Tại sao nhảy múa cũng quan trọng như toán ở trường học?

Tại sao nhảy múa cũng quan trọng như toán ở trường học?

Bài viết được đăng tải trên Ted - một trong những tổ chức uy tín về giáo dục và phát triển con người trên thế giới.

Nhảy - và các hoạt động thể chất - phải có vị thế tương tự trong trường học như toán học, khoa học và ngôn ngữ. Thậm chí nó có thể giúp nâng cao điểm kiểm tra của các môn học - Mr Ken Robinson.

Tôi đã là nhà người bảo trợ cho Trường Múa Đương đại London trong nhiều năm. Và vào năm 2016, tôi được mời đến một buổi thuyết trình thường niên để vinh danh hiệu trưởng sáng lập Robert Cohan, và tôi đã quyết định nói về vai trò của nhảy múa trong trường học.

Trước khi thuyết trình, tôi đã lên Twitter để chia sẻ: “Tại sao nhảy múa lại quan trọng như toán học trong giáo dục”. Và tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, cũng như một số phản hồi tiêu cực về điều này.

Một dòng Tweet trả lời viết: “Đây chẳng phải sẽ là một trong những bài giảng ngắn nhất từ ​​trước đến nay sao?”. Một người khác nói thẳng: “Ken, nhảy múa không quan trọng bằng toán đâu.” Một số lại trả lời: “Vậy à? Quan trọng cho cái gì và cho ai? “Nhân tiện, tôi là giáo viên dạy toán.”

Tôi không hề phản đối toán học - nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sáng tạo vĩ đại của trí tuệ con người. Nó còn liên quan mật thiết đến nhảy múa. Mà thay vào đó, tôi muốn lập luận về sự công bằng trong việc giáo dục trẻ em một cách toàn diện. Tôi đang nói về tầm quan trọng ngang nhau của nhảy múa với các môn nghệ thuật khác, với ngôn ngữ, toán học, khoa học và nhân văn trong nền giáo dục phổ thông của mọi trẻ em.

“Nhảy múa có thể giúp khôi phục lại niềm vui và sự ổn định trong những cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn. Cũng như giảm bớt căng thẳng trong môi trường trường học với những sự bạo lực và bắt nạt.”


Vậy thì nhảy múa là gì? Nó là sự thể hiện thể chất, cảm xúc, ý tưởng thông qua những chuyển động và nhịp điệu. Không ai phát minh ra nhảy múa. Nó nằm sâu trong mọi nền văn hóa xuyên suốt lịch sử; nhảy múa là một phần nhịp đập của nhân loại. Nhảy múa bao gồm nhiều thể loại, phong cách, truyền thống và không ngừng được phát triển. Vai trò của nó có thể bao gồm từ giải trí đến thiêng liêng, và với mọi hình thức, mục đích xã hội.

Một số người trên thế giới từ lâu đã hiểu rằng nhảy múa là một phần thiết yếu của cuộc sống và giáo dục. Trong cuốn sách Giáo dục nhảy múa trên toàn thế giới: Quan điểm về Nhảy múa, Người trẻ và Sự thay đổi (Dance Education around the World: Perspectives on Dance, Young People and Change), các nhà nghiên cứu Charlotte Svendler Nielsen và Stephanie Burridge đã tập hợp những nghiên cứu gần đây về giá trị của nhảy múa trong mọi bối cảnh: từ Phần Lan đến Nam Phi, từ Ghana đến Đài Loan, từ New Zealand đến Mỹ. 

Vị thế thấp của nhảy múa trong trường học một phần bắt nguồn từ vị thế cao của việc học thông thường, nơi chủ yếu liên kết trí thông minh với việc lý luận bằng lời nói và toán học. Các nghiên cứu do Nielsen và Burridge đã thu thập những khám phá cách hiểu sâu hơn về nhảy múa, thách thức các quan niệm tiêu chuẩn về trí thông minh và thành tích, đồng thời cho thấy sức mạnh thay đổi của chuyển động đối với mọi người ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh. Nhảy múa có thể giúp khôi phục lại niềm vui và sự ổn định trong những cuộc sống đang gặp nhiều khó khăn. Cũng như giảm bớt căng thẳng trong môi trường trường học với những sự bạo lực và bắt nạt.

