Giá - đang kìm nén sự phát triển của Hip Hop Việt

Giá - đang kìm nén sự phát triển của Hip Hop Việt

Có một sự thật đó là cạnh tranh bằng giá, đang kìm nén sự phát triển của Hip Hop Việt, minh chứng cho vấn đề giá nào cũng bán, đang diễn ra tràn lan trong cộng đồng, đó là nhiều DJ, MC có mức giá khác với Judge trong nhiều sự kiện, hoặc sự kiện có tài trợ, thậm chí giá cho diễn viên lại thấp hơn của làm từ thiện.

Nhiều Biên đạo sẵn sàng nhận “sô” không phải là thế mạnh của mình, chỉ vì tư duy ích kỷ “Vơ bèo gạt tép”, kéo theo sau một hệ lụy liên quan đến chất lượng, nhưng sâu xa là một người khác mất đi cơ hội được làm nó với đam mê và thu nhập xứng đáng sau nhiều năm kinh nghiệm. Trò lấy khách của Thầy bằng giá rẻ, sau nhiều năm gắn bó, để rồi cả hai nhận một kết cục như nhau: Khách hàng rơi vào tay “thợ” khác. Rõ ràng nhiều người đang tham gia vận hành cộng đồng, bằng một thói quen phi đạo đức và sẽ nhanh chóng nhận thấy hậu quả cho chính bản thân mình. Bằng chứng cho thấy Hip Hop đi ngang trong gần 10 năm qua và nhiều thương hiệu lớn của Hip Hop Việt đã biến mất hoàn toàn hoặc đang đi vào tan dã.


Và để công bằng, chúng tôi phân tích thêm một khía cạnh khác ngoài yêu tố đạo đức nghề nghiệp. Đó chính là chiến lược “làm giá”, đã từ lâu trong kinh doanh không còn xa lạ với tất cả các ngành nghề, nhưng với những người am hiểu thì đó được coi là bước ban đầu chiếm lấy thị phần, còn ẩn sau lưng phải là câu chuyện dài hơi để giữ chân những khách hàng, mà “giá” đã giúp lấy được từ tay đối thủ. Hip Hop Việt áp dụng triệt để chính sách này, nhưng tại sao cho đến nay chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ, còn nằm ở câu chuyện đằng sau giảm giá:

- Chúng ta thường lấy được khách hàng từ đâu đó về xong để đó

- Nghệ thuật là sản phẩm tư vấn, nhưng chúng ta đang bán với cách của những gì đóng gói. Không tồn kho, không ế, tại sao lại phải trở thành nạn nhân của thương nhân “săn hàng giá rẻ”

Chỉ với hai câu chuyện “Đạo đức nghề nghiệp” và “Chiến lược giá nửa vời” khiến tất cả thị trường Hip Hop Việt đang tụt hậu so với bối cảnh chung của toàn thế giới. Vậy các giải pháp có tính khả thi để giải quyết được các vấn đề này là gì, VHDP xin đưa ra một số phương án như sau để chúng ta cùng suy nghĩ và thảo luận.


1/ Cùng xây dựng khung năng lực cho các vị trí đang tham gia vào nền kinh tế Hip Hop tại Việt Nam.

Hướng tới mỗi người sẽ có một giá trị tương xứng với khung năng lực, mà mình đã dày công tạo nên và không phải ai cũng dễ dàng phủ nhận.

Ví dụ 1: Làm sao có thể phân loại được “Huyền thoại Hip Hop” với “Nghệ sỹ Hip Hop” chẳng hạn, điểm chung và khác biệt của hai người này sẽ là gì.

Ví dụ 2: Trọng tài cần phải đạt những tiêu chí nào, vì hiện tại nhiều người chỉ đạt giải ở cấp giải đấu Studio mở ra để quảng cáo tuyển sinh, nhưng sau đó cũng đi làm trọng tài ở giải đấu nhảy lớn.

Trong đó những tiêu chí đưa ra, cơ bản sẽ dựa trên cơ sở nào thì nó cũng sẽ xoay quanh chức năng, nhiệm vụ của mỗi chức danh, tuy nhiên cần phản ánh được 3 vấn đề chính trong định tính của con người:

- Thái Độ

- Kiến Thức

- Kỹ năng

Ngoài ra, những cơ sở trên cần định lượng bằng cách thể hiện các kết quả hành động của họ như tác phẩm âm nhạc của DJ, Rapper, Breaker/Dancer vô địch giải đấu trong nhảy, số lượng giải đấu tương tự đã tham gia chấm hoặc thành tựu ý nghĩa trong phát triển môi trường, văn hóa, giáo dục của người vẽ Graffiti chẳng hạn.

