Làm thế nào để dùng Apple Watch hỗ trợ cho quá trình trượt ván?

Làm thế nào để dùng Apple Watch hỗ trợ cho quá trình trượt ván?

Apple Watch là một thiết bị đeo tay thông minh vốn đã quá nổi tiếng đến từ nhà Apple. Nó có khả năng nhận thông báo từ điện thoại, đo nhịp tim, giấc ngủ, kèm theo hàng chục các chế độ luyện tập lớn nhỏ. Tuy nhiên, không giống như nhảy, Apple Watch hiện nay chưa có một chế độ luyện tập dành riêng cho trượt ván. 

Vậy liệu ta có thể dùng Apple Watch làm một công cụ hỗ trợ trong quá trình chơi trượt ván được hay không? Và nếu câu trả lời là CÓ, thì phải làm như thế nào? 

Khi đi tham khảo ý kiến của một vài anh em trong cộng đồng trượt ván, tác giả nhận thấy có rất nhiều người đeo Apple Watch trong khi luyện tập, đặc biệt là các ‘trượt thủ’ nước ngoài. Họ muốn theo dõi các chỉ số của cơ thể khi luyện tập bộ môn này, nhưng đa phần đều không thành công. Đã từng có rất nhiều skaters thử bật các chương trình luyện tập như nhảy, hoặc workout thông thường, rồi sau đó chơi trượt ván, tuy nhiên khi trượt được một đoạn và dừng lại để nghỉ mệt thì hầu hết bài tập trên Apple Watch cũng sẽ tạm dừng, do cơ chế tự động dừng mỗi phát hiện chủ nhân không còn chuyển động nữa. 


Apple Watch vẫn chưa thật sự có một chế độ luyện tập dành riêng cho trượt ván

Tuy nhiên có một cách để chúng ta “thêm” chế độ trượt ván vào chương trình luyện tập có sẵn của Apple Watch. Anh em hãy truy cập vào ứng dụng luyện tập, và chọn chế độ Other Workout (bài tập khác), rồi cứ thoải mái trượt ván như bình thường. Để cho Apple Watch dùng những cảm biến để ghi nhận chuyển động của anh em trong quá trình luyện tập. Cuối cùng sau khi trượt xong, anh em chỉ cần lưu bài tập vừa nãy lại, rồi đặt tên là ‘Trượt Ván’. Vậy là chúng ta đã có chế độ Trượt Ván trên Apple Watch. Rất đơn giản đúng không nào!


Vậy lợi ích của việc trượt ván cùng Apple Watch là gì? Thứ nhất là nó có thể đo Calo của cơ thể. Như vậy thì anh em sẽ biết được hôm ấy mình đã tiêu thụ bao nhiêu năng lượng cho một buổi tập, từ đó đưa ra những quyết định ăn uống, ngủ nghỉ cho hợp lý. Chế độ này đặc biệt quan trọng với ai đang theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt. 

Tiếp theo là nó giúp đo nhịp tim khi luyện tập. Điều này là vô cùng quan trọng. Việc theo dõi nhịp tim khi luyện tập cho anh em biết được liệu tim mình có đủ khoẻ hay không, hay có gì bất thường đối với hệ tim mạch hay không. Từ những chỉ số mà Apple Watch đo được, mọi người có thể có một cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng sức khoẻ của bản thân. 

Và công dụng cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng đó chính là tính năng đo thời gian luyện tập. Đã bao nhiêu lần anh em đặt ra mục tiêu là mình sẽ trượt trong vòng 2 tiếng, để còn kịp về đi chơi với người yêu, nhưng rồi mải mê tập đến quên luôn cả cuộc hẹn? Với Apple Watch thì câu chuyện trên sẽ được giải quyết một cách triệt để. Trước khi “tham chiến” anh em hoàn toàn có thể đặt ra mục tiêu thời gian cho buổi tập của mình. Khi đến giờ thì Apple Watch sẽ tự động thông báo. 


Vậy là chúng ta đã trả lời được câu hỏi liệu có thể dùng Apple Watch để hỗ trợ quá trình trượt ván hay không. Bên cạnh ứng dụng tuyệt trong bộ môn này thì Apple Watch vẫn có thể giúp đỡ mọi người trong nhiều khía cạnh khác hằng ngày, như theo dõi giấc ngủ, đặt báo thức, nhận cuộc gọi trực tiếp từ Iphone. Vậy nên còn ngần ngại gì mà không tậu ngay một em đi nào các ‘trượt thủ’!

*nguồn ảnh: unsplash

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.