Một số công ty nhảy múa chuyên nghiệp cung cấp các chương trình cho trường học. Một trong số đó là Dancing Classrooms, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thành phố New York, nơi chuyên đưa nhảy múa vào các trường tiểu học và trung học cơ sở ở một số quận khó khăn nhất trong nước. Thông qua nhảy múa, tổ chức mong muốn cải thiện các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là giữa các giới tính, và làm phong phú thêm văn hóa ở trường học bằng cách nuôi dưỡng sự hợp tác, sự tôn trọng và lòng trắc ẩn của trẻ em. Được thành lập vào năm 1994 bởi vũ công Pierre Dulaine, chương trình hiện cung cấp cho mỗi trường 20 buổi trong 10 tuần, và kết thúc bằng một buổi biểu diễn.

Toni Walker, cựu hiệu trưởng Trường Tiểu học Lehigh ở Florida đã chia sẻ câu chuyện này khi làm việc với Dancing Classrooms như sau: “Có một cô bé mà khi lần đầu đến Lehigh, hồ sơ về cô ấy có lẽ phải dày hơn 5 cm. Cảm thấy cô bé ấy luôn phải chứng minh bản thân và muốn mọi người biết rằng mình sẽ phản kháng lại bất cứ lúc nào. Ban đầu cô bé không muốn tham gia lớp học nhảy… tuy nhiên cô bé không được lựa chọn điều này. Chẳng bao lâu sau, cô nhận ra mình có năng khiếu bẩm sinh. và trong những giờ học tiếp theo, cô bé bắt đầu có thái độ hơi khác một chút, và chúng tôi không cần phải gay gắt với cô bé để cô nhảy nữa” - Walker nhớ lại.

Rồi đến giờ học thứ ba và thứ tư, học sinh ấy đã thay đổi: “Cô bé cư xử khác hẳn; cách cô bé nói cũng khác hẳn; tốt bụng hơn; tôn trọng hơn; cô bé cũng chưa từng bị phạt lần nào, không một lần nào cả. Và mẹ cô không thể tin vào những gì mình nhìn thấy. Thật tuyệt vời. Chương trình này tuyệt hơn nhiều so với những gì mọi người hiểu.”

“Trong một đánh giá, 95% giáo viên nói rằng nhờ nhảy cùng nhau, khả năng hợp tác và cộng tác của học sinh được cải thiện.”

Giáo dục nhảy múa có những lợi ích quan trọng đối với các mối quan hệ xã hội của học sinh, đặc biệt là giữa các giới tính và nhóm tuổi. Nhiều hình thức nhảy múa, bao gồm cả Ballroom, vốn mang tính xã hội. Di chuyển cùng nhau, đồng bộ và đồng cảm, với sự tiếp xúc trực tiếp về thể chất. Trong một đánh giá của Dancing Classrooms ở thành phố New York, 95% giáo viên nói rằng nhờ nhảy múa cùng nhau, khả năng hợp tác và cộng tác của học sinh đã được cải thiện rõ rệt. Trong một cuộc khảo sát ở Los Angeles, 66% hiệu trưởng các trường nói rằng sau khi tham gia chương trình, học sinh của họ ngày càng chấp nhận người khác hơn, 81% học sinh cho biết họ đối xử với người khác tôn trọng hơn. Nhảy múa cũng có lợi ích kinh tế nữa. Ngoài vai trò là một lĩnh vực việc làm, nhảy múa còn giúp phát huy nhiều phẩm chất của cá nhân mà nhà tuyển dụng công nhận là cần thiết đối với lực lượng lao động có khả năng hợp tác và thích nghi.

Một hiệu trưởng đặc biệt ấn tượng trước sự cải thiện về điểm đọc và toán của học sinh lớp năm trường mình như sau: Không có nghi ngờ gì về tác động của nhảy múa đến con em chúng ta nữa cả. Khi tôi mới đến đây, các em đã trượt môn này. Rồi năm ngoái là năm thứ hai chúng tôi tham gia chương trình - tỷ lệ đậu đạt tới 83%. Năm nay, lớp năm của chúng tôi đạt 85% trong bài kiểm tra đọc, cao nhất toàn trường.”

