Coogi - Thương hiệu đồ len có ảnh hưởng nhất đối với văn hoá Hip Hop

Coogi - Thương hiệu đồ len có ảnh hưởng nhất đối với văn hoá Hip Hop

Khi nói đến những dấu ấn mà mỗi thương hiệu đã để lại trong giới Hip Hop thì chúng ta có rất nhiều. Từ hình bóng đôi giày mõm xò huyền thoại của adidas, cho đến cái vóc dáng bè thô của những đôi Clark Wallabee đến từ nhà Clark,... Tuy nhiên trong vòng 20 năm trở lại đây, đặc biệt là ở Việt Nam, chúng ta đã không còn nghe ai nhắc về Coogi - Một thương hiệu bán đồ len huyền thoại, được dân Hip Hop săn đón điên cuồng vào đầu những năm 1990.

Vậy Coogi là gì mà lại được tôn sùng đến thế? Nó đến từ đâu? Hành trình Coogi đến với Hip Hop là như thế nào? Hãy cùng VHĐP tìm hiểu ngay bây giờ. 

Nguồn gốc của hãng Coogi 

Coogi là một hãng thời trang chuyên bán đồ len được thành lập vào năm 1969, có nguồn gốc từ Úc. Khi nghe cái tên Coogi, ắt hẳn không ít anh em tưởng tượng ra một hình tượng gì đó thật “cu te hột me”, tuy nhiên ban đầu thương hiệu này lại chả được đặt tên như thế, mà lại là Cuggi. Mãi cho sau hơn 18 năm hoạt động, nó mới lại được đổi thành Coogi giống như bây giờ. 


Coogi nổi tiếng bởi những cái áo len không bao giờ đụng hàng. Nhìn nó nghệ, nó chiến, mà màu sắc lại sặc sỡ không thể tả. Thương hiệu này có một cách dùng màu mà trong vòng nhiều năm trở lại đây, ta hiếm thấy hãng nào có thể đạt tới trình độ như vậy, cứ như là họ đang chơi đùa cùng màu sắc. Tuy nhiên thuở ban đầu làm gì có ai biết Coogi, nó chỉ nổi lên cho đến khi xuất hiện trong những bài nhạc của Biggie Small. 

Biggie Small đã đến, Coogi nợ ông một ân tình

Mặc dù Coogi sản xuất đồ đẹp đấy, nhưng trước đó nó ít khi nào được dân Hip Hop chú ý đến. Nói không chú ý cũng không thật sự đúng, chẳng qua là chỉ thiếu một chất xúc tác mà thôi. Tuyệt vời thay, Biggie Small đã đến và trở thành một chất xúc tác hoàn hảo để Coogi tiến vào văn hoá Hip Hop. 


Năm 1994, Biggie mang Coogi vào bài hát Big Poppa. Chỉ với vài giây xuất hiện ngắn ngủi trong vỏn vẹn đôi ba cặp vần: “I have to find the buried treasure, So grams I had to measure. However, livin’ better now, Coogi sweater now”. Ông đã khiến hãng quần áo này trở nên nổi như cồn. 

Vào thời điểm đó, nếu Biggie mà là một thằng nhóc nhà giàu, có ba mẹ cưng nựng, hằng ngày đi siêu xe thì dám chắc rằng sẽ chả có ai thèm chú ý tới Coogi. Nhưng đây lại là Notorious Big - Một đứa trẻ đến từ thị trấn nghèo, đang cố vượt lên số phận và đói khổ bằng những cặp vần. Những gì Biggie hát, hay mặc lên người đều được cộng đồng Hip Hop, đặc biệt là các Mỹ Đen săn đón. Và thế là từ một hãng quần áo “hơi nhạt nhoà”, Biggie đã khiến cho Coogi trở thành một biểu tượng đúng nghĩa - Một cầu vồng của Hip Hop vào những năm 1990.

Mọi thứ với Coogi ngày đó thật đẹp, đến mức mà ta khó thể nào hình dung ra được vài năm sau thương hiệu này lại đi đến bờ vực phá sản. Khởi nguồn từ cái đêm định mệnh. 

Biggie Small cùng với những chiếc Sweater của Coogi

Đêm trường định mệnh, Coogi như rắn mất đầu

Ngày 9/11/1996, Biggie ra đi trong chính chiếc xe hơi của mình, sau hai phát súng oan nghiệt. Kể từ giây phút đó, truyền thông đã biết rằng văn hoá Hip Hop thật sự khắc nghiệt đến mức nào. Trên nhạc chỉ là bề nổi, còn bề chìm chính là những băng đảng đầu gấu với dao và súng. Họ sẵn sàng thanh toán nhau mà không có một chút nhân từ.

