Hip Hop hay Hip Hopper Việt Nam có chuyên nghiệp hay không?

Hip Hop hay Hip Hopper Việt Nam có chuyên nghiệp hay không?

Hip Hop Việt Nam với 30 năm hình thành và phát triển, nhưng dưới góc độ kinh tế, nghệ thuật Việt Nam hiện đại vẫn là hoạt động tự phát. Nó còn thiếu rất nhiều yếu tố để trở thành chuyên nghiệp và chính thống mặc dù trong tương lai khi đưa Breaking vào Olympics cũng sẽ giúp phần nào đó. Nhưng phần này có thể chỉ rất nhỏ vì Hip Hop rộng lớn hơn chỉ là Breaking.


Vẫn như thời khởi điểm, Hip Hop hay người chơi Hip Hop là một khái niệm mang tính phong trào tự phát và đường phố, hơn là một nghề nghiệp, vì trong phân công lao động hiện tại, nó không nằm trong thang bậc nào cả. Khi bạn đi làm các công việc ở cơ quan nào thì ăn lương theo chức nghiệp tương đương cơ quan đó. Đa số các cơ quan chính thống thì ngoài lương bạn sẽ có thêm phụ cấp, bảo hiểm cũng như lương hưu, vv… Những Hip Hopper tự do thì sẽ không có lương cố định, không đóng thuế, họ hoàn toàn tự bỏ tiền để lo lấy nghề nghiệp của mình.

Khái niệm về một Hip Hopper chuyên nghiệp ở VN cũng chưa có khái niệm chuẩn, tất cả chủ yếu đánh giá qua kỹ năng hoặc sản phẩm cá nhân. Thường tiêu chí đánh giá dựa trên thâm niên hoạt động, đạt những thứ hạng cao trong thi đấu, làm trọng tài nhiều giải đấu, có sản phẩm được nhiều người biết đến,vv... thì có thể được cộng đồng hoặc xã hội coi là "chuyên nghiệp”. Cũng dễ hiểu vì Hip Hop sinh ra từ đường phố và là loại hình nghệ thuật mang tính cá nhân nhiều, không có giáo trình cụ thể hay bằng cấp chính thống nên việc đánh giá đều dựa trên cảm quan.


Ở nhiều nước phương Tây, khi nghệ thuật hay Hip Hop là một hoạt động thường nhật và đỉnh cao của tinh thần, được gọi là một nghệ sĩ chuyên nghiệp là rất khó. Bạn phải chứng minh, bằng nghề nghiệp của mình đem lại thu nhập đều hàng tháng và nhà nước sẽ tính thuế vào số tiền bạn kiếm được. Từ đó sản phẩm hay vị trí của bạn sẽ được sắp xếp thứ hạng trong kinh tế, xã hội, và được phổ biến phục vụ cho nghề nghiệp, ngoài ra có thể được nhận tài trợ lớn từ các hoạt động phi chính phủ hoặc nhãn hàng. Còn lại là nghiệp dư hoặc chơi theo kiểu Underground thì không tính đến, hoạt động Hip Hop vì đam mê và cho vui hoặc thỏa mã bản thân. Họ có thể không kiếm được đồng nào cả từ Hip Hop hoặc sẽ tìm những nguồn thu khác để nuôi đam mê của mình.

Quy luật này, về đại thể, không thể áp dụng cho các nước chậm và đang phát triển. Nhưng khi các nền văn hóa cần giao lưu, cần cọ xát thì nó nẩy sinh vấn đề. Các Hip Hopper VN có thể kinh doanh “sản phẩm” của mình, nhưng khi ra nước ngoài, chủ yếu chỉ được nhìn nhận trên phương diện trao đổi văn hóa, và với các sự kiện tầm thấp, chứ không tài nào có thứ bậc gì trong nghệ thuật phương Tây. Mặc dù trong quá trình phát triển lịch sử cũng như hiện tại chúng ta cũng có một vài nhóm và nhân tố xuất sắc vinh danh cho Hip Hop Việt nhưng về đại thể chung thì chúng ta vẫn còn thấp cổ bé họng trong làng Hip Hop Thế giới.


Khi xã hội phát triển và mở cửa, văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực đi đầu vì đây là những yếu tố đánh giá sự phát triển của một quốc gia. Điều này tạo ra nhiều mối quan hệ song phương và đa phương, Hip Hop ngoài tính nghệ thuật thưởng thức thì chắc chắn có thể làm ăn kinh tế, đôi bên cùng có lợi. Trong các yếu tố của Hip Hop thì Rap đã thực hiện và chứng minh điều đó từ rất lâu. Còn lại những yếu tố khác trong Hip Hop thì mọi nẻo đường đi đến sân chơi đỉnh cao đều bị bịt chặt hoặc rất hẹp.

