Bài viết được biên dịch từ tài liệu “Why bots make it so hard to buy Nikes” của CNBC. Anh em có thể truy cập đường link để có cái nhìn cận cảnh nhé!
…
Sneakers là một trong những món đồ sưu tầm được săn đón nhiều nhất, và hiện chúng cũng là mục tiêu của những “kẻ đầu cơ”.
Theo số liệu được công bố bởi Grand View Research, ngành công nghiệp Sneakers trị giá lên đến 86 tỷ đô la, và dự đoán sẽ đạt 128 tỷ đô la vào năm 2030. Thị trường mua đi bán lại (Resale Market) cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, và theo Cowen Research ước tính nó sẽ có giá trị hơn 30 tỷ đô la vào cuối thập kỷ.
Sự tăng trưởng đáng mơ ước này biến Sneakers trở thành mục tiêu của những con Bot, hay những ứng dụng công nghệ tiên tiến (ý tác giả muốn nói tình trạng Camp giày Online bằng những con Bot gây xôn xao trong những năm gần đây). Sneaker Bot có thể đẩy nhanh quá trình thanh toán Online, tự động chực chờ trên Web để mua giày, và thậm chí là tự động điền thông tin thanh toán.
Sneaker Bot trở nên phổ biến từ năm 2012, khi Nike phát hành đôi Air Jordan 9 "Doernbecher" trên Twitter. Nike yêu cầu người mua phải nhắn tin cho trực tiếp để đặt trước đôi giày. Những gì diễn ra sau đó là sự ra đời của những con Bot biết tự động nhắn tin cho Nike mỗi khi nó tìm thấy những từ khóa như “RSVP now” hay “Doernbecher”. Bot hoạt động nhanh hơn con người gấp nhiều lần, khiến cho nhiều khách hàng có nhu cầu thật sự bị trượt mất cơ hội để mua phiên bản Air Jordan 9 này.
Nike Air Jordan 9 "Doernbecher"
Sneaker Bot hiện đang trở thành một công việc kinh doanh béo bở cho những kẻ đứng sau vận hành chúng.
“Trong năm 2022, tôi đã kiếm được hơn 2 tỷ đồng tiền lợi nhuận” - phát ngôn gây chấn động được tuyên bố bởi Botter Boy Nove, hiện đang vận hành Sneaker Bot và đồng thời cũng là một Youtuber. Hiện người này đang hoạt động ẩn danh và chẳng ai biết anh là ai.
Jesper Essendrop, CEO của Queue-it - đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát lưu lượng truy cập vào trang Web trên Internet nói rằng từ 40 đến 95% lượng Traffic truy cập vào một trang Web bán giày là những con Bot. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có đạo luật rõ ràng nào quy định việc cấm sử dụng Bot để mua Sneaker Online, nên vụ việc cứ thế mà tiếp diễn.
Ảnh minh hoạ
Trang web và ứng dụng của những ông lớn như Nike, adidas, New Balance vẫn luôn phải gánh chịu sự đổ bộ của những con Bot kiểu này. Lấy ví dụ như đối với SNKRS, người mua có thể điền thông tin, sau đó Nike sẽ chọn ngẫu nhiên những khách hàng cơ hội mua giày, tuy nhiên rất nhiều “khách hàng” trong số đó thật ra lại là những con Bot.
Nike cũng nói thêm rằng những con Bot có thể chiếm từ 10 đến 50% trong các đợt phát hành giày Online. Lấy ví dụ trong năm 2023, đợt ra mắt đôi Travis Scott x Air Jordan Low OG “Olive” trên Web có đến hơn 50% lượt truy cập là của Bot. Tuy nhiên “the Swoosh” cũng nói rằng họ có thể loại trừ hơn 98% số lượng Bot trong những đợt phát hành được nhiều người quan tâm nhằm đảm bảo sự công bằng.
…
Sự thật thì đúng như tài liệu này nói, Bot từ lâu đã trở thành vấn nạn làm đau đầu người tiêu dùng. Không riêng gì Sneaker, những đợt phát hành tác phẩm nghệ thuật, quần áo, thậm chí là đồ da dụng cũng có sự xuất hiện của những con Bot. Chúng có khả năng mua một lượng lớn hàng hoá Online trong thời gian ngắn, khiến cho những khách hàng thật sự có nhu cầu không thể mua được hàng hóa mong muốn. Từ đó họ phải đi mua ở thị trường Resale, và người bán trên thị trường này là ai? Dĩ nhiên là những người vận hành các con Bot khó chịu này.
Thương mại điện tử mở ra cơ hội để giao thương quốc tế, giúp chúng ta mua hàng hoá bằng một cú Click chuột, tuy nhiên nó cũng kéo theo những vấn đề nan giải khác, mà Bot chính là ví dụ điển hình. Và hiện chúng ta vẫn chưa có cách nào để giải quyết triệt để chúng.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.