Phỏng vấn Popper Mạnh Boon – Ước mơ của tôi là "Chung tay xây dựng nhiều và càng nhiều các Popping Crew tại Việt Nam"

Phỏng vấn Popper Mạnh Boon – Ước mơ của tôi là "Chung tay xây dựng nhiều và càng nhiều các Popping Crew tại Việt Nam"

Trải qua gần 30 năm phát triển, Hip Hop Việt Nam vẫn chưa có nhiều các nhóm nhảy mang chất Popping Crew như C.O Crew tại Hà Nội.

Hiện tại đây là một trong ít các nhóm nhảy tại Việt Nam có nhiều thể loại nhảy nhất, tuy nhiên nền của họ xuất phát từ Popping, với khởi thủy từ CLB Nhảy hiện đại – Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Cung Việt Xô).


Phòng 201 Cung Việt Xô nơi tập luyện của nhóm C.O

Bạn sẽ luôn bất ngờ về độ “điên” và “nhiệt” khi xem các trận đấu có C.O Crew từ thời điểm gần 20 năm trước cho đến nay, trong đó có cái chất của những người từng là cái nôi của nhảy Popping Hà Nội, và sự máu lửa của lớp lớp thế hệ học sinh trẻ mà họ tạo ra. Những O.G từ anh Sơn Break, anh Giang Tiến Lực, anh Thanh CO và cho đến nay là Trưởng nhóm - Popper Mạnh Boon (mọi người thân mật gọi là Mạnh Bún), vẫn luôn giữ được ánh lửa đó cho đến bây giờ, bằng sự chỉn chu và nghiêm túc của những người xứng đáng là người anh, người thầy trong Hip Hop.


Trong một dịp tình cờ khi xem nhóm Animation Boogz những học sinh trước đây và hiện giờ là thành viên của C.O Crew đạt giải nhất tại SONY SHOW 2019, VHDP có một bài phỏng vấn ngắn Popper Mạnh Boon, về suy nghĩ của anh đối với Popping Việt Nam hiện nay.

VHDP: Chào Mạnh, chúc mừng nhóm đã đạt giải nhất trong cuộc thi ngày hôm nay, VHDP rất bất ngờ khi nhớ ra là, đã rất lâu rồi mới được xem một Popping Crew có đông người nhảy tại Việt Nam, và đặc biệt hơn đấy vẫn là những cái tên gắn liền với C.O Crew. Vậy Mạnh có thể giới thiệu một chút về nhóm nhảy của mình và một vài thông điệp nhóm muốn gửi đến cộng đồng được không?


Mạnh Boon: C.O Crew được thành lập ngày 17/11/2001 bởi anh Nguyễn Ngọc Thanh với cái tên lúc đầu đầy đủ là C.O.L.D (Color of Living Dances), sau đó đến năm 2007 nhóm chính thức đổi tên thành C.O (Come On). Từ khi thành lập đến nay, C.O đã gắn bó với phòng 201, nhà B, Cung Việt Xô, Hà Nội cho tới hiện nay. Đối với mọi người trong nhóm thì đây thực sự là ngôi nhà thứ hai của đại gia đình C.O, trải qua rất nhiều thế hệ cùng bao kỷ niệm, có những người bước lên phòng tập chỉ là một cậu bé cấp 2 đến nay đã có gia đình, con cái. Nó thực sự là 1 điều may mắn và tự hào mà không có nhóm nhảy nào ở Việt Nam có được.


Nguyễn Ngọc Thanh - Người sáng lập C.O Crew

Vào những năm đầu thành lập, khi hiphop Việt Nam còn chưa có những kiến thức chuẩn, cũng hoàn toàn không biết những tên gọi chuẩn của từng thể loại, lúc đó nhóm tập những thể loại thuở sơ khai như mọi người thường nghe kể lại với những cái tên như “Rap cơ bản”, “Bộ khoẻ” và “Bộ dẻo” (đến thời của Mạnh vẫn gọi như vậy).

