
Anh này nhảy “Raw” quá! Style “Raw” thế nhỉ!
“Raw” - Tính từ đang được sử dụng phổ biến để miêu tả phong cách, tác phẩm hay một nghệ sĩ ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Dù không phải mới xuất hiện, nhưng “Raw style”, “Raw art” ngày càng được ưa chuộng nhiều hơn, bởi sự tác động mạnh mẽ đến cảm xúc người xem.
Vậy “Raw” là gì trong nghệ thuật nói chung và nhảy múa nói riêng, cũng như xuất hiện từ khi nào…
1. “Raw” là gì?
"Raw" là một tính từ tiếng Anh, mang ý nghĩa thô, nguyên bản, chưa qua xử lý,... Tùy vào ngữ cảnh sử dụng mà từ này có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng điểm chung đều chỉ đến sự nguyên sơ, tự nhiên, không màu mè.
2. “Raw” trong nghệ thuật?
Khi nhận xét một tác phẩm nghệ thuật là “Raw”, người ta muốn nhấn mạnh đến sự tự nhiên của tác phẩm, nghệ sĩ đó. Có thể hiểu, những tác phẩm này chưa qua chỉnh sửa, hoặc bị ảnh hưởng bởi các chuẩn mực, mục tiêu, định kiến xã hội hay kỹ thuật hàn lâm.
Đại khái là nó rất “Thật”.
Và chính sự "chưa qua chế biến" này làm cho tác phẩm trở nên độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ. Vì vậy, những tác phẩm này thường chạm mạnh mẽ đến cảm xúc người xem, mang lại sự đồng cảm, chạm vào tâm hồn của khán giả một cách sâu sắc.
Nói rộng hơn, "raw" trong nghệ thuật không chỉ là sự mô tả về chất liệu hay kỹ thuật, mà như một tuyên ngôn về sự tự do, nơi nghệ sĩ bộc lộ tâm hồn một cách chân thực nhất, mà không bị ràng buộc.
Khi nói về “Raw”, ta thường nói về cảm giác nhiều hơn.
3. Định nghĩa “Raw art” đầu tiên xuất hiện từ khi nào?
Định nghĩa Raw Art hay Art Brut lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1945 do nghệ sĩ người Pháp Jean Dubuffet đặt ra (trong mỹ thuật). Sau khi ghé thăm nhiều bệnh viện tâm thần ở châu Âu và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật mang tính tự phát, đầy cảm xúc thô sơ, Dubuffet nhận ra rằng có một dạng nghệ thuật hoàn toàn khác biệt, không bị chi phối bởi các quy tắc hàn lâm hay xu hướng thị trường. Ông gọi đó là Art Brut, có nghĩa là Nghệ thuật Thô hay Raw Art.
Những người này sáng tạo nghệ thuật không phải để tìm kiếm sự công nhận, danh tiếng hay lợi nhuận, mà đơn thuần là để giải tỏa cảm xúc, diễn đạt suy nghĩ cá nhân. Đôi khi, họ còn không biết mình đang sáng tạo nghệ thuật.
4. “Raw” trong nhảy múa
Khi một dancer được nhận xét là "raw," điều đó có nghĩa là họ nhảy với tất cả cảm xúc nguyên bản và năng lượng thật của mình. Mỗi chuyển động không chỉ có kỹ thuật, mà nó là sự bộc lộ tâm hồn, cá tính riêng, và trải nghiệm cuộc sống cá nhân.
Nó không cần phải hoàn hảo theo tiêu chuẩn, nhưng mang đậm cảm xúc.
Thay vì mang lại sự choáng ngợp về mặt thị giác, “Raw style” chạm đến cảm xúc mọi người một cách sống động nhất.
5. Tại sao mọi người lại thích ‘Raw”
Giữa một thế giới đầy rẫy những mục tiêu và áp lực, đôi khi mọi người có xu hướng yêu thích những gì mang tính tự nhiên, không nhào nặn, không bị pha tạp.
Những tác phẩm hay nghệ sĩ “Raw” giúp vỗ về cảm xúc khán giả, mang lại cảm giác gần gũi, trong sáng và thuần khiết.
Họ cảm thấy như mình được chia sẻ một phần tâm hồn, kết nối - chân thành.
“Raw style” mang lại cảm giác tự do, gần gũi,... mà nhiều người luôn mong muốn tìm về nhưng không thể.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.