Đào tạo trẻ trong Hip Hop – Phản ứng yếu ớt của Thầy trước xâm lăng công nghệ và văn hóa Copy của lứa trẻ

Đào tạo trẻ trong Hip Hop – Phản ứng yếu ớt của Thầy trước xâm lăng công nghệ và văn hóa Copy của lứa trẻ

Phong trào đào tạo đang đi xuống là thực trạng nổi cộm trong môi trường Hip Hop tại Việt Nam. Giai đoạn bùng nổ của Mạng xã hội từ sau 2010 đến nay, đã thay đổi toàn bộ hành vi tự học hỏi của thế hệ trẻ những người chơi Hip Hop. Còn ở phía những người đi trước trong vai trò người anh, người chị, người giáo viên cũng bị mông lung và đam mê đào tạo tắt dần bởi thế thượng phong của công nghệ.

Điều tích cực là truyền thông mạng xã hội, đã làm cho Hip Hop được phổ biến rộng rãi hơn, nhưng cái tiêu cực nó mang lại, là lứa trẻ chỉ nhìn thấy kết quả của một bản ghi nhạc hay động tác nào đó, mà không thể liên tưởng đến những thử thách mà người làm tác phẩm, đã phải vượt qua để đạt được nó hoặc sâu hơn nữa là cái thần khi người ta biểu diễn.

Những chương trình TV show hay giải thương mại Hip Hop là con dao 2 lưỡi cho giới trẻ.

Đi kèm với khía cạnh tiêu cực của truyền thông, là sau khi thấy được sự hấp dẫn của Hip Hop, sẽ phát sinh tâm lý cần chứng tỏ bản thân của một bộ phận người trẻ. Từ đây nhiều người trong số họ bắt đầu tìm kiếm một thần tượng và lồng ghép hình ảnh bản thân mình vào đó, với hi vọng nhanh chóng trở thành Hip Hopper được nhiều người hâm mộ, mà bỏ quên mất tinh thần tự học. Dần dẫn đến một hệ quả là giờ đây, chúng ta thấy nhiều bài biên đạo, bị nhân bản từ các thần tượng, với Graffiti họ vẽ với tâm lý mơ hồ “hình như phải đi Bomb mới sướng”, còn Rapper trẻ luôn rơi vào cái vòng luẩn quẩn vì nghĩ rằng chửi nhau mới chất. Cái gốc của sự việc, là tùy tiện cóp nhặt trên truyền thông, mà không ai đào tạo người trẻ trong biển trời kiến thức nên lựa chọn lĩnh hội điều gì.

Tất cả phản ánh một thực trạng, người đi trước đã lười đào tạo theo chiều sâu cho người đi sau, trong một thời gian đã rất dài. Các bạn đừng buồn khi lớp trẻ phát ngôn mọi thứ lẫn lộn về những gì diễn ra trong Hip Hop. Đừng buồn vì lứa trẻ không đủ kiên trì đi cùng trên con đường chông gai cùng bạn. Đừng buồn vì sự tù mù khiến người ta có thể tự do đẻ thêm, những tên gọi trong thành phần Hip Hop, lấy nó ra kiếm tiền và hòa tan tư duy của một phần những con người trong cộng đồng, vào luôn cơn sóng đó.


Một ví dụ về lớp học truyền thông sai kiến thức Hip Hop để trục lợi

Bởi chúng ta có lỗi một phần trong câu chuyện và đã đến lúc cần phản ứng để Hip Hop tiếp tục vươn cao, chấm dứt câu chuyện đang đi ngang hỗ loạn của cộng đồng này.

Bắt đầu đào tạo lại từ đâu để vực lại một nền văn hóa, có lẽ “Mỗi người dạy một người” đang là phương án khả thi nhất. Nó giúp người ta cảm nhận được tinh thần của người dạy, bất kể đó có phải là người thầy chính thức của chúng ta hay không. Nhiệt huyết từ miệng người nói ra và chuyển động cơ thể được nhìn thấy tận mắt, giúp người ta cảm nhận được cuộc sống của con người trong Hip Hop qua các thời kỳ và dễ dàng học lại thông qua văn hóa được tả thực đó.


BBoy D.Small - được đào tạo tại một nơi có Hip Hop rất khó khăn gần tỉnh Vĩnh Phúc

Thuyết trình nhằm tái hiện, những gì diễn ra trước thời đại công nghệ bùng nổ 2007-2010 là rất quan trọng. Băng hình, sách truyện liên quan đến Hip Hop truyền tay nhau được gọi là “bí kip”, đối thủ được coi là “thầy giáo”, mọi kỉ niệm đều đáng quý và thời gian chơi Hip Hop để lớn lên cùng nhau được coi là tư liệu.

“Mỗi người dạy một người” nói lên được tinh thần cộng đồng, khoác lên vai con người thêm trách nhiệm, để mỗi cá nhân đến lúc nào đó, tự hào khi bạn đồng hành thành công và tồn tại. Xuất phát từ thành tự của phong trào cải cách kiến thức trong thời kỳ nô lệ, nó không chỉ là câu tục ngữ mà là tuyên ngôn sứ mệnh cho vấn đề nó cần ra tay thay đổi.


Clip một BBoy Việt Nam giúp đỡ truyền bá Breaking tại nước bạn Cambodia

Chính vì vậy, công tác đào tạo cần được những đi trước người hào hứng và coi là sứ mệnh nghiêm túc, để có thể giúp lứa trẻ có thể hiểu rõ hơn về văn hóa Hip Hop và tư duy mạch lạc, khi cùng nhau truyền bá nó. Đã có nhiều người trong cộng đồng cũng đã đang và vẫn sẽ thực hiện đến cùng, tuy nhiên chúng ta cần thêm nhiều người hành động nữa, từ những thành viên còn lại. Vậy hãy cho chúng tôi biết, thực sự các bạn có thể xuất hiện và cùng làm với chúng tôi phải không?

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.