Có vô vàn các khái niệm khi nói đến bộ môn trượt ván, không phải chỉ vì nó nghệ, mà nó còn thật sự là một môn thể thao khá khó chơi, đặc biệt là với những người mới tiếp cận với chiếc ván lần đầu tiên trong đời.
Một trong những thuật ngữ mà ắt hẳn nếu anh em thật sự yêu thích bộ môn trượt ván và có tìm hiểu về nó thì phải biết đến, đó chính là Board Feel - Hay nói nôm na là cảm giác ván. Vậy Board Feel là gì? Nó có quan trọng không mà người ta lại nhắc nhiều đến vậy? Hãy cùng VHĐP giải đáp trong ngày hôm nay.
Board Feel là gì?
Board Feel - Hay còn được gọi là cảm giác ván, cơ bản là tất cả những gì mà cơ thể anh em cảm nhận được từ những chuyện động của chiếc ván dưới chân mình. Điều đó bao gồm từng cái nảy, từng cái chạm của chiếc ván với mặt phẳng mà mọi người đang tác nghiệp, dù đó có là ở sân trượt, ở ngoài phố, hay trên vỉa hè.
Một người được coi là có Board Feel tốt khi họ thật sự nhạy cảm với những dao động mà chiếc ván phản hồi lên cơ thể. Điều đó sẽ mang đến một số những lợi thế nhất định khi anh em chơi bộ môn này, nhưng tất nhiên nó cũng sẽ có những mặt tối. Và đó là gì thì mời mọi người đi đến phần tiếp theo.
Tại sao Board Feel lại quan trọng trong trượt ván?
Giống như khi lái xe, người ta hay nói về cái cảm giác mà chúng ta cảm nhận được từ vô lăng khi chiếc xe có những tác động với mặt đường. Nếu cảm nhận này đủ nhạy thì tài xế sẽ có thể xoay sở tốt hơn trong những tình huống giao thông, đặc biệt là trong các địa hình gồ ghề và hiểm trở.
Đối với các Skaters thì Board Feel cũng có tầm quan trọng tương tự như vậy, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả thế. Một người nhạy cảm với chiếc ván trượt sẽ có khả năng kiểm soát nó tốt hơn rất nhiều so với phần còn lại.
Lấy một ví dụ cụ thể, khi đang thực hiện một cú trick mà nếu chẳng may có một sự sai lệch nào đó thì các tuyển thủ có cảm giác ván tốt sẽ ngay lập tức nhận ra điều này. Điều này có được nhờ vào khả năng tiếp nhận một cách chính xác nhất những dao động mà chiếc ván đang truyền lên cơ thể, giống như là đang “nói chuyện” với nó.
Từ đó, skaters sẽ có thể đưa ra những sự điều chỉnh kịp thời để cho cú trick của mình có thể được diễn ra một cách hoàn hảo nhất, có thể là cuối thấp xuống một chút nữa, hay nghiêng người một ít, chân để cao hơi một tẹo,... Đó là lý do tại sao chúng ta cần có một cảm giác ván thật sự tốt.
Tuy nhiên không phải cứ có Board Feel tốt thì anh em sẽ trở thành một "trượt thủ" cừ khôi và có thể chinh phục cả thế giới. Theo lý thuyết thì để có thể cảm nhận được ván một cách tốt nhất đòi hỏi khoảng cách từ bàn chân cho đến mặt phẳng ván phải là nhỏ nhất. Và điều này sẽ có liên hệ trực tiếp đến đôi giày mà anh em đang mang, đặc biệt là phần đế.
Đôi giày với cái đế dày cộm sẽ mang đến những sự hỗ trợ tốt nhất cho đôi bàn chân khi trượt ván, giúp phần nào hạn chế những pha chấn thương cũng như hậu quả mà nó để lại. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc anh em phải hy sinh đi cảm giác ván của mình, vì với những sự hỗ trợ mà đôi giày mang lại thì cái cảm giác trần trụi nhất của đôi bàn chân nay cũng đã không còn nữa.
Vậy thì chẳng phải chỉ cần lựa chọn một đôi giày với phần đế mỏng thì sẽ giải quyết được vấn đề hay sao? Đúng là nó sẽ giải quyết được, nhưng điều này sẽ kéo theo một vấn đề nan giải khác. Một đôi giày với phần đế quá mỏng sẽ không thể nào mang đến cho các anh em một sự hỗ trợ tốt nhất mà đáng lẽ nó nên có. Yếu tố ấy sẽ được miêu tả một cách rõ ràng nhất khi chẳng may chân anh em bị va chạm, hay vô tình đạp phải một thứ gì đó khi đang trượt.
