Cách mà Sportswear len lỏi vào thời trang đường phố

Cách mà Sportswear len lỏi vào thời trang đường phố

Quần áo chuyên dùng cho thể thao đã bắt đầu ảnh hưởng đến thời trang đường phố nói riêng, cũng như cả giới thời trang nói chung kể từ năm 1920s. Những chiếc Sweater mặc để chơi Golf, áo Tennis, trang phục cưỡi ngựa,... dần dần biến chuyển. Chúng không còn được dùng cho mục đích ban đầu, thay vào đó là được mọi người "diện" lên phố và bắt đầu được đón nhận rộng rãi. 

1. Thời kỳ những năm cuối 1970, đầu 1980


Tuy nhiên mãi đến cuối những năm 1970s và đầu 1980s, khởi đầu ở Mỹ và rồi lan rộng ra khắp khu vực Tây Âu, Sportswear - thuật ngữ ám chỉ việc mặc quần áo thể thao bắt đầu được giới trẻ đón nhận mạnh mẽ. Trong nhiều năm, lần đầu tiên đồ thể thao bắt đầu ít được chú tâm hơn về “tính thể thao" và sự tiện lợi vốn có. Thay vào đó các thương hiệu bắt đầu tập trung nhiều hơn về tính độc quyền trong thiết kế, cũng như khả năng tiếp cận đại chúng.  


Nhưng lại có một điều khá buồn cười là nhiều thương hiệu theo đuổi thị trường giới này trong khi phủ nhận rằng thời trang đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công của họ. Họ tuyên bố tất cả đều là về hoạt động thể thao chuyên nghiệp, và trong quá trình đó, họ chỉ “tình cờ” thu hút thêm một tệp người tiêu dùng trẻ tuổi.

Khác với phần đông thì những công ty như adidas, Champion và Le Coq Sportif đã chấp nhận mối liên hệ ban đầu của họ với thời trang, cũng như văn hoá Hip Hop, trong khi đó, Nike “mở hầu bao" tài trợ hàng triệu đô la cho các chương trình tiếp thị giúp đưa các ngôi sao thể thao trở thành những biểu tượng trong giới thời trang, đáng chú ý nhất là thỏa thuận với cựu cầu thủ bóng rổ Michael Jordan vào năm 1994.


Những món đồ quan trọng trong tủ đồ thể thao - áo phông, áo nỉ, quần thể thao, áo hoodie, giày thể thao, cũng như các phụ kiện như mũ bóng chày - nhanh chóng trở thành mặt hàng chủ lực của thời trang đường phố. Hàng loạt các công ty chạy theo miếng bánh béo bở này, tạo sự đa dạng chưa từng có trong thiết kế của quần áo thể thao. 

Về sau, thể thao thậm chí còn định hình tính thẩm mỹ chủ đạo của thời trang đường phố thời kỳ đầu, bằng những thiết kế táo bạo nhiều màu sắc, Logo thì to tướng (như Champion, adidas). 

2. Thời kỳ những năm 1980, đầu 1990


Vào những năm 1980 và đầu những năm 1990, trang phục thể thao bắt đầu xa rời khỏi mục đích ban đầu của nó, đó là sự độc quyền trong thế kế, công nghệ, những phiên bản giới hạn, hợp tác đặc biệt. Đồ thể thao đã vĩnh viễn bị “đại chúng hóa". Đó là lý do tại sao mà ngày nay chúng ta có thể dễ dàng thấy người ta mặc áo bóng đá của đội tuyển MU lên phố, hoặc mặc những chiếc Running Short của Nike tại nhà hay bể bơi. 

Và cứ như vậy, thời trang thể thao đã trở thành một phần của thời trang đường phố.


Tác giả: Luna Ngô

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.