Tổng hợp hai yếu tố “định lượng” & “định tính” trên, khung năng lực sẽ được tạo nên nhằm định nghĩa rõ hơn vấn đề thật sự có “Respect” trong Hip Hop mỗi khi mọi người nói ra hay không, hay chỉ là hành động từ mồm nhưng không đi kèm theo suy nghĩ.


Ví dụ về một khung năng lực cho một vị trí Biên đạo tại nước ngoài

2/ Giảm giá có điều kiện

Điều này chúng ta giảm mức ảnh hưởng của cạnh tranh giá xuống thấp nhất và đối phó được những Hip Hopper có ý định bán sản phẩm bằng mọi giá.

Ví dụ 1: Nếu chúng ta thông qua công ty sự kiện, thì nếu ký hợp đồng trở thành nhóm diễn độc quyền tất cả các chương trình trong thời hạn 12 tháng thì sẽ được giảm giá. Nhưng tối thiểu phải là 12 chương trình/năm.

3/ Lập phương án kinh doanh phi giá cả

Hip Hop là sản phẩm rất phù hợp với phương án kinh doanh phi giá cả, bởi nó là nghệ thuật, trước khi khách hàng nhìn thấy nó thì gần như họ không tưởng tượng được sản phẩm được đóng gói như thế nào, chính vì vậy chúng ta cần vận dụng tốt thế mạnh này để bán với giá tốt


Ví dụ 1: Khách hàng cần một ý tưởng đường phố nào đó thể hiện bằng nội dung bức tranh. Nếu chúng ta báo giá vẽ bức tranh bằng giá m2 thì rất dễ một người khác nhảy vào hạ giá xuống và lấy mất hợp đồng. Nhưng nếu chúng ta tách thành 2 phần việc chính là Tư vấn và Vẽ thì chống phá giá tốt hơn, bởi khách hàng sẽ hiểu trí tuệ cho phần Tư vấn ý tưởng mới là giá trị của người nghệ sỹ.

Ví dụ 2: Luôn tạo ra sự khác biệt bởi Hip Hop là nghệ thuật, đó là những thứ không định giá được. Có một số Dancer hiện nay đi Workshop họ đã không còn dạy nhảy nhiều, nét khác biệt của họ là nói về lịch sử, kiến thức ngành, trải nghiệm cộng đồng vv.. đó là những thứ mà khách hàng của họ không tìm thấy trên mạng hay trong sách.


Ví dụ 3: Nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường trải nghiệm và dịch vụ sau bán hàng. Bản chất là duy trì quan hệ với khách hàng của mình để tìm kiếm cơ hội bán hàng mới bằng cách thiết lập dần hệ sinh thái kinh doanh. Có thể ban đầu bạn chỉ dạy nhảy cho trẻ em trong dịp hè, nhưng sau đó có thể phát triển gói 1 kèm 1 trong thời gian đi học hoặc nhờ phụ huynh giới thiệu đến dạy tại trường trong giờ ngoại khóa.

Cả 3 phương án cùng những ví dụ trên, chỉ là phần nhỏ hiện trên mặt nước, của cả một tảng băng trôi với nhiều phương án còn ẩn sâu bên dưới có thể giúp cộng đồng cùng dắt tay nhau phát triển. Hiểu được bản chất là hại người chính là hại mình bạn sẽ giải quyết được vấn đề đạo đức. Trở thành những nhà thông thái để đối phó với cuộc chiến giá cả, mà không cần hạ giá chính bản thân mình và làm xấu đi hình ảnh cộng đồng Hip Hop, đồng thời bạn vẫn hoàn thành được con đường chiến lược.


Còn VHDP chúng tôi, hi vọng sẽ sớm thấy thêm được những hành động và ý tưởng xoay quanh chủ đề này từ các thành viên của cộng đồng, để thoát khỏi chiếc “mỏ neo” mà người đời đang nhìn nhận chúng ta trong môi trường kinh tế, đó là những người bị coi là nằm trong thế yếu.


Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.