Bắt một chuyến xe GrabBike trong một ngày trời se lạnh của Sài Gòn khiến tôi nhớ đến mùa Thu của Hà Nội… Đang sung sướng cảm nhận không khí mát lạnh thì anh tài xế GrabBike khẽ hỏi: “Nhìn anh mặc đồ Hip Hop nhỉ, anh có nhảy Hip Hop hay hát Rap không?”…Chưa kịp trả lời thì anh tài xế lại tiếp lời: “Em là em thích Rap Underground lắm, em người Sài Gòn nhưng Rapper em thích nhất là LK, bài nào em cũng thuộc.”…rồi anh tài xế thao thao bất tuyệt kể về những ngày tuổi thơ khi anh được xem và nghe LK, Young Uno hát tại chương trình của Viethiphop kết hợp với Rap Club vào năm 2005…
Ngọn lửa Hip Hop cùng những ký ức của một nền văn hóa Ngầm bỗng tràn về làm tôi nóng hết cả người…
Trong những năm gần về đây tại Việt Nam, cụm từ Underground hay còn gọi là thế giới Ngầm được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn bao giờ hết. Cũng thật dễ hiểu khi những người đứng đầu các lĩnh vực về văn hoá, nghệ thuật giải trí trẻ hiện nay đều xuất thân ít nhiều từ thế giới Ngầm đó. Đi kèm với sự quảng bá của các phương tiện truyền thông hay những sự kiện giải trí, cụm từ Underground như đóng cộp một các mác đảm bảo về chất lượng và thu hút khán giả trẻ.
Nói đến thế giới Underground của Thế Giới thì có lẽ khá nhiều người biết nhưng thế giới Ngầm đó đến với Việt Nam và phát triển như thế nào chắc không phải ai cũng biết.
Văn hoá ngoại nhập mang màu sắc trẻ được du nhập đến Việt Nam, tại Hà Nội trong những năm đầu 90 của thế kỷ trước, bắt nguồn từ những vũ điệu Hip Hop. Nói đến thế giới ngầm của Việt Nam thì Hip Hop chính là nền tảng ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ thời đó và sau này.
Quay trở lại thời điểm đầu những năm đầu 90, trong những buổi biểu diễn miễn phí, nơi sinh viên có cơ hội thể hiện khả năng nghệ thuật của chính mình. Đây là nơi mà những vũ điệu được biểu diễn lan toả trước công chúng dưới dạng điệu nhảy của Michael Jackson hay những điệu nhảy kiểu lượn sóng hoặc robot còn gọi là Kịch câm điện tử (Breakdance). Ban đầu những vũ điệu này chỉ xuất phát từ vài nhóm tự phát, tập theo một số băng hình từ nước ngoài gửi về, hoặc dưới sự hướng dẫn của những người đã từng sinh sống ở ngoại quốc.
Từ năm 1991 đến năm 1992, một vài nhóm nhảy bắt đầu hình thành và đi biểu diễn, nhưng đất diễn cho loại hình nghệ thuật lúc này vẫn còn rất ít. Tuy nhiên, dần dần theo thời gian, những điệu nhảy này gây được sự chú ý và có rất nhiều các học sinh, sinh viên yêu thích. Những vũ điệu với cái tên rất Việt Nam - “Bộ khoẻ" đại diện cho các vũ điệu Hip Hop, Breaking và “Bộ dẻo" đại diện cho Popping trở thành một trào lưu mới trong những năm 90. Những chương trình vũ hội ca nhạc của các trường trung học bắt đầu nở rộ mang đến một sự hội nhập mới cũng như thu hút giới trẻ tham gia. Các chương trình vũ hội lúc này khá giống với các Block Party của Mỹ những năm 70, mọi người cùng nhau đến hát lại những bản nhạc nước ngoài nổi tiếng, rồi cùng nhảy múa với nhau.
