Bí mật ẩn giấu trong Logo của Stussy?

Bí mật ẩn giấu trong Logo của Stussy?

Khởi đầu tại một bãi biển vào đầu những năm 1980s, ban đầu Shawn Stussy - cha đẻ của thương hiệu Stussy chỉ muốn sản xuất quần áo để quảng bá cho thương hiệu ván lướt sóng. Ông dùng một cây bút rồi vẽ ra tên mình, nói đúng hơn thì đó là một chữ ký, sau đó in lên áo và bán. Stussy chả thể nào ngờ thiết kế đầu tay của ông lại được mọi người ủng hộ đến thế, để giờ đây người ta chỉ nhớ Stussy như là một thương hiệu thời trang lão làng, chứ chả ai biết rằng nó từng là một hãng bán ván lướt sóng. 


Không cần bàn cãi, Stussy chính là một trong những thương hiệu có Logo nhìn “nghệ” nhất mà chúng ta từng biết. Sau một thời gian tồn tại, Shawn Stussy tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng cũng như mức độ nhận diện thương hiệu của đứa con tinh thần. Ông đã quyết định cho ra đời thêm một cái Logo khác, nhìn giống như hai cái móc được ngoéo vào nhau. 

Stussy Link Logo

Thật ra đó không phải là hai cái móc, mà chính là hai chữ S - đại diện cho Stussy. Nếu anh em nhìn ký hiệu này thấy quen quen thì mọi người đã nghĩ đúng hướng… nó giống “một chín một mười” với Logo của Chanel.

Logo Chanel

Sự thật thì Stussy đã lấy cảm hứng từ chính Chanel. Chữ C nay đã được đổi thành S, hai ký tự được đặt ngược đối nghịch nhau rồi kết thúc với một vòng tròn bao quanh. Chỉ đơn giản như vậy thôi mà Shawn Stussy đã tạo ra một trong những hình tượng “iconic” nhất trong giới thời trang.

Hành động này cũng dễ hiểu, bởi từ lâu ta đã biết rằng Stussy bị ảnh hưởng rất nhiều bởi High-Fashion. Càng thú vị hơn nữa đó là hãng đã mượn ý tưởng từ Chanel nhiều hơn một lần. Trong quá khứ, Stussy từng sản xuất một chiếc T-Shirt lấy cảm hứng từ chính chai nước chai nước hoa Chanel No. 5 đình đám. 


Có thể nói Stussy chính là thương hiệu đầu tiên dùng chiêu trò “lấy cảm hứng” đầy tinh quái, nhưng cũng gây không ít tranh cãi nêu trên. Giờ đây hành động này đã trở thành một phần của thời trang đường phố. Nó mở ra một thế giới rộng mở hơn, nơi sự sáng tạo có thể được thỏa sức bung tỏa, nhưng bên cạnh đó bạn phải đủ khéo léo để tạo ra những thiết kế tinh tế, không làm cho người khác phải chỉ trích. 

Nước đi của Stussy là khởi nguồn cho nhiều câu chuyện thú vị xảy ra giữa các hãng thời trang đường phố sau này. Điểm hình nhất có lẽ là vụ giữa Supreme và Patagonia vào năm 1998, để rồi nó đẩy số tiền mà người dùng phải chi ra cho thiết kế đến từ hai thương hiệu này lên 9, thậm chí 10 con số. 


Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.