Hiện nay, ngày càng nhiều các tác phẩm âm nhạc nói chung và nhạc Rap nói riêng được ra đời. Đã có rất nhiều trường hợp vướng vào tranh chấp, kiện tụng về bản quyền tác phẩm. Vì vậy, để bảo vệ công sức sáng tạo của các tác giả, điều cần thiết sau khi tạo ra một bản Rap là tiến hành đăng ký bảo hộ bản quyền.
1. Bản quyền (Quyền tác giả) là gì?
Bản quyền đối với một tác phẩm Rap chính là quyền tác giả đối với tác phẩm này. Theo Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Các quyền này chỉ tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện.
1.1. Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau:
Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên trên tác phẩm; Được nêu tên thật hoặc nghệ danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
1.2. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau:
Làm tác phẩm phái sinh; Biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Sao chép tác phẩm; Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
2. Thành phần hồ sơ cần chuẩn bị khi đăng ký bản quyền:
- Tờ khai đăng ký quyền tác giả theo mẫu 01 ban hành kèm theo Thông tư 08/2016/TT-BVHTTDL;
- 02 bản sao tác phẩm Rap đăng ký quyền tác giả;
- Giấy ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền);
- Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ (nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa);
- 01 bản sao CMND/ CCCD của tác giả (chứng thực trong vòng 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký bản quyền);
- Văn bản đồng ý của các đồng tác giả (nếu tác phẩm có đồng tác giả);
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu (nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung).
Lưu ý: Các tài liệu phải được làm bằng Tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/ chứng thực.
3. Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký bản quyền:
Có hai hình thức nộp hồ sơ, một là gửi hồ sơ trực tiếp, hai là gửi qua bưu điện tới địa chỉ trụ sở Cục bản quyền tác giả tại số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, quận Ba Đình, Thành Phố Hà Nội; hoặc Văn phòng đại diện Cục bản quyền tác giả tại 170 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP.HCM; hoặc Văn phòng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại số 58 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ; Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
4. Có nên đăng ký bản quyền cho một tác phẩm nhạc Rap?
Việc đăng ký bảo hộ bản quyền tác phẩm nhạc Rap có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tác giả. Đó là sự khẳng định, công nhận về sức lao động, sự sáng tạo trong nghệ thuật của tác giả. Đồng thời công khai về quyền của tác giả đối với tác phẩm - đứa con tinh thần của mình. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp do tác phẩm bị người khác đạo nhái, sử dụng trái phép,… tác giả sẽ được Pháp luật bảo vệ.
Hiện nay, nhạc Rap ngày càng trở nên phổ biến và thịnh hành trên thị trường âm nhạc Việt Nam. Đã có không ít trường hợp các cá nhân/ tổ chức sử dụng tác phẩm Rap của người khác vì mục đích kinh doanh nhưng không qua đàm phán, thương lượng hay xin phép tác giả. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới danh tiếng cũng như lợi ích kinh tế và xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền của tác giả. Thâm chí, có trường hợp tác phẩm bị người khác đạo nhái và đăng ký bản quyền trước khiến tác giả bị mất quyền đối với tác phẩm do chính mình sáng tạo ra.
Do đó, đi cùng với việc sáng tác, để bảo vệ quyền của mình đối với tác phẩm nhạc Rap, các tác giả cần đặc biệt quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ bản quyền và thực hiện càng sớm càng có lợi.
*Bài viết có tham khảo tài liệu của Cơ quan nhà nước và một số Công ty Luật hoặc ngành nghề liên quan
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.