
Cùng nhìn lại lịch sử thời trang trong breaking từ những năm 1970 đến nay. Bài viết được thực hiện bởi Pierre Mendy (Somy) - một nhà nghiên cứu văn hóa Hip Hop. Và dưới đây là những món đồ, thương hiệu đã để lại dấu ấn sâu đậm trong văn hóa breaking.
1. Thập niên 1970s
"Những BBoy đầu tiên ăn mặc giống như bao thanh niên ở các khu lao động và dường như trông không có gì nổi bật cả. Nhưng từ những năm 1970, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Họ bắt đầu tạo nên phong cách riêng cho chính mình" – Somy chia sẻ.
Sự bùng nổ của giày Pro-Keds
Sự thay đổi đầu tiên bắt đầu từ giày thể thao (Sneaker). Trong một thời gian dài, Pro-Keds - thương hiệu giày có nguồn gốc từ bóng rổ đã trở thành biểu tượng tại các khu dân cư, và nhanh chóng được các BBoy yêu thích. Vì được thiết kế cho bóng rổ, nên Pro-Keds có độ êm và linh hoạt cao, cực kỳ phù hợp cho những bước nhảy mạnh và linh hoạt.
… và Puma Clyde
Sau sự cố mất điện toàn thành phố New York năm 1977, các cuộc bạo loạn và cướp bóc bùng phát, nhiều thanh niên đã xông vào các cửa hàng thời trang và sneaker mà họ không thể mua được trước đó. Họ đổ xô đến những thương hiệu như Puma và Adidas. Với Puma, dòng Suede và Clyde trở thành mục tiêu chính - hai mẫu giày mang tính biểu tượng của thời kỳ này. Đặc biệt, mẫu Clyde xuất phát từ sự hợp tác giữa Puma và cầu thủ bóng rổ Walt Frazier.
Và không thể thiếu quần jeans Lee
Các BBoy thường phối giày sneaker với quần jeans thương hiệu Lee. Form quần vừa vặn, không quá bó, tạo cảm giác thoải mái khi di chuyển và thực hiện các động tác. Một số người thậm chí còn cắt ngắn quần để làm quần short, giúp tiện hơn cho việc nhảy.
Mũ Kangol chuông & mũ lưỡi trai bóng chày
Có ba kiểu mũ phổ biến trong cộng đồng Hip Hop và breaking thời đó. Đặc trưng nhất chính là chiếc mũ "chuông" (Bell) của thương hiệu Kangol với phần chóp rủ như chiếc chuông nhỏ, rất đặc biệt.
Cùng lúc, vào đầu những năm 1980, các breaker cũng bắt đầu "chiếm dụng" mũ lưỡi trai của các đội bóng chày Mỹ. Đây là thời kỳ New Era trở thành biểu tượng nhiều BBoy chọn đội lệch mũ để tạo cá tính riêng.
2. Thập niên 1980s: Tracksuit nylon, thắt lưng tên riêng và đồng phục crew
Tracksuit nylon và áo gió K-Way - để trượt trên sàn mượt hơn
Đầu thập niên 80, giới breaking bắt đầu chuộng những bộ tracksuit bằng nylon của Adidas, bởi nó vừa nhẹ, vừa thoải mái và đặc biệt giúp các chuyển động trượt trên sàn carton hoặc tấm linoleum trở nên dễ dàng hơn.
Cùng lúc đó, nhiều dancer cũng chuyển sang mặc áo khoác gió K-Way với lý do tương tự: dễ vận động và "trượt mượt".
Từ đây, xuất hiện xu hướng các crew mặc đồng phục cùng loại K-Way, hoặc cùng bộ tracksuit để dễ nhận diện trên sàn. Phong cách này bắt nguồn từ văn hóa băng đảng, nơi trang phục cũng là cách khẳng định "ta là ai" trong cộng đồng.
Áo thun in tên crew & thắt lưng bản tên
Cũng từ tinh thần "crew first", các BBoy bắt đầu mặc áo thun in tên nhóm, vừa thể hiện niềm tự hào, vừa tạo bản sắc riêng.
Song hành với đó là thắt lưng có khóa khắc tên (name belt plate) - một phụ kiện cực kỳ phổ biến lúc bấy giờ, thể hiện cá tính và danh xưng cá nhân trong giới Nhảy đường phố.
