Mở Studio dạy nhảy – Điều gì quan trọng nhất

Mở Studio dạy nhảy – Điều gì quan trọng nhất

Tháng 8/2019 vừa qua, cô bé Du Thư Kỳ 11 tuổi, người nắm trong tay vô số các giải thưởng dành cho Hip hop nhí trong và ngoài nước tuyên bố “ Con muốn khẳng định Hip Hop Việt Nam không phải dạng vừa đâu” đã gọi vốn thành công cho dự án mở Studio dạy nhảy cho trẻ em của mình từ Shark Linh.

Cùng nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của Hiphop Việt Nam từ cuối 80s đến nay, có không ít các nhóm nhảy, vũ đoàn tự mở trường dạy thành công hoặc huy động vốn bằng cách này hay cách khác để thành lập hay mở rộng quy mô. Tuy nhiên đâu đó mới chỉ có số ít thành công về mặt thương mại ở đây có thể hiểu là có lãi, còn sự ảnh hưởng mang tính cộng đồng thì có lẽ lại được ghi nhận bởi những cá nhân nhiều hơn. Như vậy có thể nói, việc tổ chức một Mô hình dạy nhảy vừa có thể đạt lợi nhuận lớn vừa có lợi cho cộng đồng Hip hop Việt nam vẫn còn là bài toán nan giải.




Phần bảo vệ kế hoạch gọi vốn của Du Thư Kỳ, điều dễ hiểu tại sao cô bé chỉ gọi được số vốn mang tính khích lệ từ Shark Linh, bởi vì thực sự với một cô bé 11 tuổi thì ngoài việc biết nhảy thì em không có thêm một kỹ năng nào khác để đảm bảo những Shark còn lại dám mạnh tay chuyển vốn. Đây đang là thực trạng chung của không chỉ những Dancer và trong cả thể thao nói chung, đa số các vận động viên chỉ có khả năng duy nhất đó là chuyên môn đã tập luyện trong suốt quãng đời tuổi trẻ của mình.

Trong kinh doanh, thì coi như Dancer của chúng ta đã có sản phẩm hình thành bởi chính kỹ năng và kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên để đóng gói tinh gọn và đưa ra được thị trường thành công cần có một chuỗi cung ứng hoàn hảo, trong đó ngoài yếu tố Sản phẩm nêu trên thì Khách hàng, Tài chính, Quy trình, Nhân lực xem ra là xương sống của Studio.

Tính chất đội nhóm là căn nguyên cấu thành lên Hip hop, ứng dụng vào mô hình tổ chức của Studio cũng vậy, một nhóm người nhảy các thể loại khác nhau, cùng đam mê sẽ chắc chắn gây dựng dễ dàng hơn một cá nhân đơn lẻ hoặc một nhóm nhảy chỉ nhảy một thể loại. Do vậy câu chuyện Tuyển dụng – Đào tạo – Giữ chân hay gộp chung gọi là vấn đề “Nhân lực” cần làm tốt ngay từ đầu để đảm bảo tương lại không sụp đổ của một Studio.


Người chủ hay nhóm chủ sở hữu ban đầu cần xác định rõ hướng đi trong 1 năm – 3 năm và 5 năm tiếp theo của mô hình. Trong năm đầu tiên việc tuyển dụng xong những con người cùng chí hướng là điều quan trọng nhất, điều này sẽ làm bạn mất khoảng 03 tháng đầu tiên kể từ khi khởi sự. Trong 03 tháng tiếp theo ngoài phân bổ nhiệm vụ ban đầu, Studio cần hình thành nhân sự riêng rẽ cho phần: Tìm kiếm khách hàng và Vận hành nội bộ.

Ở đây việc tìm kiếm khách hàng có thể hiểu là tuyển sinh và trong lương lai tìm kiếm các đối tác khác để nhượng quyền mô hình nâng cao khả năng mở rộng của thương hiệu Studio.

Vận hành nội bộ cũng là phần quan trọng không kém, khi chức năng sẽ là tiếp nhận học viên, sắp xếp lớp học, tổ chức giảng dạy và thậm chí tư vấn định hướng nghề nghiệp nếu học viên có ý định phát triển bản thân theo Hip hop.

Vượt qua được “mùa đông đầu tiên” Studio sẽ rút ra được ít nhiều kinh nghiệm đau thương, cũng như rất nhiều mô hình khởi nghiệp khác, Studio sẽ lỗ nhiều hơn là lãi. Đến lúc này người chủ Studio cần bình tĩnh, xác định điểm mạnh yếu của kỹ năng bản thân và những người trong đội nhóm để định hình phát triển cho 2 năm tiếp theo, thậm chí có thể cần đến tư vấn từ các Công ty bên ngoài để nâng cao kỹ năng quản trị.

Chúc các bạn sắp hay đang xây dựng Studio có thêm kiến thức để tham khảo và có định hướng tốt hơn cho Studio của mình.

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.