Danh sách 5 tác phẩm để đời của Keith Haring mà ai cũng phải biết

Danh sách 5 tác phẩm để đời của Keith Haring mà ai cũng phải biết

Ắt hẳn anh em đã không còn quá xa lạ gì với cái tên Keith Haring - Một huyền thoại Graffiti của thời đại. Riêng VHĐP cũng đã từng có một bài viết về ông. Nhưng hôm nay, chúng ta hãy tạm gác lại cuộc đời của vị hoạ sĩ tài năng này, để cùng VHĐP chỉ nhìn vào góc nhìn nghệ thuật và tìm ra 5 tác phẩm để đời của Keith Haring mà ai cũng phải biết. Qua đó, các bạn sẽ có thêm thông tin, cũng như hiểu được thông điệp ẩn đằng sau một vài bức vẽ mà Haring đã phát hoạ nên. 

The Last Rainforest (1989)

The Last Rainforest là tác phẩm được Keith Haring hoàn thành khi đã gần đất xa trời. Đây có thể được xem như một trong những công trình phức tạp nhất của ông, với hàng trăm những hình vẽ chồng chéo lên nhau. 

Đằng sau bức The Rainforest là hàng tá những thông điệp mà Keith Haring muốn gửi gấm vào những năm tháng cuối đời. Nó đã vượt xa ranh giới của một tác phẩm nghệ thuật đơn thuần để hoá thân thành một viên ngọc sáng - Với bàn mài là tất cả những va chạm xã hội, những định kiến về một người đồng tính nam, những cay đắng mà Haring đã phải nếm trải trong hơn 30 năm kiếp người. 

Silence Equal Deaths (1988)


Silence Equal Deaths là tác phẩm mà Keith Haring thực hiện vào đúng cái năm mình bị chuẩn đoán mắc căn bệnh AIDS. Ông thiết kế nó cho một phần poster của ACT UP - Một tổ chức mang trên mình sứ mệnh chiến đấu cho những nạn nhân mắc căn bệnh AIDS giống như Keith Haring. 

Theo nguồn tin ít ỏi mà VHĐP có được, phần tam giác màu hồng chứa đầy những con người - Mà nếu đặc bức tranh theo chiều ngang, họ tượng trưng cho những người đồng tính đang bị mệt thị, dè bỉu và đè nén xuống đáy cuộc đời bởi cái xã hội tàn độc trong thời kì Haring sinh sống. 

Trong bức tranh, nhóm người này đang thực hiện ba hoạt động: bịt tai, che mắt và phần miệng của họ. Đây cũng là hình tượng trong câu tục ngữ cổ: See no evil, hear no evil, speak no evil. Nó được hiểu theo rất nhiều tầng nghĩa khác nhau. Một trong số đó là việc con người ta giả vờ “mắt điếc mù tai” trước những thực trạng xấu xa diễn ra trước mắt mà chẳng đoái hoài để có một sự lên tiếng hay phản kháng.

Bức Silence Equal Deaths như là một thông điệp mà Haring gửi đi để thể hiện sự lên án mạnh mẽ trước những cá nhân đã lặng thinh đứng nhìn cộng đồng LGBT bị đàn áp dưới thời tổng thống Ronal Reagan.

 Untitled (1982)


Bức Untitled này là tác phẩm được Keith Haring chấp bút vào năm 1982 - Nằm trong series tranh cùng tên được ra mắt trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1984. Hiện tại nó đang là tác phẩm có giá trị cao nhất của Keith Haring từng được lên sàn đấu giá Sotheby’s - Với con số lên đến hơn 6 triệu đô, sương sương chỉ có hơn… 140 tỷ đồng tiền Việt mà thôi.

Phiên bản Untitled năm 1982 được Haring tạo ra trong khoảng thời gian mà nhân loại đang bước vào thời kỳ sử dụng năng lượng hạt nhân một cách điên cuồng. Ta có thể thấy rõ trong bức tranh hình ảnh một cột khói đang bùng lên bầu trời, trong đám khối ấy là hình ảnh trứ danh - Radiant Baby của Keith Haring. Nó đang bị tan biến theo làn khói, ý muốn nói rằng sự sống của nhân loại đang dần mờ nhạt và tan biến đi, dưới trình trạng sử dụng quá mức năng lượng hạt nhân. 

City Kid Speaks On Liberty 


Bức City Kid Speak On Liberty nổi tiếng không phải vì giá trị, mà vì chính quy mô và cách mà nó được tạo nên. Đây được xem như là bức hoạ lớn nhất mà Keith Haring từng hoàn thành trong cuộc đời nghệ sĩ của mình. 

City Kid Speak On Liberty được cho ra đời tại Jacob K.Javits Convention Centre, vào đúng năm thứ 100 mà Tượng nữ thần tự do tồn tại trên đất Mỹ. Tác phẩm đồ sộ này được hoàn thành chỉ trong vòng 3 ngày - Với sự giúp sức của hơn 1000 con người thuộc tổ chức CityKids - Nơi thu nhận những trẻ em từ 13 đến 22 tuổi và tạo điều kiện cho chúng có một môi trường phát triển lành mạnh, thông qua các chương trình giáo dục về cả sách vở lẫn nghệ thuật. Keith Haring là người phác thảo nên bức tranh khổng lồ này, sau đó những đứa trẻ cứ tập trung vào và vẽ một cách tự do, lấp đầy hết toàn bộ phần vẽ đã được ông định sẵn. Và cuối cùng ta có được bức City Kid Speak On Liberty vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay. 

Crack is Wack


Crack Is Wack là tác phẩm mà Keith Haring một lần nữa, mượn nghệ thuật để thể hiện cái nhìn của bản thân ông trước những tệ nạn xấu xa trong xã hội. Đây là một thông điệp phản đối trình trạng sử dụng ma tuý đá khi mà nó đang càn quét đất Mĩ. 

Crack Is Wack được vẽ tại một sân bóng ném đã bị bỏ hoang một khoảng thời gian dài. Có một sự việc khá thú vị liên quan đến tác phẩm này, đó chính là Keith Haring đã bị cảnh sát New York bắt giữ sau khi hoàn thành bức Crack Is Wack. Lý do là vì chả có chính quyền nào cho phép ông tự tiện vẽ lên tường tại một địa điểm công cộng, lại còn ngay giữa thanh thiên bạch nhật như thế cả. 

Thế nhưng ai lại có thể bắt giữ một người nghệ sĩ tài ba đang truyền tải thông điệp của mình đến với cộng đồng? Vài ngày sau đó, cảnh sát thành phố New Yorks buộc phải trả lại sự tự do cho Keith Haring dưới áp lực của truyền thông và người dân nơi đây. Đúng là ông cha ta có câu: “Luật vua cũng phải thua lệ làng!” 

Và đó là 5 tác phẩm của Keith Haring mà VHĐP cho rằng ai cũng phải biết. Danh sách này hoàn toàn là thuộc cảm quan cá nhân của tác giả, nên chắc chắn nó sẽ thay đổi dưới góc nhìn và quan niệm của mỗi con người. Vậy nên đừng quá khắt khe xem cái nào hơn cái nào, hay là tại sao tác phẩm yêu thích của bạn lại không nằm trong danh sách trên. Hãy cùng nhau giữ một tinh thần tích cực và cởi mở nhất có thể nhé. 

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.