Kangol - Thương hiệu mũ được yêu thích nhất trong Hip Hop

Kangol - Thương hiệu mũ được yêu thích nhất trong Hip Hop

Nói đến Hip Hop hay thời trang Hip Hop là phải nói đến mũ nón vì nó luôn có mối quan hệ chặt chẽ. Mà đã nhắc đến mũ là phải nhắc đến thương hiệu Kangol, một trong những thương hiệu gắn liền với rất nhiều những nhân vật huyền thoại cũng như các cột mốc của lịch sử Hip Hop.


Được thành lập vào những năm 20 bởi Jakob Henryk Spreiregen, một người Do Thái gốc Ba Lan di cư đến Anh vào năm 1915 và thương hiệu này bắt đầu sản xuất tại London. Mặc dù được phổ biến vào thời điểm đó nhưng nó không mang tên Kangol cho đến tận năm 1930, khi Spreiregen tạo ra cái tên bằng cách kết hợp chữ “K” của “Silk – Lụa”, “ANG” của “Angora – Lông”, và chữ “OL” trong “Wool – Len”. Kangol bắt đầu phát triển mở rộng ngay sau đó cùng với sự giúp đỡ của các cháu trai Spreiregen, các nhà máy được mở tại nước Anh.


Kangol bắt đầu trở nên phổ biến ở Anh vào Thế chiến II, Kangol đã trở thành nhà cung cấp mũ nồi chính cho Quân đội Anh, với sản lượng đạt tới một triệu chiếc mũ mỗi năm. Trong thập niên 60, Kangol đã thêm các nhà thiết kế Pierre Cardin và Mary Quant vào danh sách của mình. Họ bắt đầu thiết kế mũ cho những người nổi tiếng như ban nhạc Beatles và thậm chí là Công nương Diana. Năm 1983, khi Công nương Diana xuất hiện trên tạp chí Vogue đội một trong những chiếc mũ Kangol thì thương hiệu Kangol được biết đến nhiều hơn.


Chính việc này đã thu hút sự chú ý của thị trường Hoa Kỳ và người Mỹ sớm bắt đầu tự hỏi họ có thể mua cho mình một chiếc mũ Kangol ở đâu. Nhưng trong sự thành công đó là sự nhầm lẫn xung quanh tên thật của công ty, hầu hết người Mỹ gọi chúng là mũ “kangaroo" hay "kangas". Đến lúc này, công ty Kangol nhận ra họ cần một biểu tượng logo để phân biệt sản phẩm nổi tiếng thế giới này. Họ bắt đầu thử nghiệm, khảo sát với rất nhiều các mẫu logo trong đó có cả hình cá sấu đến ngựa, thậm chí cả rùa. Nhưng người Mỹ chỉ đi vào các cửa hàng và yêu cầu những chiếc mũ “kangaroo”. Vì vậy, thay vì cố gắng chống lại sự nhầm lẫn đó, Kangol đã đưa biểu tượng chú chuột túi Kangaroo làm biểu tượng cho thương hiệu Kangol của mình.


Những năm thập niên 80 chính là những năm của cái bắt tay thân thiết giữa Kangol và Hip Hop. DJ Grandmaster Flash từ Furious Five là một trong những người tiên phong đầu tiên của Hip Hop, người đã biến Kangol thành một phần trong phong cách đặc trưng của anh ấy, cũng như Big Bank Hank của Sugar Hill Gang, người đội chiếc mũ xô – Kangol Bermuda màu tím trong video âm nhạc năm 1979 của họ là "Rapper's Delight".


Sáu năm sau, LL Cool J cũng trở nên nổi tiếng khi đội chiếc mũ xô Kangol màu đỏ và OG Jordan 1 trên bìa sau của album đầu tay năm 1985 'Radio'. LL củng cố thêm cam kết của anh ấy với Kangol khi anh ấy xuất hiện cùng nó trên bìa album thứ hai. Có thể nói LL Cool J là Rapper đáng chú ý nhất khi đội chiếc mũ xô Kangol mang tính biểu tượng cho phong cách của anh. Điều đó được minh chứng khi mọi người đổ xô đi mua chiếc mũ mà LL Cool J đang đội, và thương hiệu Anh đã chứng kiến sự tăng vọt về doanh số bán tại Mỹ. Vô số rapper thời kỳ đó cũng sử dụng Kangol và được chú ý như Run-DMC, Slick Rick, Beastie Boys, Notorious B.I.G. và sau đó là Eminem và Rick Ross.


Và không chỉ dừng lại với các Rapper trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chiếc mũ Kangol còn nằm trên đầu của các DJ, B-Boy, B-Girl thực chiến tại các giải đấu, Cypher, Party và giúp chiếc mũ này lan tỏa như một chiếc mũ của Hip Hop.


"Chú chuột túi" trong khu rừng Hip Hop – Không đến từ nước Úc mà được sinh ra ở Anh và lớn lên ở New York, nơi hình thành văn hóa Hip Hop cũng như thời trang đường phố. Kangol đã trở thành một thương hiệu mũ được yêu thích nhất của các Hip Hopper từ xưa đến nay.


Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.