Keith Haring - Sự khác biệt định hình nên một huyền thoại

Keith Haring - Sự khác biệt định hình nên một huyền thoại

Thời nay, người ta thường nhìn thấy những hình vẽ phức tạp của Keith Haring trên mạng xã hội hay các quần áo mà ít ai biết được rằng, nhân vật đứng sau nó lại có một sự dị biệt, một nét “choi choi” như mấy đứa trẻ. Nhưng chính điều đó cũng là thứ đã định hình nên một Keith Haring tài ba. Hôm nay, hãy cùng VHĐP kể lại câu chuyện về nghệ sĩ Graffiti này - Người mà đã ghi tên mình vào ngôi đền huyền thoại nghệ thuật chỉ sau vài năm ngắn ngủi của cuộc đời. 

Keith Haring là ai?


Keith Haring khi còn bé

Keith Haring là một nghệ sĩ Graffiti người Mỹ vô cùng nổi tiếng trong cuối thế kỷ 20. Ông sinh ngày 4/5/1958 tại Pennsylvania - Một tiểu bang tiếp giáp với New Yorks nằm ở phía đông Hoa Kỳ. Haring bộc lộ niềm ham thích vẽ vời khi còn bé do chịu nhiều ảnh hưởng từ bố - Một hoạ sĩ chuyên vẽ nhân vật hoạt hình. Haring có một ngoại hình, cũng như là phong cách ăn mặc nhìn hơi “con nít” và ngơ ngáo. Nhưng ít ai ngờ rằng, chính con người ấy sau này sẽ làm nên lịch sử. Keith Haring đã tự tay ghi tên mình lên ngôi đền giành cho những nghệ sĩ Graffiti vĩ đại nhất - Điều mà bất kì hoạ sĩ nào cũng thèm muốn. 

Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, Keith Haring theo học chuyên ngành về nghệ thuật ở một ngôi trường toạ lạc tại Pittsburgh. Nơi đó, Haring được dạy để trở thành một hoạ sĩ vẽ tranh dùng cho mục đích bán hoặc đấu giá, hay còn gọi là Commercial Art. Tuy nhiên, ông sớm nhận ra rằng mình chẳng phù hợp với loại hình này tí nào. Vài năm sau đó, Keith Haring nghỉ ngang để ghi danh vào một trường học chuyên đào tạo về nghệ thuật thị giác (visual art) tại thành phố New Yorks. Và huyền thoại bắt đầu từ đây. 

Con đường đi đến với Graffiti của Keith Haring


Lần đầu di chuyển đến thành phố New Yorks, ông đã bị hớp hồn bởi cái loại hình nghệ thuật mà ở đó, nghệ sĩ có thể thoải mái sống đúng với cái tinh thần phóng khoáng của mình. Cái nghệ thuật mà nó không nằm trong lồng kính hay bảo tàng hào nhoáng, chỉ là những con phố với những người con người rong ruổi tác nghiệp khắp nơi. Đó không gì khác - Chính là Graffiti. 


Basquiat (bên trái) và Keith Haring

Lúc bấy giờ, Graffiti đang trên đà phát triển bùng nổ. Vào những năm cuối trong chương trình đào tạo tại New Yorks, Haring bắt đầu biết đến SAMO - Một “thuấn thân” do Basquiat tạo ra để ông có thể tự do truyền tải những suy nghĩ của mình với thời đại, bằng những tác phẩm nghệ thuật. Cả hai sau này cũng đã cùng nhau phát triển nên một tình bạn đẹp. 

Lúc bắt đầu, Keith Haring phải rong ruổi khắp những khu tàu điện ngầm để tìm cảm hứng cho các tác phẩm của mình. Ông từng tâm sự trong một buổi phỏng vấn: “Đôi khi tôi thậm chí còn chẳng thèm bắt chuyến tàu đầu tiên mà mình muốn đi. Tôi cứ ngồi đó và đợi chuyến thứ hai để xem có một hình vẽ Graffiti nào thú vị trên đó hay không”. 

Qua đó, ta thấy được Keith Haring sinh ra như được định sẵn rằng ông có mối liên kết đặc biệt với Graffiti - Thứ mà mặc dù ông chỉ vừa tiếp xúc không lâu nhưng nó đã chảy liên hồi trong máu, trong cái đam mê nghệ thuật cuồng nhiệt của bản thân.