Hơn nữa, trượt ván là một môn thể thao mà đòi hỏi đôi giày sẽ bị tác động cực kì nhiều, đặc biệt là phần đế. Nó sẽ đóng vai trò là bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với mặt phẳng ván, phải trải qua những lần cà xuống mặt đường do anh em cần thắng gấp,...
Một đôi giày cứ cho là có phần vải được làm từ chất liệu thượng hạng, nhưng có phần đế quá mỏng mà lại còn phải va chạm nhiều thì chắc chắn nó phải chịu áp lực cực lớn trước sự mài mòn. Điều này sẽ dẫn đến trình trạng đôi khi mặc dù phần thân trên của đôi giày vẫn còn mới nhưng cái đế thì đã bét nhè. Bắt buộc chúng ta phải thay một đôi khác.
Bàn cân lúc này sẽ chỉ có hai yếu tố, thứ nhất là Board Feel - Cảm giác ván và thứ hai là sự hỗ trợ cho đôi bàn chân. Và luật chơi đòi hỏi chúng ta phải chọn một. Còn nếu "tham lam" mà chọn cả hai thì anh em phải hiểu rằng là sẽ chẳng có một mặt nào thật sự nổi trội cả. Điều này dễ mang đến cái cảm giác “chưng hửng” khi trượt ván. Tất cả đều rất đáng để cân nhắc.
Cách để gia tăng Board Feel khi trượt ván
Vậy làm thế nào để gia tăng Board Feel khi trượt ván? Thật ra có một vài cách mà chúng ta có thể áp dụng để gia tăng cảm giác ván. Đầu tiên, và cũng là tôn chỉ mà anh em luôn phải hướng đến, đó chính là lao đầu vào tập luyện. Nếu ngày một tập mà không có cảm giác gì thì phải đi tiếp đến ngày hai, ngày ba,... Dần dần thì trái ngọt sẽ đến.
Có thể mọi người sẽ thấy điều này hơi “thừa thãi” và mang nặng mùi hiển nhiên nhưng đó là một sự thật. Chúng ta chán ghét tập luyện chỉ vì mọi người luôn có cái cảm giác khó chịu khi bản thân liên tục bị thúc đẩy phải cố gắng và vượt qua giới hạn. Từ đó chúng ta ác cảm luôn với những cái lời khuyên kiểu như là “mày phải tập luyện thật nhiều”, hay “mày phải tiến bộ hơn nữa".
Nhưng mà các bạn ơi, muôn đời nay sự thật chỉ có một, đó chính là muốn kim thành sắt thì bắt buộc chúng ta phải mài. Dù đó là mài bằng tay hay bằng máy đi chăng nữa thì cốt lõi là chúng ta vẫn phải mài. Vì vậy nên điều đầu tiên chính là hãy luyện tập thật chăm chỉ. Thành quả sẽ đến vào lúc mà anh em nhận ra rằng mình thực hiện một cú trick khó nhằn thật dễ dàng, trong khi hai tháng trước thì còn té lên té xuống khi đứng trên chiếc ván trượt.
Cách thứ hai thì như đã nói ở phần trên, đó chính là anh em hãy tìm một đôi giày có phần đế mỏng để đi trượt ván. Một cái đế mỏng theo lý thuyết sẽ mang đến cho đôi bàn chân những cảm giác chân thực nhất mà chiếc ván phản hồi lên cơ thể.
Tuy nhiên đây chỉ là một lời khuyên và VHĐP vẫn luôn khuyến khích anh em hãy lắng nghe bản thân mình một cách rõ ràng nhất. Chọn một đôi giày đế dày hay để mỏng còn tuỳ theo sở thích cũng như là phong cách của mỗi người. Và có những bạn mang một đôi giày với phần đế dày cộm nhưng vẫn có cảm giác ván cực kì tốt.
Kết Luận
Nói tóm lại thì Board Feel là cảm giác với chiếc ván trượt, và nó cũng chỉ có vậy. Chúng ta cũng không nên thổi phồng quá nhiều về khái niệm này. Tuy nhiên, đây thật sự là một trong những khía cạnh rất đáng lưu tâm khi nói đến bộ môn trượt ván.
Anh em thấy thế nào? Liệu mọi người đã có câu trả lời cho cái bàn cân giữa cảm giác ván/sự hỗ trợ cho chân mà tác giả đã đặt ra ở đoạn 2 hay chưa? Đừng ngần ngại mà chia sẻ quan điểm tại vanhoaduongpho nhé.
nguồn ảnh: Sai Gon Skateshop
Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.