Sau sự ra đi của Biggie, Coogi mất đi người đại sứ của mình. Dù cho Biggie không phải là người duy nhất mang hào quang đến cho thương hiệu này, nhưng có một điều chắc chắn rằng ông chính là ánh sáng chói chang nhất đằng sau thành công của Coogi. Và thế là kể cái đêm định mệnh đó, Coogi dần đánh mất vị thế của mình. 


Vào năm 2001, thông qua một báo cáo tài chính, người ta biết rằng Jacky Taranto - Founder của Coogi đang thiếu nợ hơn 25 triệu đô la Mỹ. Ở thời điểm đó, đây hoàn toàn không phải là một con số nhỏ. 

Cuối cùng sau những ngày tháng chật vật, hội đồng quản trị của Coogi thông báo rằng công ty không còn đủ khả năng để vận hành. Taranto buộc phải bán đứa con tinh thần của mình cho các nhà đầu tư. 

Sau này khi nhắc về vụ việc ấy, người ta cho rằng Coogi bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế do bong bóng Dot-com gây ra vào năm đầu những năm 2000. Tuy nhiên làm thế nào mà chỉ trong vòng có 1 năm, Founder của Coogi lại vướng vào khoảng nợ hơn 25 triệu đô la Mỹ?

Từ cái đêm định mệnh mà Biggie ra đi cho đến lúc Coogi đệ đơn phá sản, người ta chưa hề biết gì về một cái niệm gọi là bong bóng Dot-com, cũng chưa có ai ý thức được sẽ có một vụ khủng hoảng kinh tế. Cứ cho rằng Coogi cũng bị ảnh hưởng bởi sự kiện bong bóng Dot-com, nhưng tại sao mọi thứ lại diễn ra chóng vắng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn được? 

Sweater của Coogi

Lý do có thể chỉ có một, đó chính là sự sụp đổ của Coogi đã manh nha kể từ năm 1996. Sau sự ra đi của Biggie, thương hiệu này không còn có một ai đủ sức ảnh hưởng đến có thể làm cầu nối đến người tiêu dùng, đặc biệt là dân Hip Hop. Kể từ đó Coogi cứ “chết dần” theo Biggie. Và vụ khủng hoảng kinh tế năm 2000 chỉ như là một đòn chí tử, một giọt nước tràn ly dẫn đến sự sụp đổ của thương hiệu này. 

Tuy nhiên, những tấm hình mà Biggie diện những chiếc Sweater nhiều màu của Coogi, cũng như là di sản của ông vẫn còn ngay đó. Và khi một nghệ sĩ ra đi, những gì liên quan đến họ bỗng trở thành một thứ gì đó mà người ta vô cùng tôn trọng. Dĩ nhiên là Coogi cũng được hưởng ứng bởi cái tư tưởng này. Đó là lý do vì sau ngày nay người vẫn xem những chiếc Sweater của Coogi như là một cái gì đó thật tượng đài, thứ mà chỉ thương hiệu này mới có. 

Cách mua đồ Coogi tại Việt Nam

Hiện nay, gần như cách duy nhất để anh em có thể sỡ hữu những món đồ của Coogi đó chính là mua trực tiếp từ nước ngoài, rồi gửi về Việt Nam. Không biết vì một lý do gì, mà ta rất ít khi bắt gặp những món đồ second hand của thương hiệu này, cũng như là thấy nó trên đường phố nước ta. Có thể là vì nó quá đắt, cũng có thể vì Coogi thật sự được rất ít người biết tới. 


Trang Web chính thức của Coogi

Tuy nhiên, đây vừa là điểm trừ, nhưng cũng lại vừa là cơ hội cho anh em, bởi nếu càng hiếm người mặc, thì càng ít đụng hàng. Giờ mà khi đi vào Bùi Viện hay dạo quanh Phố đi bộ Hà Nội, anh em mặc một món của Coogi thì bảo đảm cháy nhất con đường luôn. 

Kết luận

Và đó là câu chuyện về Coogi - Thương hiệu đồ len có ảnh hưởng nhất đối với văn hoá Hip Hip. Hiện nay Coogi  vẫn còn hoạt động, chỉ là nó không được may mắn như Biggie, bởi sau cái chết của Biggie, người ta vẫn còn nhớ và tôn sùng ông đến mãi về sau. Nhưng đối với Coogi thì lại là một câu chuyện khác, vì kể từ cái ngày mà nó đệ đơn phá sản, dân Hip Hop đã gần như bỏ quên thương hiệu này.

Hình ảnh của nó đã gắn quá chặt với Biggie, nên làm sao có thể dứt ra được nữa? Có thể đây là số phận của Coogi, cũng có thể vì đội ngũ của họ đã không thật sự có một chiến lược đủ tốt để có thể tự lèo lái chính mình. Tuy nhiên, việc Coogi được Biggie để ý tới cũng đã đủ làm cho biết bao thương hiệu khác phải ghen tị. Và nó vẫn gắn liền với cố huyền thoại này, cũng như là văn hoá Hip Hop cho đến ngày nay.

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.