Có nên tập nhiều thể loại nhảy cùng lúc!

Có nên tập nhiều thể loại nhảy cùng lúc!

Câu trả lời có lẽ là không phải nên hay không nên, mà là tùy vào mục tiêu và thời điểm luyện tập của bạn.

Nhảy cũng như bao môn nghệ thuật khác, nó là một ngôn ngữ để chúng ta bộc lộ chính mình, nên hãy lắng nghe bản thân thực sự mong muốn điều gì, trở thành ai và đưa ra những lựa chọn phù hợp ở từng thời điểm. Và chắc chắn không thể có mẫu số chung cho mỗi cá nhân. 

Tuy nhiên, một số gợi ý dưới đây có thể giúp bạn đỡ “loay hoay” hơn trong hành trình khám phá và phát triển của mình.

1. Chưa tiếp xúc với nhảy, hoặc chỉ mới trải nghiệm “sơ sơ"


Với những bạn mới, chưa từng tiếp xúc với một thể loại nhảy nào, thì điều các bạn cần là biết mình thích gì trước. Vì vậy, việc trải nghiệm nhiều thể loại nhảy khác nhau sẽ giúp có một cái nhìn tổng quan về thế giới nhảy múa nói chung hay các thể loại nhảy đường phố nói riêng và văn hóa của nó. 

Không thử làm sao biết minh thích, phù hợp và có thể làm điều gì!

2. Sau khi đã trải nghiệm một thời gian


Tuy nhiên sau một thời gian luyện tập nhiều thể loại cùng một lúc, gắn bó với nhảy múa được một thời gian, bạn muốn giỏi hơn. Lúc này bạn nhận ra mình khó mà giỏi 5 - 10 bộ môn cùng lúc như thế được, hoặc tuy làm được mà bị kiệt sức. Bạn cảm thấy khó khăn để tập trung, sắp xếp thời gian, không đủ sức khỏe,... để đi sâu. Bạn cần hiểu một điều, để trở nên chuyên nghiệp trong bất cứ một lĩnh vực gì, cần đầu tư, sức lực, chất xám, cảm nhận và thời gian rất nhiều vào nó.

Đây là lúc bạn cần chọn một bộ môn để phát triển. Một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Biết nhiều quá lại thành không biết gì

Ngoài ra việc lắng nghe âm nhạc, thể loại âm nhạc nào mang lại cho bạn nhiều cảm hứng nhất, có thể nó là điều bạn yêu thích và phù hợp. Bởi nhảy luôn bao gồm chuyển động cơ thể cùng âm nhạc.

3. Giai đoạn phát triển chuyên nghiệp


Dù khó mà nói rằng ta có thể đạt đỉnh cao một điều gì! Nhưng sau khi đã thành thạo, đã hiểu về nền tảng của một thể loại nhảy. Bạn mong muốn có nhiều chất liệu, kỹ thuật hơn, hoặc chỉ đơn giản bạn có thêm niềm yêu thích với bộ môn, âm nhạc nào đó. 

Đây là thời điểm thích hợp để bạn luyện tập thêm một thể loại khác để tạo nên sự đa dạng trong chuyển động của bản thân cũng như sự nghiệp của mình. 

Và với việc đã luyện tập đủ nhiều và đủ lâu cho một môn, thì việc tiếp thu nền tảng của bộ môn khác sẽ dễ dàng hơn với bạn.

4. Đừng tự giới hạn bản thân


Chúng ta chỉ sống một lần trên đời, đừng tự giới hạn mình, hãy làm những gì bản thân mình thích và cảm thấy hạnh phúc nhất. Trước khi hỏi lời khuyên từ người khác, hãy xác định điều gì khiến mình vui vẻ, và mình thực sự muốn làm gì, từ đó đưa ra những hành động phù hợp.

Như Lâm Sedechu (Dancer Hip Hop Việt Nam) đã chia sẻ: “Nhảy múa gắn liền với âm nhạc, không có âm nhạc sẽ không có nhảy múa. Nên là lắng nghe bản thân mình cảm nhận như thế nào về tình yêu với âm nhạc, và chiều bản thân mình đẫm với thứ âm nhạc đó bằng chuyển động cơ thể, thế thôi. Mỗi người một mục đích, hiểu mục đích của bản thân, luôn hỏi và lắng nghe bản thân mình muốn gì, và thỏa mãn bản thân mình nhé.”

Thậm chí tạo nên thể loại của riêng bạn như Dancer Salah (một Dancer nổi tiếng thế giới đến nay vẫn hoạt động năng nổ dù đã hơn 40), ông đã gọi thể loại nhảy của mình là “PABE” vì nó bao gồm: Popping, Animation, Boogaloo và Effect (Hiệu ứng).

Tập gì cũng được, nhảy như thế nào cũng được. Hưởng thụ âm nhạc và quá trình chơi cùng nó nhé!

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.