Nhảy Locking – Nhảy không dễ mà cười cũng khó

Nhảy Locking – Nhảy không dễ mà cười cũng khó

Nhảy Locking bắt đầu được các Dancer của Việt Nam tập luyện và đưa vào biểu diễn từ khoảng thời điểm đầu năm 2004. Trong thời gian này chủ yếu người tập xuất thân từ BBoy/BGirl, họ bị ảnh hưởng bởi phong trào tập lẫn lộn để biểu diễn của một số nhóm nhảy từ Châu Âu đầu những năm 2000, ví dụ như là Flying Steps của Đức hoặc The Family của Pháp vv…Thời điểm đó các nhóm của Châu Á thì phân hóa rõ hơn, thông thường người tập Breaking ít tập lẫn lộn như vậy.


Clip của BBoy Salah - Người nổi tiếng có thể nhảy nhiều thể loại từ những năm đầu thế kỷ 21

Chính vì sự lẫn lộn đó, giúp nhảy Locking có một tầm ảnh hưởng lớn đến giới Dancer Việt Nam trong khoảng 5 năm sau đó và chỉ tạm lắng ở thời điểm 2010. Sau này đã có rất nhiều Dancer tập lại Locking, tuy nhiên ngoài việc các động tác không hề dễ dàng, thì thần thái khi thi triển động tác lại vấn đề quan trọng nhất, khiến số lượng người thể hiện tốt được trong mảng này chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Trong giai đoạn 2004-2010, dẫn đầu nhảy Locking tại Hà Nội vẫn là một số cái tên từ Nhóm Ngón Chân Cái như Nguyễn Mạnh Tiến (Tiến Dok), Nguyễn Hoàng Hà (Hà Nhím) và Nguyễn Sơn Thái (Black Frog - hiện nổi lên như một người chơi House chuyên biệt) đây là những người nhảy cả Locking và Breaking đều khá là tốt. Đến thời điểm 2006 khi phong trào đi lên khá cao, họ có bổ sung thêm một số người để trở thành nhóm Dance có tên là Big2k6 Crew với hai thể loại Popping và Locking, những cái tên mới bổ sung gồm Vũ Nhọ, Đức Móm, Big Ball, Fat Lock.


Bài biểu diễn của Big2k6 Crew

Tuy nhiên cho đến nay, cùng với Dancer Lại Sao Mai (Mai Tinh Vi – Big Toe Crew) xuất hiện với CunCun Crew (Nhóm nhỏ của Big toe Crew lúc đó) gần như cùng thời điểm với Big2k6, thì chúng ta chỉ còn một lứa Locker ít ỏi như C-Lock, Tony, Harin, Sang (Hải Phòng) vv…vẫn còn nhảy.


Bài biểu diễn của CunCun Crew với một đoạn Locking của Mai Tinh Vi

Tại sao phong trào này trong gần 10 năm qua lắng xuống như vậy, chúng ta cần nhìn lại vào một sự thật. Đó là khi xem nhảy Locking, khán giả chú ý rất nhiều đến nụ cười và phong cách ăn mặc của người nhảy. Đặc trưng nhất phải kể đến tất vằn cao cổ, đội mũ dạ kiểu “bán báo” hoặc mũ phớt và sơ mi khoác ngoài có áo gilê. Có thể nói trong các kiểu nhảy, thì Locking khi lên sàn có phong cách ăn mặc lòe loẹt nhưng chỉnh tề nhất. Tuy nhiên, ngoài trang phục, sự linh hoạt của các cú vảy chân, khóa tay và đẩy hông sẽ chỉ trở nên hiệu quả khi có một nụ cười thật vui nhộn đi theo nó. Chính vì vậy nhiều bước chân khuỳnh khoàng và nụ cười giả tạo đã loại bỏ rất nhiều Dancer ra khỏi ước mơ trở thành một Locker chuẩn mực.


Clip của nhóm O.G The Lockers

Sẽ thật khó để ép ai đó cười trừ phi đó là cảm nhận từ bên trong của họ, điệu nhảy vui nhộn này sẽ chỉ thực sự thành công khi người vũ công thả hồn vào nó. Điều khó hiểu là tại sao trước đây các BBoy/BGirl lại làm rất tốt việc này, còn thế hệ ngày nay chúng ta lại bỏ rơi điều đó, có phải họ chỉ muốn người khác biết mình nhảy hay không, còn bên trong họ không sống với nó và không thấy có niềm vui. Câu trả lời này VHDP không muốn họ nói ra, chỉ muốn họ hãy làm nó trong một trận đấu Locking mà chúng tôi được xem trong tương lai gần nhất.

Nền tảng đã có, những con người tâm huyết vẫn còn đó, thay vì "copy" những điệu nhảy "ăn nhanh" trên mạng xã hội để sớm được nổi tiếng, mong họ hãy chuyên tâm tập luyện những điệu nhảy là gốc của nền văn hóa, là niềm vui, là thử thách để chứng tỏ bản thân. Để cùng chúng tôi, cùng các Locker Việt Nam chung tay xây dựng lại cộng đồng Locking như những hình mẫu thành công khác ở châu Á là Nhật Bản, Đài Loan đã làm được.


Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.