trượt ván dần chuyển sang kiểu dáng cổ thấp hoặc cổ vừa, tối giản hơn và dễ di chuyển hơn, thay thế cho những đôi high-top cồng kềnh như Air Jordan 1 hay Airwalk Prototypes.


Nguồn: sneakerfreaker

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.