Cho đến 2004 khi Internet đã được phổ cập rộng rãi tại Viêt Nam, cộng đồng Hip Hop tại Việt Nam mới bắt đầu được tiếp cận với những kiến thức đúng hơn, chuẩn hơn và sử dụng những từ chuyên môn nhiều hơn. Thời điểm đó thường các nhóm nhảy lớn sẽ có phân ra các thể loại như Breaking, Popping và Dance (Hiphop Dance sau này) vv.

Vào quãng thời gian cấp 2, tôi học cùng lớp với một cậu bạn, có thể nói nó là đứa đã đưa tôi đến với Hip Hop, sau này mọi người biết đến nó với cái tên BBoy Imagine aka Tùng ngựa. Cả 2 đứa bị ảnh hưởng bởi những điệu nhảy của Michael Jackson và H.O.T. Sau đó tôi đã tự mầy mò và tự tập được một thời gian nhưng những gì tôi tập chủ yếu là những Trick, những Skill và chưa hề có chuyên môn sâu.


BBoy Imagine mũ len màu ghi đeo kính

Cho đến lần làm khán giả của giải Halo 2 (2005) được tổ chức tại Nhà VH Thanh Niên (1A Tăng Bạt Hổ - Hà Nội) Lần đầu tiên tôi được thấy một nhóm có đa thể loại mà đến đoạn Popping lại có tận 5 người diễn và là nhóm Popping có chuyên môn cao nhất tôi từng thấy (lúc đó theo tôi biết tổng cộng các Popper của Hà Nội chỉ rơi vào khoảng 10 người). Sau buổi hôm đó trong lòng tôi như có một ngọn lửa hối thúc tôi rằng đây sẽ là nơi dành cho mình.

Thời điểm tôi vào C.O Crew đầu năm 2006 ( lúc đó vẫn còn gọi là C.O.L.D). Nhóm có các thể loại như Breaking, Locking, Popping, Cwalk, Hip Hop, Krumpin' nhưng từ trước đến giờ thế mạnh của nhóm vẫn là Popping, nhóm Popping của C.O crew do anh Lã Ngọc Anh (thành viên đời đầu của C.O sáng lập) và sau này được anh Hồ Hải Long aka Long Electric đặt tên là Animation Boogz. Sau đó được biết đến anh Toàn Toon (có khoảng thời gian Toàn Toon đi du học Trung Quốc) là một trong hai người mang được kiến thức chuyên môn Popping chuẩn nhất lúc bấy giờ về Việt Nam. Team Popping của C.O Crew (Animation Boogz) là Popping Team lâu đời nhất cộng đồng Popping Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại.


Nhóm C.O thời đầu

Vào nhóm được 01 năm thì tôi đi du học Trung Quốc từ 2007 đến 2012, khoảng thời gian bên đó tôi đi thi đấu khá nhiều và tiếp tục học hỏi để truyền đạt lại cho mọi người ở quê nhà.

Năm 2018 anh Nguyễn Ngọc Thanh đã chính thức chuyển giao nhóm C.O lại cho tôi. Cho đến nay tôi vẫn cùng nhóm hoạt động mà thông điệp mang đến những bạn yêu thích Popping cũng như các bạn đang theo đuổi những thể loại khác đó là: "Đừng dừng lại, bằng một cách nào đó, hãy cứ đi tiếp". Cũng như câu Slogan của nhóm tôi là “Never give up”

VHDP: Như vậy là thông điệp đó sẽ gắn liền với những bước đi sắp tới của C.O, Mạnh Boon có thể chia sẻ thêm về các hoạt động thường ngày của nhóm được không?

Mạnh Boon: Hầu như tất cả các thành viên của C.O Crew thời điểm hiện tại đều đi làm và có những công việc riêng vào ban ngày. Nhưng cứ đến tối lại tập trung trên Cung để tập cùng nhau.

Có thể do truyền thống của nhóm được xây dựng bởi các đàn anh đi trước, sau đó được duy trì bởi tất cả mọi người cho đến tận bây giờ. Tất cả các lứa mới sau này đều được dạy đầu tiên là khi vào nhóm không phải là nhảy, mà là truyền thống, văn hoá, cách sống của nhóm. Nên ai vào C.O sẽ có 3 tiêu chí bắt buộc phải nhớ “Trung thành – Hoà đồng – Cống hiến”.

