Hàng loạt gian hàng trong Sài Gòn Square đã đóng cửa sau đợt kiểm tra của cơ quan chức năng. Vụ việc này nói lên điều gì?

Hàng loạt gian hàng trong Sài Gòn Square đã đóng cửa sau đợt kiểm tra của cơ quan chức năng. Vụ việc này nói lên điều gì?

Sài Gòn Square - Trung tâm thương mại nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thời gian gần đây liên tục bị cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hoá. Và chỉ sau hơn 2 ngày làm việc, các thanh tra đã phát hiện và thu giữ rất nhiều hàng giả, hàng nhái kém chất lượng được khoác lên mình cái mác của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Louis Vuitton,... 

Sau đợt kiểm tra kể trên thì hàng loạt các cửa hàng trong Sài Gòn Square đã chọn cách đóng cửa để “chờ ngày mưa tan”. Theo ghi nhận của đơn vị báo Tuổi Trẻ thì nhiều tiểu thương có mặt, nhưng mục đích là để thăm dò tình hình chứ chưa dám buôn bán trở lại. 


Có thể thấy cuộc đột kích Sài Gòn Square của Tổng cục Quản lý thị trường là một hành động đáng mừng, và cũng là động thái vô cùng kiên quyết của các cơ quan chức năng trong công cuộc bài trừ hàng giả, hàng nhái kém chất lượng khỏi thị trường Việt Nam. Nhưng nói đi thì phải nói lại, các cuộc sàng lọc như thế này trong quá khứ đã diễn ra rất nhiều. Đơn cử như là vụ Triệt phá kho hàng giả khủng ở Nam Định, phải huy động đến 10 xe tải 3.5 tấn chở mới hết gây chấn động dư luận vào tháng 3/2021, hay vụ bắt cơ sở chuyên sản xuất đồ hiệu dỏm tại Phú Xuyên, Hà Nội vào năm 2015,... Mặc dù đã có nhiều đơn vị bị xử lý nhưng hàng giả vẫn được mua bán tràn lan tại nước ta. Đối với Sài Gòn Square, đây là một khu thương mại nằm ở vị trí đắc địa ngay giữa lòng quận 1 - nơi có rất nhiều khách nước ngoài lui tới. Nhưng những du khách này cũng bị lôi cuốn bởi các cửa hàng bán đồ nhái trong Sài Gòn Square. Vậy tại sao lại có chuyện như thế?


Đối với người dân Việt Nam, có thể thấy rằng chúng ta vô cùng “ưa” đồ hiệu. Trong tâm khảm của mọi người, đồ hiệu nó vẫn là một cái gì đó hơn hẳn đồ chợ, hay đồ không có thương hiệu. Thêm vào đó, dưới sự phát triển của mạng xã hội thì chúng ta đang ngày càng trở nên “cuồng tín” với khát khao muốn khẳng định hình ảnh cá nhân, thông qua việc sử dụng đồ hiệu. Hai lý do hợp lại, tạo thành nhu cầu vô cùng lớn trong việc tiêu dùng hàng hiệu tại Việt Nam. Tuy nhiên giá trị thật của những món đồ này thì lại quá lớn. Một cái túi của Louis Vuitton nếu mua chính hãng tại Louis Vuitton thành phố Hồ Chí Minh phải có giá trên dưới 20 triệu, một cái áo Polo của Gucci cũng có giá trên dưới 15 triệu. Đây là con số tương đối "chua chát" với túi tiền của đại đa số mọi người. Vì vậy nên nhiều cá nhân đã chọn cách tiêu dùng các sản phẩm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, bởi chúng chỉ có giá chỉ bằng 1/10 so với món đồ chính hãng. Từ đó giải thích cho việc tại sao các tiểu thương bán hàng giả trong Sài Gòn Square lại có thể ăn nên làm ra đến thế.


Còn đối với người nước ngoài đến Việt Nam du lịch thì nhu cầu mua sắm của họ là cực kì cao. Sau khi có cơ hội tiếp xúc với nhiều du khách, tác giả nhận thấy rằng đa phần họ luôn mặc định Quận 1 là khu vực sầm uất nhất của Sài Gòn, từ đó kém theo quan niệm rằng hàng hoá được bày bán tại nơi đây cũng là "đỉnh" nhất. Khi vào Sài Gòn Square và thấy nhiều món đồ xa xỉ có tem, Tag đầy đủ, được bán với giá rẻ thì họ xem như đây là một món hời. Mà đối với các du khách, nếu phát hiện ra đó là đồ giả thì cũng chả sao, bởi giá trị của chúng cũng không đáng kể.  

Tuy nhiên, nếu tình trạng mua bán đồ giả này diễn ra tràng lan thì sẽ vô hình chung làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt khách du lịch. Chúng ta chưa bao giờ muốn bạn bè quốc tế nhìn nhận Việt Nam như là một công xưởng đồ giả thứ hai sau Trung Quốc. Nỗ lực của Tổng cục quản lý thị trường càng làm rõ hơn quan điểm này. Và vào ngày 2/11 vừa qua, theo nguồn tin từ Tạp chí Sở hữu trí tuệ, đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh đã đề xuất xử lý cả những người CỐ TÌNH mua hàng giả. 


Trong thời gian sắp tới cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục rà soát và xử lý các đơn vị mua bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng. Hy vọng với động thái cứng rắn này thì trong tương lai thị trường Việt Nam sẽ trở nên uy tính hơn, góp phần nâng cao vị thế nước ta trong mắt bạn bè quốc tế.

*nguồn ảnh: Tổng cục quản lý thị trường

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.