Sau một tá tổ hợp cho mỗi BBoy, trong vỏn vẹn một giờ đồng hồ, phần thi đấu kiểu “phá sức” chẳng giống ai của Breaking tại Sea Game 30 đã khép lại với Huy Chương Bạc cho BBoy LEE (Lê Hữu Phước) của đoàn Việt Nam. Sau giải đấu có lẽ người ta ấn tượng bởi tính thể thao của nó hơn là tính chất nghệ thuật mà Breaking mang lại.
Sẽ còn nhiều tranh cãi quanh giải đấu bởi chính vì nó là lần đầu và mọi cảm giác đều không thỏa đáng. Tuy nhiên gác lại những suy nghĩ trái chiều và nhìn vào cái được mà nó mang lại cho cộng đồng chúng ta là gì, đó chính là cơ hội định danh Breaking trở thành “môn thể thao thành tích cao”, có thể đang là tạm thời đi cùng cái bóng của DanceSport, nhưng dù sao thì đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Đứng sau BBoy LEE trong những ngày qua thực ra cũng là cả một cộng đồng Breaking Việt Nam ngóng chờ không chỉ là màu sắc của tấm Huy chương. Mà họ xem Sea Game lần này, để quyết định sẽ trở thành BBoy/BGirl chuyên nghiệp hay không.
Vậy lý do họ quyết định được căn cứ vào đâu, đó chính là từ những chiếc huy chương theo Nghị định 36/2019/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ ký ngày 29/4/2019. Ngoài những ưu tiên về chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, tạo điều kiện học tập văn hóa, chính trị, đóng các loại bảo hiểm vv..Thì điều quan trọng nhất đã được giải quyết đó là hướng nghiệp và việc làm. Từ lâu chúng ta luôn băn khoăn nhảy xong thì xin việc thế nào khi không có bằng cấp của Breaking, thì hiện nay Điều 7 của Nghị định đã nêu rõ:
1. Vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề thì được hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
2. Vận động viên đạt huy chương tại Olympic Games, ASIAD, SEA Games được ưu tiên:
a) Xét tuyển đặc cách vào làm việc tại các cơ sở thể thao công lập phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng;
b) Được cộng điểm ưu tiên trong tuyển dụng lao động tại các cơ sở thể thao khi có đủ trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng;
c) Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của chức danh nghề nghiệp tương ứng với vị trí việc làm.
Ngoài ra, việc có tên trong danh mục bộ môn thi đấu của một giải đấu chính thức, Breaking cũng có thể thuộc các môn thể thao được ưu tiên đầu tư cho các BGirl theo “Điều 31 Phát triển thể thao thành tích cao” của Luật số 26/2018/QH14 “Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao”, trích dẫn như sau:
1. Thể thao thành tích cao là hoạt động huấn luyện và thi đấu thể thao có hệ thống của huấn luyện viên, vận động viên nhằm đạt được thành tích, kỷ lục thể thao.
2. Nhà nước có chính sách phát triển thể thao thành tích cao, đầu tư tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao, tham gia các giải thể thao quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao; có chính sách đặc thù cho vận động viên nữ, huấn luyện viên nữ trong quá trình tập luyện, thi đấu.”.
BGirl Kastet - Đại diện cho số đông BGirl thành công hiện nay
Như vậy chúng ta đã hiểu được nhiều vấn đề sẽ diễn ra sau những tấm Huy Chương, với Breaking không chỉ là thành tích. Có thể bạn không chọn còn đường Breaking chuyên nghiệp, nhưng dù sao mọi thứ giờ đây cũng đã tốt hơn vì chúng ta có thêm một sự lựa chọn. Sau bài viết này, mọi người sẽ quay lại cuộc sống tập luyện và thi đấu của mình, nhưng âm thầm trong suy nghĩ của họ, sẽ là có một mục tiêu ở rất gần, đó là một tấm huy chương Sea Game hay Thế Vận Hội, hay chí ít vững tin vào một công việc rất đáng tự hào trong tương lai.
*Lưu ý: Bài viết có sử dụng một số hình ảnh từ nguồn trong cộng đồng mạng.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.