Đỉnh điểm của chương trình thời này chính là chương trình mang cái tên Quần Anh Hội, một chương trình quy tụ các nhóm nhảy hàng đầu tại Hà Nội với hàng ngàn khán giả là học sinh, sinh viên tới tham gia xem và cổ vũ. Lúc này những vũ công Hip Hop trở thành những ngôi sao của sàn diễn, chỉ cần bạn biết nhảy là bạn sẽ có fan hâm mộ. Nhảy Hip Hop trở thành phong trào và giúp rất nhiều các thanh niên thoát khỏi các tệ nạn xã hội thời đó như băng đảng, đua xe, nghiện ma tuý,.. Các trung tâm dạy nhảy bắt đầu thành lập và có lượng người tham gia rất đông, hai trung tâm nổi tiếng và đông học sinh nhất thời bấy giờ là Cung Việt Xô của Sơn Break và Cung thiếu nhi của nhóm nhảy Ngón Chân Cái. Nhưng thực tế lúc này, thông tin chính xác về Hip Hop rất mù mờ vì không có ai chỉ dạy, không có internet hay bất cứ thông tin nào từ bên ngoài. Tất cả chỉ nhảy và chỉ là bắt chước theo các tư liệu có được và tự chế biến theo cách tự nhiên của mình chứ không biết chính xác đó là vũ điệu gì, tên gì hay Hip Hop là gì cũng như lịch sử nền văn hóa này.
Đến năm 1998 - 2000, khi Việt Nam chính thức mở đường thông internet với thế giới, hàng loạt thông tin mới nhất và cập nhật nhất về thế giới bên ngoài đã đến được với Việt Nam. Lúc này, trào lưu văn hoá nghệ thuật đường phố không chỉ dừng lại ở mảng vũ điệu, mà còn nhiều các mảng khác nhau như Graffiti, Rap, DJ, Skateboard,... Đặc biệt làn sóng âm nhạc thế giới với những diễn viên, ca sĩ, ăn mặc đậm chất Hip Hop của Hàn Quốc và Mỹ ào vào Việt Nam. Các nhóm này đã gây ấn tượng mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới phong cách thời trang của nhiều ca sĩ thị trường Việt và giới trẻ thời đó.
Những cửa hàng thời trang mang xu hướng này cũng bắt đầu được mở ra, phải kể đến những của hàng đầu tiên như TipTop, Hot, Boo,...với các nguồn hàng từ Thái Lan, Trung Quốc hay Việt Nam Xuất Khẩu.
Nếu thời gian đầu Hip Hop bắt nguồn và chỉ tồn tại ở Hà Nội thì khi bùng nổ, nó lại phát triển mạnh mẽ ở phía Nam, với trung tâm là TP.HCM vào những năm đầu 2000. Trào lưu Hip Hop đến thời điểm này mới thực sự bắt đầu và hòa chung vào dòng chảy của trào lưu Hip Hop trên thế giới. Đặc biệt với cổng kết nối từ các diễn đàn forum như viethiphop.com, đây chính là chiếc cầu kết nối của thế giới ngầm và biến nó trở thành một món ăn tinh thần cho giới trẻ tại Việt Nam. Nói đến giới trẻ những năm đầu 2000, giới trẻ buộc phải biết đến Hip Hop thì mới được gọi là “sành điệu”, mà Hip Hop là một thể loại văn hoá đòi hỏi phải có những kỹ năng nhất định, bạn muốn tham gia nó không có nghĩa là chỉ bận bộ quần áo mang phong cách Hip Hop, thế nên đa số giới trẻ thời đó tối thiểu cũng phải nhảy được vài ba động tác và nghe được nhịp điệu Hip Hop.
Trong các loại hình nghệ thuật đường phố thời điểm này thì hai yếu tố Breakin' và Rap là 2 mảng được giới trẻ quan tâm và tham gia nhiều nhất. Nền văn hoá trẻ này không dừng lại ở Hà Nội và Hồ Chí MInh, nó đã phát triển và lan toả ra khắp các tỉnh thành của Việt Nam, đi đâu cũng thấy những người trẻ tham gia vào các loại hình nghệ thuật đường phố này. Có thể nói Hip Hop khi khởi đầu ở Việt Nam đã mang tính phá bỏ các lề thói, phá bỏ các truyền thống giống như việc đầu tóc nhuộm màu, đội nón ngược, quần áo lùng thùng, rộng hơn khổ người của mình, với những phụ kiện như dây xích, vòng cổ, vòng tay,...hay thậm chí cả xăm mình.
