Là vũ công thì lấy cảm hứng sáng tạo từ đâu

Là vũ công thì lấy cảm hứng sáng tạo từ đâu

Đôi khi cảm thấy những bước nhảy của bản thân không có gì mới mẻ, cảm thấy chán nản lúc tập luyện, lên ý tưởng, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Và việc luôn duy trì một tâm trí luôn sáng tạo đôi lúc cũng là một vấn đề nan giải đối với các vũ công.

Vậy hãy thử những cách dưới đây có giúp ích gì cho bạn trong quá trình ấy của các bạn không nhé! Và cũng đừng quên chia sẻ thêm với chúng tôi.

1. Xem Video nhảy của người khác


Ở thời đại hiện nay ​​thì YouTube, Facebook, Instagram là người bạn thân nhất của vũ công. Đây cũng là một lợi thế chưa từng có đối với các thế hệ trước. 

Xem Video của các vũ công mình yêu thích hay chỉ đơn giản đón xem những Video tình cờ được phát là cách nhanh chóng và dễ dàng để có được cảm hứng.

Việc xem Video có thể giúp các bạn mở rộng vốn từ vựng bằng cách xem họ sử dụng cơ thể, một cảm giác chuyển động mới hay cách xử lý âm nhạc khác bạn biết và thường làm. Vừa xem vừa phân tích cũng là một cách để tự học hỏi hiệu quả, nâng cấp trình độ của bản thân.

2. Trải nghiệm âm nhạc mới


Âm nhạc luôn được ca ngợi yếu tố quan trọng bậc nhất trong nhảy múa. Khi bạn đi học nhảy, người thầy nào cũng sẽ nói đến điều này. Vì vậy, nó cũng là một trong những điều truyền cảm hứng nhiều nhất đến vũ công. 

Luyện tập với những Playlist khác, xin những người bạn, người anh trong giới. Hoặc tìm kiếm trên nhiều ứng dụng nghe nhạc phổ biến hiện nay như Spotify, Apple Music và Soundcloud, hay đơn giản chỉ là để nó chạy ngẫu nhiên.

Âm nhạc gắn liền với tâm trạng của một người, nó có thể giúp ích để bạn diễn tả những điều bên trong mình dễ dàng, khơi nguồn chuyển động mới. Việc thay đổi nhạc, thể loại hoặc nghệ sĩ có thể khiến đôi tai và tâm trí của bạn đến một cánh cửa khác bạn không nghĩ tới.

3. Trải nghiệm thể loại/kỹ thuật nhảy mới


Lâu ngày không học, cộng thêm vào những điều mới có thể khiến điệu nhảy của chúng ta trông nhàm chán. Kết hợp những điều mới và những điều sẵn có có thể giúp chuyển động nhảy của bạn trông mới mẻ hơn. 

Tuy nhiên đừng quá lạm dụng vì không khéo lại thành ra mỗi thể loại biết một ít, nhưng không “chín” cái nào. Cũng như bắt đầu bằng những điều khiến bạn vui thích và khiến bản thân tò mò sẽ khiến chúng ta cảm thấy vui thích hơn trong quá trình tích nạp.

4. Xem nhiều thứ hơn ngoài nhảy


Nếu bế tắc trong nhảy, hãy thử xem các thể loại sáng tạo khác.

Âm nhạc, thời trang, văn học, phim ảnh – tất cả đều là những tác phẩm nghệ thuật để lấy cảm hứng. Trở thành một vũ công giỏi không có nghĩa là bạn phải nhảy và chỉ nhảy 24/7. Những loại hình nghệ thuật trên tất cả đều là thức ăn cho tâm trí tò mò và sáng tạo của mỗi người!

5. Thể hiện bản thân rõ ràng hơn


Nhảy múa như một loại ngôn ngữ không cần dùng tới lời nói. Đôi khi chúng ta nhảy chẳng vì gì sâu xa mà chỉ vì chúng ta yêu nó. Chúng ta nhảy vì có nhu cầu thể hiện, nhu cầu sáng tạo, nhu cầu được là chính mình qua hình thức nghệ thuật nhảy

Tự truyền cảm hứng cho chính mình, bạn đã từng thử?

Hãy nghĩ về những nỗi thất vọng hiện tại ở công việc, trường học hoặc các vấn đề trong mối quan hệ,... hay trạng thái tinh thần hiện tại của bạn.

Nhận thức rõ hơn về bản thân và hòa hợp với bản thân, sẽ giúp bạn tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chân thực chứ không chỉ để thi đấu hay biểu diễn hay các mục đích thương mại khác.

Cho phép bản thân di chuyển với sự tự do và trong sáng. Thì đằng sau những bước di chuyển của bạn đều có ý nghĩa, có câu chuyện, có sức mạnh và mục đích.

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.