Hơn 20 tác phẩm trong triển lãm tranh Basquiat là giả

Hơn 20 tác phẩm trong triển lãm tranh Basquiat là giả

“Heroes and Monsters” - một triển lãm tranh đình đám, được báo đài quảng bá rầm rộ là mang đến những tác phẩm “chưa từng được công bố" của cố nghệ sĩ Basquiat, mở cửa đón những lượt khách tham quan đầu tiên vào 11/2/2022, tại Orlando Museum, Hoa Kỳ. Tuy nhiên đằng sau những lời quảng cáo hào nhoáng này là một triển lãm gồm toàn… tranh giả. 


Triển lãm “Heroes and Monsters” kéo dài hơn 4 tháng. Mọi thứ ban đầu diễn ra khá thuận lợi, cho đến khi FBI đột kích bảo tàng và phát hiện 25 tác phẩm đang được trưng bày là giả mạo hoàn toàn. 

Vậy tại sao FBI bỗng nhiên lại đột kích Orlando Museum? Theo các báo cáo cho biết, FBI đã nghi ngờ các bức tranh của Basquiat do một người trong nội bộ bảo tàng tố cáo. Người này cho biết các bức tranh không có chứng nhận xác thực từ gia đình hoặc quỹ của Basquiat, và có dấu hiệu của sơn dầu, trong khi Basquiat chỉ sử dụng sơn Acrylic. Thêm một chi tiết khá “buồn cười" khác là trong số các tác phẩm được lưu giữ, có một tác phẩm được vẽ trên bìa giấy có Logo của FedEx. Hãng vận chuyển giới thiệu Logo này vào năm 1994, trong khi Basquiat đã mất trước đó, vào năm 1988 do dùng thuốc quá liều. 



Một số các tác phẩm tại buổi triển lãm

Aaron De Groft - cựu giám đốc của Orlando Museum được cho là chủ mưu, khi ông đã sắp xếp triển lãm để “hợp pháp hoá" các tác phẩm, sau đó bán chúng nhằm thu lợi hàng chục triệu đô thông qua những buổi đấu giá. Tuy nhiên âm mưu thâm độc của Aaron De Groft đã sớm bị FBI ngăn chặn.

Hiện Orlando Museum đang kiện ông này vì tội làm tổn hại danh tiếng bảo tàng. Trong khi đó Aaron De Groft thì vẫn chưa chấp nhận cáo buộc. Ông khăn khăn cho rằng các tác phẩm đó hoàn toàn là thật. 


Aaron De Groft

Đúng thật là “không biết đường nào mà lần”. Đứng trên cương vị khách tham quan, có lẽ cũng chẳng ai ngờ rằng các tác phẩm được cho là “chưa từng được công bố" của Basquiat mà họ đang chiêm ngưỡng, tấm tắc "khen lấy khen để", thậm chí còn có ý định bỏ ra vài chục tỷ để mua về là tranh giả. 

Vậy làm sao để không trở thành nạn nhân của những vụ lừa bịp tương tự? Thật ra đây là một câu hỏi khó trả lời. Khi mang ra triển lãm thì đa phần các bức tranh đều được đặt trong lòng kính. Chúng ta chỉ chiêm ngưỡng, không được sợ, chạm, thì làm sao biết chúng làm từ chất liệu gì? Trên cương vị khách tham quan, chúng ta chỉ còn biết đặt lòng tin vào tính minh bạch của ban tổ chức mà thôi. 


*Tác giả: Luna Ngô.  

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.