Gần đây VHĐP đã tiến hành một khảo sát mang tên: “Nghệ sĩ là người có sẵn năng khiếu hay là do luyện tập mà thành, hay cả hai?”. Cuộc khảo sát đã nhận được nhiều sự quan tâm cũng như phản hồi rất thú vị từ các nghệ sĩ đường phố ở khắp các bộ môn lẫn người quan tâm. Mà trong đó đa số mọi người đều cho rằng việc kiên trì tập luyện chính là kim chỉ nam trong hành trình hình thành nên một nghệ sĩ!
Một số nghiên cứu khoa học cũng như quan sát thực tiễn trên nhiều cá nhân cũng cho thấy một kết luận: Nghệ sĩ là những người được tạo nên chứ không phải sinh ra sẵn có!
Vậy để làm rõ câu chủ đề này, chúng ta cùng đi sâu vào hai khái niệm về năng khiếu, sự nỗ lực và nghệ sĩ nhé!
1. Chat GPT
Theo Chat GPT: Đa số thường tin rằng một số người sinh ra đã có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh. Trong khi những người khác có thể phát triển kỹ năng của mình thông qua việc luyện tập và giáo dục. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, chẳng hạn như Van Gogh và Picasso tuy không được đào tạo bài bản, nhưng lại có thể tạo ra những kiệt tác nhờ sự chăm chỉ và quyết tâm. Mặt khác, nhiều nghệ sĩ cũng đã thành công qua việc học tại các trường nghệ thuật và sau nhiều năm hành nghề. Vì vậy, chính sự kết hợp giữa “bản chất tự nhiên" và “sự nuôi dưỡng” sẽ hỗ trợ một người trở thành một nghệ sĩ!
2. Năng khiếu
Tuy rằng có nhiều quan điểm cho rằng luyện tập là tất cả, nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại của năng khiếu. Bởi thật chất mỗi người sinh ra đều có sở thích, mối quan tâm, thiên hướng riêng. Không thể bắt một con cá leo cây! Sẽ dễ dàng hơn nếu một người hiểu biết về thiên hướng của mình và phát triển chúng.
Ví dụ: Người có thiên hướng nhảy múa sẽ có sự cảm âm và cơ thể linh động hơn khi mới học. Hoặc có người lại có sẵn tư duy màu sắc và khả năng quan sát tốt khi học vẽ. Hay người có đầu óc sắp xếp Logic khi học các môn khoa học,...
Tuy nhiên, năng khiếu chỉ có lợi ở khoảng thời gian đầu khi mới tiếp cận một bộ môn. Quá trình tiếp thu cảm nhận kiến thức có thể nhanh chóng hơn những người không có năng khiếu. Người có năng khiếu đôi khi cũng bị ngủ quên trên chiến thắng, bỏ bê việc luyện tập và không chấp nhận được những khoảnh khắc thất bại.
Với người không có năng khiếu, thời điểm bắt đầu của họ có phần vất vả, khó khăn hơn. Nhưng đây cũng chính là lúc mà ý chí tập luyện lên tiếng, cũng là điều giúp một người đi được đường dài. Cũng là yếu tố định hình nên một con người thành công về sau.
3. Luyện tập
Trong thực tế, không ít nghệ sĩ cho rằng bản thân khi xuất phát điểm không hề có năng khiếu và phải trầy trật lắm mới đi được từng nhỏ xíu. Thế nhưng kết quả về lâu về dài lại cho thấy họ chính là những người làm nên chuyện, thậm chí là thành công vượt bậc sau này. Tất cả là nhờ vào sự luyện tập. Nhờ vào ý chí.
Khi một người bắt đầu nỗ lực với một điều gì đó và dần tạo ra kết quả, nó cũng tạo thêm niềm yêu thích với bộ môn đó và quá trình này lại cứ được tiếp tục!
Bên cạnh đó, những nghệ sĩ có năng khiếu bẩm sinh cũng không phải mở mắt là làm nên được những tác phẩm khủng khiếp. Mà trong quá trình trau dồi, học hỏi, khả năng của họ mới được nâng tầm từ những cảm nhận sơ khai ban đầu, biết cách sử dụng nó tốt hơn.
Tóm lại, luyện tập hoàn thiện một con người, giúp họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
4. Kết luận
Con người thường phát huy sức mạnh thực sự qua những hoàn cảnh ngặt nghèo, qua nỗi buồn cũng như sự cay cú! Mà ở đây, tác giả rất thích dùng cụm từ “sự phi thường của con người" để miêu tả sự cố gắng.
Người thiếu năng khiếu hay có sẵn năng khiếu mà không duy trì luyện tập thì cũng bằng “Không”. Nếu may mắn chúng ta sẽ gặp được những người hướng dẫn hay thầy cô giáo có tâm để nhìn ra điều đó và có những sự chỉ dẫn, lời khuyên hợp lý cho từng cá nhân.
Hoặc chính chúng ta cũng sẽ tự vỡ lẽ ra sau những thất bại.
Chia sẻ của Dancer Ben Phan
Điều quan trọng nhất là sự hiểu biết về bản thân! Biết mình mạnh yếu ở đâu cũng như phù hợp với điều gì để phát triển vẫn là điều căn cốt nhất.
Vững tin, kiên trì là những đức tính mà khi VHĐP phỏng vấn các nghệ sĩ thì họ đều có những câu trả lời giống nhau về những đặc tính cần thiết khi tham gia một bộ môn, ngành nghề.
Vì vậy, nếu bạn muốn sáng tạo nghệ thuật nhưng nghĩ mình không có năng khiếu thì đừng vội nản lòng, bởi luyện tập có thể tạo nên sự hoàn hảo!
Tác giả: Minus
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.