BGirl Shun, BGirl Tinie Rawk - “Không chỉ đấu cho mình nữa mà còn là vì màu cờ Tổ Quốc”

BGirl Shun, BGirl Tinie Rawk - “Không chỉ đấu cho mình nữa mà còn là vì màu cờ Tổ Quốc”

Chúc mừng Shun và Tinie Rawk đã xuất sắc giành được hai tấm huy chương vàng và bạc của SEA Games 32. Quả là một thành quả rất đáng ngạc nhiên và khâm phục với cộng đồng Breaking Việt Nam.

Hôm nay thân mời các bạn cùng VHĐP giao lưu với hai “cường nữ” Breaking của chúng ta nhé!

VHĐP: Hai bạn có thể giới thiệu sơ qua về bản thân mình không? (Tên, thể loại nhảy, thời gian tập luyện, đến từ nhóm nào hay phương châm nhảy, đam mê và cuộc sống,…)

Shun: Mình tên là Trần Huỳnh Như, Nickname Shun, thể loại nhảy mình theo đuổi là Breaking. Mình bắt đầu tập vào khoảng cuối 2016 và đến từ nhóm Good Morning Việt Nam Crew. 

Về phương châm nhảy thì mình chỉ muốn tìm kiếm sự thoải mái và tận hưởng được là chính mình khi nhảy, tận hưởng mọi khó khăn và thách thức mà Breaking mang lại cho mình.

Tinie Rawk: Mình tên thật là Nguyễn Thị Hồng Trâm, Nickname khi đi nhảy là BGirl Tinie Rawk. Mình đã tập Breaking được 12 năm. 

Phương châm nhảy của mình là: Luôn học hỏi, khám phá bản thân. Ngày nào còn được đi tập, đi đấu là ngày đó còn được hạnh phúc!

VHĐP: Cảm giác thi đấu tại SEA Games khác gì các sàn đấu chuyên Hip Hop?

Shun: SEA Games là một cuộc thi giữa các nước tại Đông Nam Á, và khi bước lên sàn đấu thì bản thân mình không chỉ đấu cho mình nữa mà còn là vì màu cờ Tổ Quốc. Mình đã cảm thấy vừa tự hào vừa rất lo lắng khi đứng trên sàn đấu SEA Games.

Tinie Rawk: Mình thấy run, hồi hộp, lo lắng là những cảm giác đầu tiên khi đứng trên sàn SEA Games. 

Về nghĩa đen: Trước giờ mình cũng đứng trên sàn đấu lớn khá nhiều, tuy nhiên chưa có sàn nào to và rộng như vậy. Trong khi mình cao có 1m50, cái sàn đó dường như nuốt chửng mình luôn. Tụi mình phải nhảy làm sao để ko bị đứng một chỗ, để người xem không bị chán. Điều đó khá mệt, vì phải dùng nhiều sức hơn. Khi mình nói chuyện với các bạn nước khác cũng vậy, sàn to không phải vấn đề riêng của tụi mình. 

Về nghĩa bóng: SEA Games là sàn đấu mà ở đây tụi mình không chỉ đại diện cho chính mình hay cho nhóm nữa, mà là vì màu cờ sắc áo, vì vậy tụi mình áp lực hơn. Tuy nhiên đấy chính là động lực khiến mình phải cố gắng, tập trung cho mỗi trận đấu.



VHĐP: Kỉ niệm khó quên nhất trong quá trình tập luyện và đi thi đấu là gì?

Shun: Kỉ niệm mà mình khó quên nhất là trước khi thi đấu 1 tháng mình bị chấn thương vai phải đến nổi không nhấc tay lên được. Mình phải đi trị liệu trong vòng nửa tháng, khoảng thời gian đó mình tập Cardio, đồng thời thay đổi tổ hợp (Set nhảy) để ít sử dụng tay phải nhất có thể. Và luôn luôn tập vào lúc 9 giờ sáng mỗi ngày hahaha.

Một kỉ niệm nữa cũng cực kỳ đáng nhớ là mình làm mất Passport trước khi lên máy bay đi Cambodia thi đấu.

Tinie Rawk: Với mình là những khoảnh khắc tập được những động tác khó, những khoảnh khắc tập luyện với đồng đội, cãi vã rồi lại vui vẻ, cùng chiến thắng trong các trận đấu, rất nhiều khoảnh khắc trong suốt thời gian đi tập mà mình không thể kể hết được trong một bài viết. Nhưng để có được những gì hôm nay thì mình luôn trân trọng những gì đã trải qua bằng sự biết ơn. Dù là khó khăn hay thành công, chúng đều góp phần vào hành trình của mình.


VHĐP: Là một BGirl, các bạn nghĩ mặt hạn chế và cả ưu thế so với các BBoy là gì? 

Shun: BGirl hay BBoy đều có thế mạnh và hạn chế riêng. Mình không đem bản thân ra so sánh ở những điểm hạn chế. Mindset của mình khi mình tập luyện là hiểu bản thân mình mạnh về điểm gì và tập trung phát triển hơn, điểm yếu của bản thân như thế nào để khắc phục.