Điều này bản thân tôi được dạy từ các anh của tôi như anh Thanh, anh Toàn và hiện giờ tôi vẫn đang và sẽ dạy những lứa sau như vậy. Hãy sống thật với nhau, sống chất với nhau, coi nhau là ruột thịt, hãy là người nhà của nhau, hãy cho đi đừng vội nghĩ mình cần phải nhận lại điều gì. Những yếu tố như vậy sẽ tạo nên sự gắn kết khi các thành viên bước lên sàn đấu hoặc biểu diễn. Với C.O nhảy không phải là tất cả, mọi thứ tạo nên một nhóm nhảy không đơn thuần chỉ là một nhóm nhảy, nó còn là nhiều hơn thế. Chỉ khi bạn đặt chân vào C.O bạn mới cảm nhận và hiểu rõ đc điều này.


Một phần các thành viên C.O ở thời điểm hiện tại

VHDP:  Có thể thấy được sự thống nhất tư tưởng và đoàn kết đó trong cách làm của C.O Crew, Mạnh Boon có thể nói cho mọi người biết hướng phát triển sắp tới của cá nhân, nhóm và cộng đồng được không?

Mạnh Boon: Nói về hướng phát triển cá nhân thì tôi vẫn hay có những chuyến du lịch nước ngoài, kèm theo là tìm riêng đến các Dancer giỏi của nước đó để trao đổi và học hỏi trực tiếp nâng cao trình độ bản thân, vì hiện nay tôi đang tập trung vào quản lý và không đi thi đấu nhiều nữa. Ở nhà tôi vẫn tiếp tục phải tự nghiên cứu, cập nhật những kiến thức mới để có thể đào tạo các lứa kế cận trong nhóm cũng như thế hệ sau này của cộng đồng.

Còn về đội nhóm, C.O Crew vẫn cố gắng cho ra những lứa thế hệ sau tốt hơn, trước tiên là thế mạnh vốn có là Popping, sau đó là Hip Hop và giới thiệu đến mọi người các thể loại khác vẫn còn ít người tập ở Việt Nam như Krumping.

Ngoài ra, từ thời của các thế hệ trước đến thời của tôi, tôi khá quan trọng về cái gọi là văn hoá Crew. Khi đi Battle hay Showcase mỗi Crew sẽ mang một màu sắc riêng biệt vì nó ảnh hưởng trực tiếp bởi lối sống, cách chơi của Crew đó bên ngoài.


Còn sau này, các lứa trẻ tiếp theo phát triển, cộng đồng lớn hơn, đông đảo Dancer hơn, nhưng số lượng những nhóm được gọi là “Crew” thực sự lại giảm đi. Hiện giờ các bạn đang quá dễ dàng với bản thân, thích sự tự do, tự tại, tất nhiên sẽ không ai ép các bạn phải thế này thế kia. Nhưng chính vì điều này các bạn không còn có được cái tinh thần như thế hệ ngày xưa, mỗi lần chúng tôi đi diễn hay đấu, chúng tôi kiêu hãnh khi được cổ vũ, được hét to tên C.O, Halley hay Big toe… Còn thi đấu cá nhân thì luôn có tên nhóm gắn liền ngay sau tên Dancer được gọi. Giờ các bạn đi tập có thể giao lưu cùng các bạn ở chỗ khác dễ dàng hơn ngày xưa rất nhiều, các bạn đi thi đấu có thể bắt cặp cùng với bất cứ ai, mọi thứ đang bão hoà. Có lẽ nó là lý do hiện giờ cái gọi là “truyền thống văn hoá” của nhóm đang mất dần.

