Cách phân biệt Street Art và Graffiti

Cách phân biệt Street Art và Graffiti

Có phải mọi bức tranh trên đường phố đều được gọi là Graffiti? Điểm khác biệt giữa Street Art và Graffiti là gì?

Mời anh em cùng VHĐP tìm hiểu nhé!

Hình thức


Các bức tranh Graffiti chủ yếu dựa trên hình thức “Chữ”: Các nghệ sĩ sử dụng lặp đi lặp lại một ký hiệu, từ hoặc chuỗi ký tự làm chữ ký. 

Tag là phong cách Graffiti phổ biến và được cho là mang tính biểu tượng nhất, cũng là điểm khởi đầu cho bất kỳ nghệ sĩ Graffiti nào. Lần đầu tiên được sử dụng bởi các băng nhóm muốn đánh dấu lãnh thổ, sau này được phát triển thành nhiều phong cách mới mẻ, phức tạp hơn. Hoặc phong cách Throw up đặc trưng bởi các chữ cái tròn được sơn bằng hai màu…

Vậy nên chúng ta mới thường gọi là Graffiti Writer (động từ write có nghĩa là viết).

Street Art mặc dù có nguồn gốc từ Graffiti nhưng thường sử dụng hình ảnh để khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc của khán giả, khá tương đồng với tranh tường. Nó cũng bao gồm nhiều hình thức khác như: Hội họa, điêu khắc hay ánh sáng,... nhưng nói chung tranh vẫn là hình thức Street Art phổ biến nhất. 

Đối tượng nhắm đến


Đối tượng của Graffiti là những nghệ sĩ Graffiti khác. Tag như được xem là một hình thức giao tiếp giữa những nghệ sĩ với nhau. Các nghệ sĩ Graffiti nói chung không quan tâm đến phản ứng của công chúng đối với tác phẩm của họ. Graffiti không nhằm mục đích làm hài lòng hay kết nối với số đông, phần lớn là một phương tiện để thể hiện bản thân hơn.

Còn Street Art thì khán giả của họ không chỉ là những nghệ sĩ khác mà hướng đến công chúng. Street Art thường có tính chất biểu diễn nên hình ảnh bắt mắt, dễ hiểu và được đánh giá cao hơn trong mắt các doanh nghiệp, tổ chức cộng đồng. Trong khi Graffiti có thể bị những người không thuộc cộng đồng hay tham gia môn nghệ thuật này khó đọc, khó hiểu.

Tính hợp pháp


Graffiti chủ yếu được vẽ mà không được phép. Thời kỳ mới hình thành, Graffiti phần lớn được xem là một hành động nổi loạn, các nghệ sĩ sẽ được tôn trọng hơn nếu vẽ ở những nơi nguy hiểm hay không được cho phép. Tính bất hợp pháp của loại hình nghệ thuật này thật chất là một yếu tố văn hóa, mặc dù ngày nay đã không còn phù hợp nữa.

Mặc dù có nguồn gốc từ Graffiti, nhưng Street Art khác với Graffiti về nhận thức. Street Art chủ yếu được vẽ với sự cho phép. Mặc dù các nghệ sĩ Street Art có thể bắt đầu sự nghiệp vẽ mà không được phép hoặc thỉnh thoảng vẽ bất hợp pháp, nhưng hầu hết nghệ thuật đường phố đều là hợp pháp cả.

Sự đào tạo


Các nghệ sĩ Graffiti thường tự học, tự mày mò từ bạn bè, người thân. 

Trong khi nghệ sĩ Street Art thường được tạo thành (mặc dù không phải lúc nào cũng vậy).

Kết luận


Mặc dù mang một số đặc điểm riêng, nhưng có lẽ không cần phải luôn tách bạch hai khái niệm nghệ thuật này bởi chúng đã luôn đồng hành cùng nhau từ những ngày đầu. Trong nhiều trường hợp cũng khó mà định nghĩa rõ ràng, có những tác phẩm hay nghệ sĩ mang những đặc điểm của cả Street Art và Graffiti tùy lựa chọn, tình huống và mục đích cụ thể.

Các ranh giới giữa Street Art và Graffiti cũng thường xuyên bị xóa nhòa trong đời sống. Ví dụ như những tác phẩm của Banksy vẫn thường dùng hình làm nền tảng nhưng trái lại thường được thực hiện khi không có sự cho phép.

Phân biệt giúp chúng ta sẽ có nhiều kiến thức nhưng nghệ thuật thường không gói gọn trong những định nghĩa mà là để mọi người cảm nhận. Xã hội luôn thay đổi và phát triển từng ngày, các nghệ sĩ vẫn luôn xả thân cống hiến hết mình cho nghệ thuật hay lý tưởng lớn lao hơn.

Cuối cùng, quan trọng hơn hết là được làm những điều mình yêu và yêu những điều mình làm phải không anh em!

Nếu còn thêm chia sẻ nào đừng quên chia sẻ cùng VHĐP nhé!

Peace,

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.