Mạng xã hội gần đây chiếu phát chương trình của VTV6, nói về mục tiêu vào Olympic của thể thao đường phố Việt Nam, trong đó có đoạn thành viên của FIDO Crew nói đến việc có người trong cộng đồng đặt xe để lấy tiền đi thi đấu quốc tế. Rồi một Dancer tại thành phố Thái Nguyên có nick FB “Văn Chung” chia sẻ là “ Trên đường đi dự workshop nhảy của một người nổi tiếng thì bị công an bắt, bạn chỉ còn đủ tiền nộp workshop chứ không đủ tiền nộp phạt nên thôi đành để xe lại, đi tiếp bằng xe Bus”.
Mỗi trận đấu đầu đời tại nước ngoài có cái giá không hề rẻ, rất nhiều chiếc xe máy đã bị đặt để biến thành học phí, lộ phí cho những chuyến đi xa học hỏi. Quay ngược thời gian trở về năm 2005 khi nhóm Big Toe đại diện cho Việt Nam lần đầu tham dự giải đấu Battle of the Year tại Thái Lan cũng đã trải qua hoàn cảnh tương tự. Chi phí cho một chuyến đi Thái thời đó là cao khủng khiếp khi chuyến bay ít, không có hàng không giá rẻ, giá vé máy tương đương mưới mấy triệu đồng bây giờ, chưa kể tiền đi lại ăn ở bên Thái nữa. Các thành viên của nhóm cũng phải đặt xe máy, dốc hết tiền tiết kiệm dành dụm, vay thêm tiền của người thân,...để được tự hào giơ lá cờ Việt Nam trên sàn đấu đất nước bạn.
Hình ảnh nhóm Big Toe tại giải BOTY SEA 2005
Cơ hội luôn được đánh đổi bằng chi phí, như phí phạt vi phạm giao thông kia nhiều vô kể trong con đường đi đến thành công của những người yêu Hip Hop. Chắc chắn ở nhóm nhảy nào bạn cũng sẽ nghe được vài câu chuyện như thế từ các thành viên của nhóm mình.
Ai khởi đầu cũng như vậy khi quyết định gắn bó với Hip Hop, tại sao nói vậy, bởi về nghĩa đen các trường học dạy về Hip Hop ở Việt Nam chưa có, họ buộc phải học mọi thứ bằng chính trải nghiệm đánh đổi của bản thân mình. Mỗi lứa tuổi, ở mỗi giai đoạn trong sự nghiệp Hip Hop, lại phải học lại những bài học như vậy, học nhiều hay học ít, chi phí cao hay chi phí thấp, chỉ khác nhau ở con số mà thôi.
Thật khó để viết lên khuôn khổ giáo điều cho một thứ luôn sáng tạo không ngừng như Hip Hop. Nhưng thật may mắn, đây là một cộng đồng đoàn kết và biết cảm thông chia sẻ giao lưu học hỏi lẫn nhau, thế cho nên việc truyền tay, truyền miệng vẫn đang phổ biến và càng làm cho mọi thứ phát triển mạnh mẽ hơn. Bản thân người xem muốn những thứ trực quan, vậy cho nên những ai đủ sức giảng giải, phải thực sự đã chứng minh được bản lĩnh và khả năng của mình trên đấu trường trước đó.
Chưa ở đâu mà việc bạn nói có đúng hay không lại phải chứng minh bằng những việc bạn đã làm trước đó nhiều như trong cộng đồng Hip Hop.
Chưa ở đâu mà những gì người ta nói đến lại ít lý thuyết như trong Hip Hop, để được như ngày nay nó đã nhận được sự cống hiến bằng hành động của rất nhiều thành viên trên toàn thế giới.
Ngoài kia có hàng ngàn, hàng triệu những lý thuyết hay bài học về Hip Hop và sẽ chẳng thể biết học đến đâu là đủ, đến đâu mới tốt nghiệp và cũng chẳng thể biết những gì mình học được đâu là đúng, đâu là sai nếu bạn không được trải nghiệm thực sự với mỗi bài học đó. Và mỗi trải nghiệm lại được trả bằng một cái giá khác nhau, nó có thể là tiền bạc, có thể là mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu.
Ngày nào bạn cũng muốn gắn bó với Hip Hop thì ngày đó bạn vẫn còn phải trả "học phí".
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.