Nhưng có thể chắc chắn một điều là Hip Hop đang là một món ăn ngon cho Thế Giới hiện tại cũng như Việt Nam. "Hip Hop" đã trở thành một cụm từ được nhiều người biết đến và hình dung là cái gì. Các quảng cáo, sự kiện của các nhãn hàng lớn nhắm vào Hip Hop ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng chính thống cũng đã nhảy vào cuộc chơi.

Vậy làm sao để chúng ta có thể chuyên nghiệp hóa Hip Hop và biến nó trở thành một loại hình nghệ thuật văn hóa mà chính chúng ta - những Hip Hopper có thể sống tốt với nó?


Thường những cộng đồng hay doanh nghiệp phát triển thì định hướng và người lãnh đạo chính là đầu tàu làm cho con tàu lướt nhanh hay chậm. Nhưng làm sao để có đầu tàu với động cơ mạnh và nhiều toa tàu theo sau. Trước hết chúng ta phải loại bỏ những tật xấu trong con người cũng như những vấn đề ảnh hưởng đến tập thể, cộng đồng hay doanh nghiệp:

• Cá nhân, bảo thủ, cái tôi to, thích thì chơi không thì thôi .

• Lười sáng tạo, luôn đợi người khác đinh hướng cho mình.

• Theo đuổi cái mới tân kỳ mà quên đi cái gốc cội nguồn phát triển.

• Tự coi mình là nghệ sỹ tiên phong nhưng không đóng góp cho cộng đồng.

• Cạnh tranh không lành mạnh.

Và còn rất nhiều những vấn đề khác mà chính mỗi bản thân phải nhìn lại chính mình.

Mỗi tập thể cần có nhiều những cá nhân tốt và đồng lòng, cho dù bạn mới chỉ là thành viên bập bẹ tham gia trong ngày đầu tiên. Bạn lo lắng phải mò mẫm tự học một mình khi xuất phát hay trau dồi kĩ năng vì đây là một loại hình nghệ thuật tự phát?


Ở phương Tây, người ta quan niệm rằng quý nhất là họa sĩ tự học, thứ đến là họa sĩ học từ một bậc thầy, hạng bét là họa sĩ học tại trường. Tại sao lại nói như vậy? Bởi vì trường lớp chỉ dạy các bạn kiến thức, nền tảng cơ bản chứ không dạy bạn cách phát triển cũng như tạo ra phong cách riêng của mình. Và thầy giỏi dễ dậy ra trò giỏi, tuy nhiên người thầy chỉ là người dậy cho bạn những thứ cơ bản, phát triển hay không là việc tiếp theo của chính bạn.

Trong Hip Hop cũng vậy, người tự học đáng quý vì họ thực sự có nhu cầu thôi thúc nội tại, không chờ đến ai dậy mình hay nhắc mình phải học. Tài năng không phát triển theo quy luật nào, có người tập nhanh, tập chậm, có người bắt đầu vụt sáng, sau lại lụi nhanh, có người quá lứa mới bộc lộ,...Trong hàng nghìn Hip Hopper mới có một người giỏi và thành danh. Do vậy Hip Hop hay Hip Hopper không phải là ngành nghề hay con người phổ biến. Chính vì vậy công tác đào tạo con người từ khi mới bắt đầu là rất quan trọng.


Tiếp đến là môi trường hoạt động, mỗi một thành phố, tỉnh thành, tập thể, đội nhóm,...đều có những có bản chất khác nhau. Chúng ta thường lên youtube xem những video nghệ sĩ nước ngoài rồi trầm trồ thậm chí ngoạc hồm rất to rằng Hip Hop Thế Giới khiếp quá, Việt Nam bao giờ mới theo được, hay ở Tây sướng quá, họ có đầy đủ hết, rồi ABC,…nhưng ở đâu cũng vậy, họ cũng phải trải qua những giai đoạn như chúng ta, họ cũng phải chiến đấu để có được ngày hôm nay.

Vậy thực tế chúng đang ở đâu, và cái giếng bé nhỏ của chúng ta bé như thế nào, chúng ta đã muốn leo ra khỏi cái giếng đó chưa?

Hip Hop chúng ta cần có một hệ thống quy chuẩn tích cực đến từ cộng đồng thì Hip Hop Việt Nam mới có và duy trì nhiều nhân tài cũng như phát triển văn hóa chung. Tất cả những vấn đề từ gốc rễ như giảng dạy cho đến thương mại hóa cũng cần phần có sự đồng lòng từ các cá nhân, tập thể để định nghĩa rõ ràng hơn cho khái niệm và định hướng đường dài cho Hip Hop Việt Nam.

Hãy cùng VHDP tìm ra những giải pháp cho một tương lai Hip Hop Việt Nam tươi đẹp.

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.