Tuy nhiên các loại hình văn hoá nghệ thuật Hip Hop và đường phố thời này vẫn gặp rất nhiều các rào cản từ xã hội, gia đình, thậm chí cả báo chí truyền thông,…Họ đều cho đây là những bộ môn ngoại nhập, nguy hiểm và không phải là một công việc để sống. Những bài báo nói về bộ môn nhảy có thể mang đến gãy cổ tử vong, họ nói về sự kém văn hóa và sự thô tục của Rap, họ nói về việc vẽ bậy vô ý thức của Graffiti,... nhưng họ lại quên đi bản chất thật cũng như những điều tích cực mà Hip Hop đã mang lại cho giới trẻ. Hip Hop Việt vẫn luôn chiến đấu và tiếp tục phát triển nền văn hóa này.
Từng bước, từng bước đưa Hip Hop ra ngoài thế giới và mang về nhiều thành tích ấn tượng về cho Việt Nam. Trải qua rất nhiều những thăng trầm, vào cuối những năm 2000 đầu 2010 và sau đó, nhiều nhóm và cá nhân sau một thời gian hoạt động không có định hướng và thiếu hiệu quả dẫn cũng như những vấn đề trong cuộc sống cá nhân dẫn đến tan rã, bỏ cuộc,... Phong trào nhanh chóng lặng xuống và nhiều người quay lưng lại với Hip Hop. Đây là thời kỳ đóng băng của Hip Hop Việt, nhưng nó cũng giúp Hip Hop Việt vững vàng, trưởng thành hơn khi những người đi theo phong trào tự đào thải và những “tín đồ”, những người yêu và sẵn sàng sống chết với Hip Hop chân chính vẫn tiếp tục sứ mệnh làm cho nền văn hóa này ngày càng lớn mạnh hơn.
Nhiều người hâm mộ và đam mê trung thành với Hip Hop cũng như nghệ thuật đường phố vẫn miệt mài cố gắng trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng và tiếp tục cống hiến cho Hip Hop Việt. Nhờ đó, thế giới Ngầm này dần thoát khỏi ngõ cụt và tiếp tục phát triển theo nhiều hướng khác nhau.
Nhiều nhóm, cộng đồng mới ra đời và một vài trong số đó vẫn đang phát triển mạnh mẽ, hoạt động ổn định và hiệu quả hơn hẳn trước. Những đứa trẻ đam mê với suy nghĩ đơn giản như một thú vui ngày xưa thì giờ có nhiều người đã trở thành những tên tuổi lớn đại diện tiên phong cho Hip Hop Việt cũng như có tiếng trong thị trường giải trí.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của mạng xã hội, phim ảnh, truyền hình,... ngày càng có nhiều bạn trẻ biết đến Hip Hop và niềm đam mê được lan rộng mạnh mẽ hơn cũng như có nền tảng hơn rất nhiều so với thời kì đầu.
Từ năm 2010 đến nay, Hip Hop Việt cũng không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước nữa mà cũng đã vươn ra tiếp xúc với thế giới và được nhiều nước khác biết đến. Chúng ta có thể tự hào khi có nhiều nghệ sĩ Hip Hop Việt và các nghệ sĩ đường phố khác được vinh danh ở các tờ báo và các kênh truyền thông ở nước ngoài.
Qua quá trình lịch sử dài gần 30 năm, mặc dù đã thay đổi cách nhìn nhận trong xã hội và có rất nhiều bước tiến trong thị trường giải trí, thương mại nhưng Hip Hop Việt Nam vẫn luôn là một nền văn hóa ngầm - Một nền văn hoá đầy những nét đẹp của sự tự do với tinh thần đoàn kết, hòa bình, yêu thương và vui vẻ cùng nhau.
Hip Hop chính là nền văn hóa đại diện của giới trẻ Việt.
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.