Các thế hệ Hip Hop đã không còn những bức tường

Các thế hệ Hip Hop đã không còn những bức tường

Năm nay là cột mốc kỷ niệm văn hóa Hip Hop được 50 tuổi, và khắp nơi trên thế giới đều mở tiệc ăn mừng. Đặc biệt là tại New York, nơi nền văn hóa này được thai nghén và sinh ra những hình thức nghệ thuật trong nó. 

Còn tại Việt Nam, văn hóa Hip Hop xem như cũng lớn lên ngót nghét gần 30 năm, đây cũng là một độ tuổi trưởng thành nhất định của một đời người hay cả với một nền văn hóa. 

Sau 2 năm bị giam hãm bởi dịch Covid, không cần nói thì ai ai cũng dễ dàng nhận thấy rằng năm nay anh em hoạt động hết suất ga ở tất cả các mảng miếng, bộ môn. 

Sức trẻ, sự khao khát, tình yêu và cả sự cống hiến trong nhiều năm chưa từng bùng nổ đến như vậy!


Hip Hop - tuy là nền văn hóa vay mượn từ những người anh em da màu, nhưng anh em ta đang vun đắp sắc màu của mình lên nó. 

Hơn cả những phần thưởng từ những cuộc thi quốc tế, hay những sân chơi lớn thế giới bắt đầu được đặt điểm tại các vùng đất xinh đẹp tại Việt Nam. Công nhận một điều rằng, Hip Hop Việt đang tìm ra những sắc màu riêng biệt - là chính mình. chơi theo cách của mình. Mang Hip Hop Việt Nam lên bản đồ thế giới bằng những hành động từ nhỏ đến lớn, một cách thực tế và tâm huyết nhất

Và tôi cho rằng không có gì lại ĐÚNG HƯỚNG như thế. Chúng ta đang CÙNG NHAU đi đúng hướng!

Bản tính của người Việt Nam từ lâu đời vốn đã là nỗ lực và chăm chỉ, từ xưa ông bà tổ tiên đã có đức tính chịu thương chịu khó. Chúng ta cũng thừa hưởng bộ Gen đó, cộng thêm một tư duy cải tiến, một tâm hồn màu mỡ.

Nhớ năm nào già trẻ vẫn tranh cãi về mới cũ, là Old School và New School, thế nào là đúng và sai… Thì bây giờ mọi người đã bắt đầu cởi mở hơn về cách tiếp cận các hình thức nghệ thuật của nhau, hấp thụ nhau, vẫn giữ những gì cần giữ nhưng không cản trở những dòng chảy mới.

Và quan trọng nhất là KẾT NỐI và TÔN TRỌNG.


Như một bài báo đã từng đề cập Dr. Dre nói rằng tuy ông không nghe được nhạc bây giờ nhưng ông không ghét nó. Chúng ta chứng kiến những người OG đi tham dự các giải đấu, thậm chí cả những người được xem là đầu tiên và sinh ra thứ nghệ thuật đó. Họ không ngần ngại giới thiệu với giới trẻ lại tên tuổi của mình, đem cái chất gốc gác của mình mà không có rào cản lớn - bé nữa. Còn người trẻ thách đấu người lớn với mong muốn học hỏi thực sự, hết mình mà không sợ phải phật lòng.

Tôi cho rằng đó chính là cách mà chúng ta cùng chung sống hạnh phúc khi tôn trọng lẫn nhau.

Bởi càng đa dạng càng hấp dẫn, càng đông lại càng vui, càng cọ xát lại càng được học hỏi!

Sự giao thoa của hai thế hệ chưa từng đậm đà đến như thế, chưa từng được xuyên qua như thế.

Thế hệ sau tôn trọng (một cách thực sự) và học hỏi thế hệ trước! 

Thế hệ trước chấp nhận và học hỏi thế hệ sau!

Vì đó là cách một người trưởng thành xử sự, của những con người sống trong một nền văn hóa xử sự.

Như chia sẻ của anh Ben Phan (Một Hip Hop Dancer lâu năm) trong giải đấu Chủ động chơi gần đây: ”Mỗi khi mình mất cảm hứng, mất động lực trên con đường. Mình nhìn những đàn anh lớn, họ vẫn đang sống với đam mê, rồi mình nhìn các bạn trẻ thế hệ mới và học hỏi từ nó… và mình bước tiếp…"

Chữ Respect là một từ mà dân Hip Hop vẫn thường dùng ở những thập kỉ trước. Tuy bây giờ nó không xuất hiện ngay chót lưỡi đầu môi như hồi đấy, nhưng tôi biết rằng chúng ta đã chẳng cần nói nữa!  

Bởi trong tim mỗi người bây giờ đều biết cách tôn trọng bản thân, tôn trọng những người anh em và cả nền văn hóa này!

Tôn trọng, 

...

*Nguồn ảnh: Sơn Clown.

*Tác giả: Minus.

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.