“Nhảy múa và sân khấu hầu hết được coi là hạng hai trong trường học”. 

Tất nhiên không chỉ nhảy múa. Thành công của Dancing Classrooms là một ví dụ về mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và thành tích học tập. Xu hướng ở hầu hết các trường học ở Hoa Kỳ là cắt giảm các chương trình giáo dục thể chất và các chương trình tương tự để tăng thời gian cho môn toán, khoa học và tiếng Anh. Những biện pháp này đã không cải thiện thành tích như nhiều nhà hoạch định chính sách đã giả định.

Một nhóm các nhà nghiên cứu về vận động học và nhi khoa đã tiến hành đánh giá tổng thể hơn 850 nghiên cứu về tác động của hoạt động thể chất đối với trẻ em trong độ tuổi đi học. Hầu hết các nghiên cứu đã đo lường tác động của từ 30 đến 45 phút hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mẽ, trong từ ba đến năm ngày một tuần, đối với nhiều yếu tố - các yếu tố thể chất như béo phì, sức khỏe tim mạch, huyết áp và mật độ xương, cũng như trầm cảm, lo âu, nhận thức về bản thân, và kết quả học tập. Dựa trên bằng chứng về một số hạng mục này, hội thảo đặc biệt khuyến nghị học sinh nên tham gia một giờ (hoặc hơn) các hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mẽ mỗi ngày. Nhìn cụ thể vào kết quả học tập, hội thảo đã tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ kết luận rằng “hoạt động thể chất có ảnh hưởng tích cực đến trí nhớ, sự tập trung và hành vi trong lớp học”.

Hầu hết trẻ em ở các trường công lập ở Mỹ được giáo dục về âm nhạc và nghệ thuật thị giác. Nhưng nhảy múa và sân khấu hầu hết được coi là hạng hai, và cơ hội trong nghệ thuật nói chung là thấp nhất đối với học sinh ở những vùng có tỷ lệ nghèo cao. “Vẫn còn hàng triệu học sinh không được tiếp cận với bất kỳ chương trình giảng dạy nghệ thuật nào. Nhiều người thuộc các cộng đồng nghèo hơn của chúng tôi, nơi các chương trình nghệ thuật thật ra là cần thiết nhất.” - Bob Morrison, người sáng lập và giám đốc của Quadrant Research.

Liệu có ổn không nếu hàng triệu học sinh không được tiếp cận với môn toán hoặc ngữ văn? anh ấy hỏi. “Tất nhiên là không, và điều đó không nên được dung thứ trong nghệ thuật. Có một quan niệm sai lầm dai dẳng rằng giáo dục nghệ thuật chỉ dành cho những người có năng khiếu và tài năng. Nhưng chúng tôi biết rằng nghệ thuật mang lại lợi ích cho tất cả mọi người bất kể con đường nghề nghiệp của họ như thế nào” ông nói. “Chúng tôi không dạy toán chỉ để tạo ra các nhà toán học, và chúng tôi không dạy viết chỉ để tạo ra thế hệ nhà văn tiếp theo. Điều tương tự cũng đúng với nghệ thuật. “Chúng tôi dạy nghệ thuật để tạo ra những công dân toàn diện, những người có thể áp dụng các kỹ năng, kiến ​​thức và kinh nghiệm nghệ thuật vào sự nghiệp và cuộc sống của họ.”

Trích từ cuốn sách You, Your Child and School: Navigate Your Way to the Best Education bởi Ken Robinson và Lou Aronica.


GIỚI THIỆU TÁC GIẢ

Ngài Ken Robinson là nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực cải cách giáo dục và là tác giả sách bán chạy nhất của New York Times. Giáo sư danh dự tại Đại học Warwick ở Anh, ông tư vấn cho các chính phủ, tập đoàn, hệ thống giáo dục và một số tổ chức văn hóa hàng đầu thế giới.

Lou Aronica là tác giả của bốn cuốn tiểu thuyết và đồng tác giả của một số tác phẩm: "The Culture Code" (with Clotaire Rapaille), "The Element" and "Finding Your Element."


Nguồn: TED

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.