Nghệ sĩ graffiti Suby One: “Việt Nam sẽ là tâm điểm Graffiti của Đông Nam Á”

Nghệ sĩ graffiti Suby One: “Việt Nam sẽ là tâm điểm Graffiti của Đông Nam Á”

Sinh ra và lớn lên tại Pháp, Suby One tiếp xúc và say mê Graffiti từ khi còn rất trẻ. Với anh, Graffiti là ngôn ngữ để truyền đạt cái tôi của tuổi trẻ. Trở về quê hương, Suby mong muốn góp sức đưa môn nghệ thuật đường phố này phát triển rực rỡ hơn tại Việt Nam.

Chào Suby One, theo anh những khó khăn và cơ hội của Graffiti tại Việt Nam là gì?

Tương tự như thời kỳ đầu của bộ môn nghệ thuật đường phố này ở châu Âu, Graffiti tại Việt Nam hiện nay vẫn bị xem là những nét vẽ “nguệch ngoạc” mang tính phá hoại. Nhưng theo thời gian, Graffiti sẽ được công nhận là nghệ thuật bởi ngày càng có nhiều tác phẩm xuất hiện và lan tỏa mạnh mẽ hơn, ngày càng có nhiều nhà hoạt động nghệ thuật đường phố và các ngành kinh doanh, đặc biệt là các thương hiệu thời trang lớn sử dụng Graffiti như công cụ marketing. Người Việt rất tài giỏi và sáng tạo, có lẽ Việt Nam sẽ trở thành một trong những tâm điểm của nghệ thuật Graffiti tại Đông Nam Á trong tương lai gần.


Theo anh, Graffiti thường bị hiểu lầm như thế nào?

Họ nói Graffiti không phải nghệ thuật mà là sự phá hoại. Nhưng vì người ta hay sợ những gì họ không hiểu nên thay vì chứng minh họ sai, tôi cứ tiếp tục tập trung vào công việc sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Qua thời gian, tôi thấy nhiều người trân trọng Graffiti hơn bởi chúng mang lại những màu sắc mới lạ cho nhịp sống tại Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn.

Graffiti tại Việt Nam và châu Âu có nhiều khác biệt không?

Tuy Graffiti đang trên đà phát triển nhưng để sống dựa vào môn nghệ thuật này tại Việt Nam hiện nay là rất khó. Mọi thứ còn mới mẻ, chưa có nhiều cơ hội để các nghệ sĩ thể hiện tài năng và kiếm sống. Còn ở châu Âu, nghệ thuật đường phố là một nhu cầu lớn trong đời sống văn hóa người dân. Các phòng triển lãm thường cộng tác cùng những nghệ sĩ Graffiti, có rất nhiều buổi đấu giá dành cho nghệ thuật Graffiti với số tiền lên đến hàng triệu đô-la.

Anh tìm cảm hứng sáng tạo từ đâu?

Cảm hứng sáng tạo đến từ mọi thứ tôi thấy trong cuộc sống, từ những gì diễn ra trên đường phố cho đến những trang tạp chí đầy sắc màu, nhưng có lẽ đặc biệt hơn tất cả chính là âm nhạc. Tôi yêu việc truyền tải những âm thanh, giai điệu thành những hình ảnh, đường nét của màu sắc và ngôn từ.


Anh nghĩ như thế nào về văn hóa Underground tại Việt Nam?

Văn hóa Underground là khởi nguồn của những làn sóng nghệ thuật tuyệt vời, khai sinh ra những nghệ sĩ tài năng, tồn tại khác biệt và song song với nền văn hóa đại chúng. Underground Việt Nam mạnh mẽ và trong tương lai sẽ mang lại nhiều điều bất ngờ thú vị hơn với sự góp mặt của những thế hệ mới trẻ đầy tài năng, ôm ấp nhiệt huyết thể hiện bản thân mạnh mẽ.

Anh muốn gửi gắm điều gì đến những người yêu Graffiti?

Đừng bận tâm về những phán xét, cứ tiếp tục cải thiện kỹ năng và trau dồi sự sáng tạo. Dù bạn làm gì, hãy tận hưởng quá trình đó, tự thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn rồi truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo tạo ra nhiều tinh hoa của nghệ thuật Graffiti hơn nữa.


Về Suby One

Là một người Pháp gốc Việt, tên đầy đủ của anh là Bui Trang Suby. Từ lần đầu tên khám phá Graffiti vào năm 1992, các tác phẩm của anh xuất hiện nhiều trên những khu vực tàu điện ngầm của Paris. Sau đó, Suby chuyển hướng sang những gallery với tư cách là nghệ sĩ Graffiti và nhà điêu khắc. Phong cách đặc trưng của anh là sự rực rỡ của sắc màu.

Những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp:

• Tháng 12/2012 – 1/2013: Tổ chức triển lãm “Reborn SubyOne” tại Paris, Pháp.

• Tháng 4 – 7/2014: Tổ chức triển lãm “Build and Destroy” tại Paris, Pháp.

• Tháng 4/2016: Tổ chức triển lãm “Time” tại Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh, Việt Nam.

• Từ năm 2013 đến 2016: Mở phòng trưng bày nghệ thuật đường phố đầu tiên tại Việt Nam có tên Giant Step.

Suby yêu thích phong cách Graffiti của Mode2, Daim và Skeme. Ngoài ra, anh thích nghe dòng nhạc Soul, thần tượng lớn của anh là Marvin Gaye và Gil Scott-Heron.

Mời bạn đọc nghe thêm những chia sẻ và tâm huyết của người nghệ sĩ này qua video sau:

Theo Tạp chí Phái mạnh ELLE Man.

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.