Khởi đầu sự nghiệp bằng… phấn viết bảng


Năm 1980, Keith Haring bắt đầu nhận thấy vài thứ thú vị tại những khu tàu điện ngầm ở New Yorks. Thời bấy giờ, các tấm giấy dán quảng cáo thường được dán lung tung, bao phủ hầu hết những bức tường nơi đây. Khi một quảng cáo đã quá lâu hay không còn phù hợp với mục đích ban đầu, người ta sẽ dùng những mảnh giấy màu đen nhám dán chồng lên nó. 

Thấy vậy, Keith Haring liền nảy ra ý tưởng dùng phấn để vẽ lên những phần giấy nhám đen này. Không lâu sau đó, ông lấp đầy các khu tàu điện ngầm bằng những dấu ấn của mình.

Hình ảnh những Radiant Baby bắt đầu xuất hiện khắp các mặt báo


Sau 5 năm kể từ lúc nảy ra ý tưởng trên, tức vào năm Keith Haring 25 tuổi, những nỗ lực mà ông thực hiện bắt đầu đơm hoa kết quả. Nếu như thông thường Haring chỉ đến vẽ rồi đi, thì nay đã có vô số người đứng xem quá trình hoàn thành tác phẩm của ông. Thậm chí một số còn chụp ảnh điên cuồng. Đôi khi Keith Haring đứng vẽ mà cứ tưởng như đó là một sàn diễn thời trang, với vô số khán giả, vô số phóng viên, đèn flash thì cứ nhấp nháy liên tục - Một điều mà hầu như rất ít nghệ sĩ Graffiti nào khi ấy có thể làm được. 


Hình ảnh Radiant Baby của Keith Haring

Những hình vẽ của Keith Haring thì nhiều vô số kể, nhưng nổi tiếng nhất phải là Radiant Baby - Một đứa bé đang ở trong tư thế nằm, quỳ hoặc bò lăn ra đất - Cứ như là nó muốn thể hiện một gì đó với thế giới rộng lớn ngoài kia. Keith Haring tâm sự rằng: Đối với ông, những đứa trẻ tượng trưng cho phước lành và sự thuần khiết. Nó luôn sống đúng với bản chất của mình, không dối trá, không mưu tính. Nó sẵn sàng làm mọi thứ mình muốn mà không bị bó buộc bởi những lời mai mỉa hay phán xét - Một phiên bản tự do nhất của mỗi con người.  


Có một vài điểm khác nhau trong việc sử dụng hình tượng đứa trẻ giữa ông và các nghệ sĩ khác. Nếu thông thường ta luôn thấy người khác vẽ đứa bé đang trong vòng tay bảo bọc của cha mẹ hay người thân, giống như muốn đề cao lên cái chủ đề về tình yêu thương gia đình, thì trong tranh của Haring, nó thường là một hình tượng độc lập và mang ý nghĩa như một sự khởi đầu mới. Ông luôn cố gắng để truyền tải một thông điệp khác nhau đến với người xem qua mỗi hành động mà đứa trẻ đang thực hiện.

Mọi người thời ấy thường đã quen với các nghệ sĩ Graffiti vẽ các con chữ hơn, tuy nhiên Haring cũng hiếm khi và hầu như là không dùng kiểu này. Trong tác phẩm của ông chỉ có vô số các hình tượng nhân vật, đồ vật,... Nhưng chính điều đó đã phân biệt ông với những người khác và làm nên cái chất riêng của Keith Haring. 

Đã từng phải ngừng vẽ vì sợ người ta… ăn cắp tác phẩm


Cửa hàng của Keith Haring tại Soho

Vào giữa những năm 80s, khi đang trong thời kì đỉnh cao của sự nghiệp, có một thời gian Keith Haring phải tạm dừng công cuộc vẽ vời ở các khu tàu điện ngầm nhầm ngăn chặn trình trạng người khác sao chép tác phẩm, hoặc ghê gớm hơn là gỡ nó ra khỏi những mảnh tường và mang đi bán ở chợ đen. 