Chính vì vậy “Mong muốn có thể tạo nên nhiều Crew” là điều tôi vẫn luôn nói với thế hệ sau. Tôi vẫn luôn kể về thời huy hoàng khi khởi đầu của Hip Hop Việt Nam cho các bạn trẻ nghe để truyền cảm hứng cho các bạn. Để các bạn xây dựng lại và tự mình được sống với những thứ trước đây Hip Hop Việt Nam đã từng trải qua khó khăn để có, được quay lại cái cội nguồn mà có nó mới có các bạn hôm nay, thì hãy làm lại cái gọi là “Văn hoá Crew” từ bây giờ. Đôi khi nó cho bạn nhiều trải nghiệm tuyệt vời không những về nhảy mà còn về tình cảm anh em gắn kết với nhau mà bình thường ít “Crew” có được. Ngoài ra có thể phát triển và tiếp cận, hoà đồng với các bạn nhảy thể loại nhảy khác ngay trong nhóm nhảy của mình. Những điều đó đã quá thân thuộc với những người được sinh ra vào thời kỳ đồ đá của Hip Hop Việt Nam như chúng tôi, và mọi người vẫn luôn trân trọng nó.


C.O chú trọng đào tạo lớp trẻ kiến thức ngoài nhảy

VHDP: Thật sự là một khối lượng công việc khá lớn, tuy nhiên VHDP tin chắc Mạnh Boon và C.O sẽ làm được với từng đó thời gian đã gắn bó với nhảy Việt Nam. Chắc chắn Mạnh Boon đã từng nhận được những lời khuyên, tư vấn từ các bậc tiền bối của mình, vậy Mạnh Boon có tâm sự gì muốn chia sẻ với những người đi sau trong bộ môn Popping này?

Mạnh Boon: Các bạn Popper của VN hiện giờ đã có sẵn rất nhiều nguồn kiến thức bổ ích và điều kiện tập luyện tốt hơn xưa. Có thể nói trình độ đã vươn ra ngoài thế giới, đặc biệt không thể không nhắc đến cái tên đại diện cho lớp trẻ đó là MT Pop.


Popper MT Pop

Nhưng còn có nhiều bạn có nhiều tư duy sai lệch, cách tập quá máy móc hoặc cũng có những bạn thái độ tiêu cực, hoặc đơn giản là hay sinh ra tính phụ thuộc vì các bạn có thể tiếp cận quá nhiều thông tin, kiến thức trên Internet, điều đó làm khả năng tự tìm tòi, sáng tạo, và cảm nhận của bạn dần mất đi, thì các bạn nên tự ý thức hoạch định trở lại để có được phong cách của bản thân mình.

Ngoài ra các bạn trẻ hiện giờ khá quan trọng việc Battle, nhưng nhảy không chỉ có một mục đích đó, vậy cho nên các bạn cần đến giao lưu thêm với nhau cả bên ngoài lẫn trong các buổi Party chính thống với nhau, để trải nghiệm, trao đổi kinh nghiệm về thể loại mình đang tập hơn nữa.

 

Đặc biệt cần có tập theo nhóm như dựng bài, tổ hợp để hiểu cách làm việc nhóm và tăng sự hiểu biêt lẫn nhau nhiều thêm.

Tất cả những việc trên có lẽ hiệu quả và dễ dàng hơn, gây hứng thú cho mình hơn khi mình là một phần trong một tập thể lớn. Khi có nhiều nhóm lớn thì tính cạnh tranh sẽ cao hơn, cùng thúc đấy nhau phát triển hơn, các bạn sẽ thấy mình quan trọng khi gánh trên vai màu cờ sắc áo của một tập thể.

Cuối cùng tôi vẫn hy vọng tương lai sẽ lại được nhìn thấy nhiều nhóm nhảy đúng tính chất là “Crew” hơn, và tôi sẵn sàng chung tay cùng các bạn làm việc đó, ngay cả khi đó không phải là những người của C.O Crew.

VHDP: Buổi phỏng vấn rất bổ ích với nhiều kiến thức quý báu của Mạnh Boon trong 15 năm qua, VHDP nhận thấy được sự quyết tâm của Mạnh, hi vọng tất cả những thứ đó có thể trở thành hiện thực để cùng có một cộng đồng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Cảm ơn Mạnh về buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Chúc Mạnh Boon và nhóm sẽ có nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.

Mạnh Boon: Cảm ơn VHDP và chúc cho Hip Hop Việt Nam ngày càng phát triển.


Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.