Hãy nhìn xem tại Mỹ Graffiti được tôn trọng như thế nào

Hãy nhìn xem tại Mỹ Graffiti được tôn trọng như thế nào

Một nhóm 21 nghệ sĩ Graffiti ở Mỹ đã được đền bù hơn 100 tỷ đồng khi tác phẩm của họ bị huỷ hoại. Nghe tưởng chừng như đùa, nhưng đây là một câu chuyện đã có thật. Qua đó ta thấy được tại nơi đây, Graffiti đã có chỗ đứng vững chắc bên cạnh nhiều loại hình nghệ thuật khác. 

Chuyện là vào năm 2013, Jerry Wolkoff - một tay mua bán bất động sản đã tự tay tẩy xoá hàng chục các tác phẩm Graffiti được vẽ trên tường của một nhà máy bỏ hoang. Wolkoff mua nó vào năm 1970 với giá 1 triệu đô. Sau này, những nghệ sĩ Graffiti thuyết phục anh để họ được tự do thể hiện tác phẩm trên tường của nhà máy. Và Wolkoff đã đồng ý. 

Jonathan Cohen - một nghệ sĩ Graffiti đã bắt đầu vẽ tại nơi đây vào đầu những năm 2002. Ông kêu gọi nhiều thêm nhiều anh em đến và tự do thoả mãn đam mê nghệ thuật của mình. Những tác phẩm thật sự ấn tượng, được cộng đồng ủng hộ thì sẽ tồn tại. Bằng không thì nó sẽ biến mất theo quy luật của thời gian. 

Kể từ đó, có rất nhiều nghệ sĩ lui tới nơi này để “tác nghiệp”. Biến nó thành một cái “bảo tàng ngoài trời” theo đúng nghĩa đen. Khu vực này được họ đặt tên là 5Pointz. 


Tuy nhiên bất thình lình vào tháng 11 năm 2013, Wolkoff tự ý xóa hết các tác phẩm trên tường nhà máy, nhằm mục đích xây dựng những căn hộ mới. Khi ấy, 5Pointz đã tạo được tiếng vang lớn với cư dân thành phố New York. Nhiều khách du lịch cũng thường lui đến nơi này, nhưng giờ đây thứ mà họ yêu thích đã biến mất. 

Được biết, Wolkoff đã tự ý cho người đến để “tẩy trắng” các tác phẩm tại nơi đây trong đêm tối. Wolkoff biện hộ rằng ông làm vậy là vì muốn “tốt” cho các tác phẩm: “Lớp sơn của tôi sẽ giống như một lớp bảo vệ, công trình của các vị sẽ tồn tại mãi mãi bên dưới nó” - Wolkoff nói. Ông còn bồi thêm rằng mình đã khóc mếu máo khi thực hiện hành động này. 


Nhưng nói thì ai nói chả được. Cộng đồng những người yêu thích 5Pointz muốn hành động đáng lên án của Wolkoff được xử lý theo quy định của pháp luật. Một tuần sau, hơn 20 nghệ sĩ Graffiti đã đệ đơn kiện, cáo buộc hành vi huỷ hoại nghệ thuật của Wolkoff.

Chúng ta hãy cùng dừng lại một chút để đặt ra những câu hỏi. Nếu như hành động của Wolkoff là muốn bảo vệ các tác phẩm, tại sao ông không làm nó một cách công khai? Wolkoff hoàn toàn có thể thông báo cho 5Pointz một tiếng, rồi cùng tìm ra một biện pháp giải quyết tốt hơn, chứ không phải chỉ dùng mấy thùng vôi trắng rồi bôi mất đi tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ. “Nếu được thông báo trước, các nghệ sĩ đã có thể tìm biện pháp di dời tác phẩm, hoặc tìm cách để lưu giữ chúng” - Phía luật sư của 5Pointz lên tiếng. 

Cuối cùng vào tháng 11 năm 2017 - sau hơn 4 năm kể từ khi vụ việc xảy ra, toà án đã đưa ra phát quyết của mình. Wolkoff bị kết tội vì đã vi phạm Đạo luật về quyền của nghệ sĩ hội hoạ (VARA). Tổng cộng Wolkoff đã phá huỷ hơn 45 tác phẩm. Ông phải bồi thường cho nhóm nghệ sĩ Graffiti hơn 100 tỷ đồng (6.7 triệu đô la Mỹ). Được biết đây là khung xử phạt hành chính cao nhất trong VARA.

Vụ việc đã góp phần đưa sự công nhận mà mọi người dành cho Graffiti lên một tầm cao mới, rằng Graffiti cũng xứng đáng được bảo vệ bởi các quyền giống như những loại hình nghệ thuật khác. Sau khi thắng kiện, nhóm nghệ sĩ còn đăng tải lên Twitter một dòng trạng thái với tựa đề Công lý luôn thắng. Đó như là một lời khẳng định, một niềm tự hào vì công sức của họ đã được pháp luật thừa nhận. 


Hiện nay tại Việt Nam, Graffiti vẫn chưa được đón nhận một cách thiện chí. Từ vụ vẽ bậy trên toa tàu Cát Linh - Hà Đông, cho đến dự án Metro tại Depot Long Bình, tất cả đều khiến cho mọi người có cái nhìn không tốt về nghệ thuật Graffiti. Tuy nhiên nếu được đặt đúng nơi đúng chỗ, dân ta vẫn rất yêu thích loại hình nghệ thuật này. Chẳng hạn như chuỗi tác phẩm do các nghệ sĩ thực hiện tại dãy nhà trong khu chung cư 1A - 1B Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa Kao, Quận 1 được rất nhiều bà con nơi đây đón nhận. 


Tuy nhiên nói đi thì phải nói lại, ở Mỹ Graffiti đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Đất nước này được ví như là nơi khởi nguồn của văn hoá Graffiti. Còn tại Việt Nam, Graffiti chỉ mới được du nhập trong khoảng thời gian đầu những năm 2000. Chúng ta phải cần thêm thời gian để xã hội có cái nhìn đúng đắn hơn về loại hình nghệ thuật độc đáo này. 

*nguồn tin: npr Magazine và ý kiến cá nhân

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.