Đỉnh điểm của vấn đề là khi Keith Haring nhận được một số mẫu áo, cũng như là giày dép in những hình vẽ của ông một cách trái phép có xuất từ Nhật Bản, được gửi đến bởi người hâm mộ. Nhằm ngăn chặn trình trạng này, ông đã lập nên một một shop đồ của mình tại Soho, lấy tên là Pop Shop. Nơi đó Haring bán những cái T-shirt, khăn, poster... Cũng như một số loại hàng hóa khác có in Artwork chính thống của ông. 

Đối với Keith Haring, đây không phải là một cửa hàng để ông quan tâm chuyện lời lỗ, hay tiến hành công cuộc “thương mại hóa” mồ hôi công sức và sự sáng tạo của bản thân, mà Pop Shop như là địa điểm để Haring có thể tạo điều kiện cho công chúng được tiếp cận những gì ông làm ra một cách chính thống nhất. Haring cũng coi việc mở cửa hàng là một giải pháp nhằm giúp mọi người có thể sở hữu các tác phẩm của mình với giá cả phải chăn. Thay vì phải trả ra tiền triệu cho một cái mảnh giấy màu đen bị xé ra rồi mang đi đấu giá không công khai trên thị trường chợ đen. 

Cống hiến hết mình cho nghệ thuật vào những ngày cuối đời


Khi đang trong thời kì đỉnh cao của sự nghiệp thì cũng chính là khoảng thời gian mà Keith Haring tìm ra được con người thật của mình. Ông thoát khỏi cái vỏ bọc định kiến và thoải mái công nhận với thế giới rằng - Mình là một người đồng tính. Tuy nhiên, đó lại là lúc mà căn bệnh HIV/AIDS đang càn quét qua cộng đồng LGBT tại Mỹ. Và Keith Haring là một trong vô số những nạn nhân của nó.

Vẫn tưởng điều ấy sẽ chặn đứng được thiên tài này, nhưng không hề. Thậm chí nó càng khiến Keith Haring “hăng máu” hơn và lao đầu vào làm việc điên cuồng. “Tôi thấy bạn bè trong cộng đồng ra đi ngày một nhiều và tôi biết rằng mình không còn bao nhiêu thời gian nữa. Tôi không biết liệu rằng sẽ là 5 ngày hay 5 năm, nhưng tôi nhận thức được rằng thời gian của mình bây giờ là có hạn. Đó là lý do tại sao những tác phẩm của tôi lúc này vô cùng quan trọng. Tôi phải hoàn thành nó thật nhanh nhất có thể. Công việc là thứ duy nhất mà tôi còn lại lúc này. Và nghệ thuật đối với tôi nó còn quan trọng hơn cả cái cuộc sống đang tàn úa của bản thân mình” - Keith Haring nói.


Thời gian đối chọi với căn bệnh AIDS, Haring tập trung truyền tải những thông điệp về sự quái ái của căn bệnh này, cũng như là nhấn mạnh một lối sống tình dục lành mạnh. Và với tầm ảnh hưởng mình, ông đã góp một phần công lớn trong việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đến cộng đồng LGBT nói riêng, cũng như là toàn xã hội nói chung.

Vào ngày 16/2/1990, Keith Haring ra đi mãi mãi ở cái tuổi tuổi 31. Trong cả cuộc đời nghệ sĩ, ông đã để lại cho nhân loại hơn 10.000 tác phẩm nghệ thuật - Di sản đồ sộ mà không một ai tới thời điểm hiện tại có thể thay thế được. 

Kết luận

Và đó là đôi nét về cuộc đời, cũng như là những cảm nhận phía cá nhân VHĐP về Keith Haring - Một huyền thoại Graffiti của thời đại này. Mặc dù đã hơn 30 năm kể từ ngày mất, nhưng những hình ảnh mà ông vẽ vẫn còn xuất hiện và luôn giữ được sức nóng của nó. 


Gần nhất phải kể đến là việc Uniqlo mang các tác phẩm nằm trong buổi triển lãm đầu tiên của Keith Haring lên những chiếc áo T-shirt của hãng. VHĐP tin rằng ông vẫn sẽ luôn sống mãi trong lòng chúng ta, không những bởi sự tài năng thiên bẩm, mà bởi cả cái tinh thần dám sống đúng, sống trọn và sống thật với bản chất của chính mình. Keith Haring - Một người nghệ sĩ tuyệt vời. 

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.