Jumpsuit bó sát - khi các breaker thách thức vận động viên
Một vài nhóm nhảy đã chọn hướng đi riêng để tạo dấu ấn. Nổi bật nhất là New York City Breakers, họ mặc nguyên bộ jumpsuit bó sát như đồ thể dục dụng cụ.
Dù không trở thành xu hướng đại trà, nhưng bộ đồ này mang ý nghĩa:
“Các Breaker hoàn toàn có thể thi đấu sòng phẳng với vận động viên chuyên nghiệp.”
Phong cách này gây ấn tượng mạnh, nhất là khi họ xuất hiện trên truyền hình Mỹ, biểu diễn trong show “Graffiti Rock”, và từng nhảy trước mặt Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thời đó.
Run DMC & cuộc cách mạng Adidas
Giữa thập niên 80, nhóm rap huyền thoại Run DMC ký hợp đồng hợp tác với Adidas, đánh dấu cột mốc lớn trong lịch sử thời trang đường phố.
Nhờ họ, tracksuit Adidas với Logo đặc trưng cùng mẫu giày Superstar trở thành biểu tượng không thể thiếu với Hip Hop, từ dancer, rapper, đến cả fan ngoài cộng đồng.
Troop - thương hiệu “chân chất” sinh ra từ Bronx
Cuối thập niên 80, một thương hiệu mới tên Troop xuất hiện và gây sốt trong cộng đồng BBoy. Chủ hãng này có một cửa hàng nhỏ ở Bronx, nơi ông bán giày tồn kho với giá rẻ và cho mua trả góp.
Một lần, ông tìm được đôi Puma trắng, rồi nhờ graffiti artist vẽ lại trước khi bán ra. Đôi giày được yêu thích đến nỗi, ông quyết định tự lập thương hiệu riêng: Troop - và nhanh chóng thành công nhờ cộng đồng Hip Hop ủng hộ, đặc biệt là rapper LL Cool J thường xuyên mang Troop khi biểu diễn.
Có thời điểm, Troop từng khiến Adidas và Nike phải dè chừng.
Troop biến mất sau tin đồn gây sốc
Thế nhưng, Troop lại biến mất khỏi thị trường nhanh như khi nó xuất hiện, vì một tin đồn lan nhanh trong cộng đồng:
“Troop do thành viên Ku Klux Klan sáng lập, với mục tiêu kiểm soát và bóc lột cộng đồng da đen và Latin.”
Dù chưa bao giờ được xác thực, tin đồn này khiến Troop bị tẩy chay hoàn toàn. Và từ đó thương hiệu lụi tàn.
3. Thập niên 1990s: Timberland lên ngôi & thời kỳ hoàng kim của đồ thụng
Cơn sốt Timberland – thời trang công trường bước vào Hip Hop
Những năm 90, thời trang lấy cảm hứng từ công nhân xây dựng bắt đầu xuất hiện trong văn hóa Hip Hop và giới BBoy.
Biểu tượng rõ nhất chính là giày Timberland, xuất hiện khắp nơi, đi cùng với quần Carhartt dày dặn, bền bỉ.
Cũng trong giai đoạn này, nhiều thương hiệu trở thành biểu tượng thời trang Hip Hop được khai sinh, như: FUBU, Cross Colors, Karl Kani và Lugz.
Baggy - "người bạn thân thiết" của dancer
Cuối cùng, baggy ra đời: Quần áo rộng thùng thình, thoải mái khi nhảy.
Từ đó trở đi, baggy trở thành một phần không thể thiếu trong phong cách breaking và Hip Hop nói chung, vừa thoải mái, vừa ngầu.
4. Từ những năm 2000 đến nay: Khi thời trang breaking dần "bình thường hóa"
Tracksuit không còn là “đặc sản”
Từ đầu những năm 2000, Hip Hop và Breaking không còn là văn hóa ngầm, mà ngày càng phổ biến và được công nhận rộng rãi.
Chính vì vậy, chất riêng trong thời trang Hip Hop cũng dần phai nhạt.
Ví dụ, tracksuit từng là biểu tượng của dân breaking, và giờ thì ai cũng mặc. Trong các cuộc thi ngày nay, ta thường thấy quần short, áo thun - những món đồ đơn giản, thoải mái và dễ vận động.
Nhưng điều đáng buồn, theo chia sẻ của Somy - nhà nghiên cứu văn hóa Hip Hop:
“Tôi thấy hơi tiếc. Cái chất riêng mà cộng đồng breaker và Hip Hop từng tạo ra… nay đã mất đi phần nào.”
Nguồn: redbull
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.