Sau thông tin nhà sáng lập thương hiệu Streetwear nổi tiếng Stussy - Shawn Stussy trở lại với giới thời trang sau 8 năm nghỉ ngơi đã được đề cập. Và mặc dù không còn đồng hành với Stussy từ lâu, nhưng Shawn vẫn được xem là một trong những người tiên phong của lĩnh vực thời trang đường phố. Vì vậy, nhân dịp này chúng ta hãy cùng nhìn lại một chút lịch sử của anh ấy trong hành trình thời trang nhé.
1. Shawn Stussy sáng lập Stüssy
Thời gian: 1980
Shawn Stussy thành lập thương hiệu mang tên mình vào năm 1980, có trụ sở tại California, và khởi đầu là một thương hiệu về thiết bị lướt sóng. Stussy đã làm những chiếc ván có chữ ký biểu tượng của mình được viết bằng bút màu đen. Và để quảng bá, ông đã in những chiếc áo thun có Logo và trưng bày chúng tại triển lãm thương mại Action Sports Retailer vào năm 1981 và 1982. Cũng tại nơi đó, ông sớm phát hiện ra là mọi người lại chú ý đến những chiếc áo hơn là những chiếc ván.
“Trong ba ngày chúng tôi bán được khoảng 24 tấm ván, nhưng lại bán được một nghìn chiếc áo thun… Và tôi đã nghĩ chuyện quái gì đang xảy ra vậy, đùa à". - Stussy.
Sau đó để phát triển công việc kinh doanh của mình, Stussy đã tranh thủ sự giúp đỡ của Frank Sinatra Jr vào năm 1984. Với định vị mới trên thị trường: Một thương hiệu quần áo lấy cảm hứng từ văn hóa lướt sóng, trượt ván và Hip Hop. Hiện nay, nhiều người gọi sự hội tụ của nhiều nền văn hóa khác nhau này là thời trang đường phố (Streetwear), nhưng cái tên này vẫn chưa thực sự tồn tại ở thời điểm đó. Stussy cũng được coi là cha đỡ đầu của ngành này mặc dù chưa bao giờ gắn liền thương hiệu của mình với danh hiệu đó.
Stussy nói với New York Times vào năm 1992: “Mọi người gọi nó là trang phục lướt sóng, trang phục đường phố, hay trượt ván”. Tôi không đặt tên cho nó và cũng không cố ý đặt tên cho nó. Tôi chỉ may những bộ quần áo cơ bản mà một đứa trẻ 10 tuổi có thể mặc, hay bố tôi cũng có thể mặc được”.
2. Flagship Store đầu tiên của Stussy được mở tại New York
Thời gian: 1990
Đến những năm 90, Stüssy đã trở nên nổi tiếng đến mức có thể cắm cờ của mình trên toàn nước Mỹ. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu, được khai trương vào năm 1990, tại số 104 Prince, New York. Người quản lý đầu tiên của nó chính là nhà sáng lập thương hiệu Supreme - James Jebbia. Thương hiệu lúc này ngay lập tức đã có tác động tại thị trường mới, chứng minh rằng nó không chỉ là một thương hiệu lướt sóng chỉ hoạt động ở bờ biển California. Những món đồ mang họa tiết chữ S đôi lấy cảm hứng từ Chanel, và những chiếc Cap có Logo Stussy là những sản phẩm bán chạy nhất cho những người sành điệu tại khu SoHo ở trung tâm thành phố.
3. “Bộ lạc" quốc tế của Stussy
Thời gian: Cuối thập niên 80 - đầu thập niên 90
Bạn không thể có một thương hiệu thành công nếu không có một cộng đồng trung thành. Trong những năm đầu thành lập, Stussy đã làm được điều này thông qua việc thành lập “Bộ lạc” Stüssy Quốc tế (International Stüssy Tribe). Stussy cũng đã tạo ra những chiếc áo khoác Varsity dành riêng cho bạn bè và gia đình trên khắp thế giới, hay những người mà ông rất hâm mộ cũng như muốn hợp tác. Cho đến ngày nay, áo khoác International Stussy Tribe vẫn là món đồ hấp dẫn trong giới sưu tập. Ngoài quần áo, Tribe đã giúp củng cố Stussy như một thương hiệu mà nhiều người trên thế giới phải khao khát.
4. Shawn Stussy từ chức Chủ tịch Stussy
Thời gian: 1996
Trong khi thương hiệu của ông tiếp tục phát triển thì Stussy lại từ bỏ vai trò chủ tịch vào tháng 1/1996. Quyết định này không phải vì công việc kinh doanh đang gặp khó khăn. Theo báo cáo của Los Angeles Times vào thời điểm Stussy từ chức, thương hiệu có doanh thu hàng năm là 35 triệu USD. Mặc dù những lý do cụ thể cho việc anh ấy rời đi luôn ít và chưa được xác nhận, nhưng một số cá nhân thân cận với thương hiệu đã cho rằng đó có thể không phải là một cuộc chia tay rõ ràng.
Tuy nhiên, Stussy vẫn là nhà tư vấn cho thương hiệu sau khi rời đi. Sau sự ra đi của Stussy, thương hiệu gặp khó khăn tại thị trường Mỹ, một phần do sự nổi tiếng ngày càng tăng của các đối thủ cạnh tranh như Mossimo. Nhật Bản và Châu Âu lúc bấy giờ trở thành tâm điểm và giúp thương hiệu tiếp tục phát triển. “Họ đánh giá cao thương hiệu của chúng tôi, tính độc quyền và di sản của chúng tôi.” - Sinatra Jr.
5. Thành lập S/Double
Thời gian: 2010-2016
Lần đầu tiên Stussy quay trở lại thế giới thời trang sau khi rời Stüssy là với S/Double vào năm 2010. Dòng sản phẩm của S/Double vẫn thể hiện rõ ràng về nguồn gốc lướt sóng của Stussy, nhưng tập trung nhiều hơn vào kiểu dáng trang phục nam cổ điển hơn là Stüssy, được biết đến nhiều với đồ họa. Ngoài ra, nó cũng tiếp tục sản xuất ván lướt sóng có hình dạng tùy chỉnh.
Thương hiệu này đã phát triển được một lượng lớn người theo dõi ở Nhật Bản. Một Flagship Store thậm chí còn được mở vào năm 2012. Trong 6 năm hoạt động, S/Double đã có nhiều mối hợp tác với những cái tên đáng chú ý như Beams, Neighborhood và Vans trước khi ngừng hoạt động vào năm 2016.
6. Shawn Stussy hợp tác với Dior
Thời gian: 2020
Một trong những cột mốc đáng chú ý nhất trong dòng thời trang của Stussy là sự hợp tác với Kim Jones của Dior cho BST mùa Thu 2020 của nhà mốt. Bộ sưu tập đã được ra mắt tại một buổi trình diễn thời trang ở Miami vào tháng 12 năm 2019. Show diễn này được ví như “Cái chạm tuyệt vời của kỹ thuật may đo nhà nghề Pháp và hơi thở văn hóa lướt sóng Mỹ”.
7. Shawn Stussy trở lại
Như VHDP đã đề cập ở bài viết trước. Tuy nhiên, khi nào, ở đâu và chính xác những gì chúng ta sẽ nhận được từ sự hồi sinh S/Double thì vẫn chưa được công bố.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.