Mình không bao giờ đem mình ra so sánh với các bạn BBoy hay BGirl khác.

Tinie Rawk: Là một BGirl, các bạn nghĩ mặt hạn chế và cả ưu thế so với các BBoy: Đối với mình đã là nhưng con người yêu nhảy nói riêng và yêu nghệ thuật nói chung, thì không giới hạn giới tính, độ tuổi. Nhiều người nhìn vào sẽ thấy Breaking khá khó nhằn với BGirl vì nó cần dùng nhiều sức lực hơn với những động tác nguy hiểm. Nhưng chỉ cần đam mê, quyết tâm và sự yêu thích thì BGirl vẫn có thể làm được những gì BBoy làm, hoặc thậm chí cũng là động tác đó mà BGirl thêm vào đấy cái chất nữ tính thì đã rất khác biệt rồi. 

Với lại Breaking có rất nhiều tiêu chí không chỉ nằm ở động tác khó hoặc cần nhiều sức mạnh. Ở các trận đấu chung, không phân biệt BBoy hay BGirl, thang điểm chấm vẫn như nhau, và ở các trận đấu đó BGirl cũng đã giành chiến thắng rất nhiều. Chung quy lại BBoy hay BGirl đều đến với Breaking bằng đam mê, mỗi người sẽ có cách thể hiện riêng của mình. 


VHĐP: Được biết Shun đã nghỉ công việc để tập trung cho Breaking và thi đấu. Điều gì đã khiến bạn đưa ra quyết định này, và điều gì là khó khăn nhất trong quá trình thực hiện?

Shun: Mình nhìn thấy được nếu tập trung 100% cho nó thì mình chắc chắn làm được. Nên mình đã nghỉ việc để nhảy, và vì mình cũng đã đạt được một chút xíu thành tựu.


VHĐP: Được biết Tinie đã lập gia đình gần đây. Tinie nghĩ mình sẽ tiếp tục nhảy Breaking trong bao lâu nữa hay có bao giờ nghĩ đến việc sẽ làm một công việc khác khi có con hay phải chăm lo cho “các câu chuyện” trong gia đình không?

Tinie Rawk: Việc nghĩ mình sẽ tiếp tục nhảy Breaking trong bao lâu nữa thì chẳng khác nào giới hạn mình trong một quãng thời gian cố định cả. Có thể hôm nay mình vẫn yêu nhảy, có thể đi nhảy. Nhưng ngày mai mình thức dậy cảm giác uể oải, không muốn đi nhảy nữa. Mình không muốn nói trước điều gì, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Như mình nói ngay từ đầu, ngày nào còn được nhảy là ngày đó còn hạnh phúc. Mình may mắn rằng có chồng cũng là một BBoy thuộc Bigtoe Crew, nên mình được sự ủng hộ, cổ vũ, đưa ra những lời khuyên trong quá trình tập luyện rất nhiều. 

Tuy nhiên, bật mí với các bạn rằng: Mình không có sự chấp nhận từ phía gia đình ngay từ khi bắt đầu tập nhảy, cho đến tận nay vẫn không biết có được ủng hộ hay không. Sau khi có kết quả SEA Games, chồng mình cùng nhiều bạn bè, anh em xung quanh đã ủng hộ, thúc đẩy mình thú nhận với gia đình. Vì trước đây khi đến với nhảy, gia đình mình sợ mình ko có chồng, không có công ăn việc làm ổn định. Nhưng bây giờ mình đã có những điều đó như mong muốn rồi. Mình cũng đang rất phân vân, chưa dám mở lời. Vì rất nhiều giải đấu lớn mình có kết quả tốt rất muốn gia đình xem và cùng chia sẻ niềm vui, thấy các anh em xung quanh gọi điện thông báo gia đình kết quả rất vui. Tuy nhiên, đối với mình lại là điều xa xỉ.

Các bạn thấy sao nếu mình gọi thông báo và thú nhận với gia đình?


VHĐP: Hai bạn có thể gửi một lời nhắn gửi đến các BGirl và cộng đồng Breaking Việt Nam để mọi người tiếp tục vững bước không?

Shun: Mình đã liên tục tập luyện 7 năm để có cơ hội tỏa sáng như ngày hôm nay. Nếu các bạn đang trong quá trình thì đừng bỏ cuộc. Cố gắng đủ nhiều thì thời cũng sẽ tới thôi!

Tinie Rawk: Hãy giữ vững đam mê! Không chỉ riêng Breaking, hay các thể loại nhảy khác, hay bất kì việc gì mà bạn yêu thích, ở nơi mà bạn là chính mình, được hạnh phúc mỗi ngày thì hãy theo đuổi nó đến cùng. 

Không phải ai cũng tìm ra được đam mê của mình, có thể sẽ khó khăn nhưng tin mình đi khi bạn cố gắng thì kết quả bạn nhận lại nó sẽ đáng giá rất nhiều.

Cảm ơn Shun và Tinie đã dành thời gian chia sẻ với các độc giả của VHĐP. Chúc các bạn luôn tươi trẻ, nhiều sức khoẻ để sống trọn với tuổi thanh xuân của mình.

Love,

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.