Những lý do khách quan khiến một phần thế hệ Producer mới biến mất khỏi thị trường sản xuất Rap

Những lý do khách quan khiến một phần thế hệ Producer mới biến mất khỏi thị trường sản xuất Rap

Các Producer là người đứng đằng sau sự thành công của những bản nhạc. Nhưng hiện nay rất nhiều Nhà sản xuất mới vào nghề không thể sống được với nghề và gần như biến mất. Nguyên nhân của việc này là do đâu, chúng ta hãy cùng trả lời trong bài viết này.

1. Trình độ của Producer chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Yếu tố cần thiết của một producer đó là trình độ hay nói cách khác là kỹ năng và khả năng. Kỹ năng mà một producer phải biết đó là kỹ năng mix nhạc, chỉnh sửa bài hát, cân bằng âm thanh, hòa âm phối khí,... Khả năng của Producer là vận dụng tất cả kỹ năng của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên nhiều Producer mới lại không có đủ yếu tố này.

Hiện nay việc cắt ghép và mix sơ sơ một bài nhạc khá là đơn giản. Vì vậy nhiều producer cứ nghĩ rằng học nhiêu đó là đủ để làm nhạc rồi. Thế cho nên số lượng người làm sản xuất khá đông, nhưng chất lượng thì lại tồi. Và tất nhiên không ai muốn trả tiền cho một bản nhạc chất lượng thấp cả.

Thêm một điều nữa đó là cách học. Có rất nhiều những video chỉ cho bạn cách mix nhạc trên Youtube. Nhưng một thực tế đó là các Producer thạo nghề luôn giấu bài chứ không chia sẻ hết lên Internet. Vì vậy những thứ mà producer tân binh học được chỉ là bề nổi và cách học cũng chỉ là học lóm. Điều họ cần là một người thầy có tâm chỉ dạy cho họ những gì họ cần phải làm.

2. Niềm tin của khách hàng chưa dám đặt trọn vẹn cho Producer mới

Yếu tố thứ hai là niềm tin của khách hàng. Ai cũng muốn sản phẩm của mình được xử lý một cách chỉnh chu tỉ mỉ và chuyên nghiệp. Mà việc này thì chỉ có những người thạo nghề mới biết cách làm. Nên khi nghe người "mix nhạc" cho mình là một Producer mới chưa có kinh nghiệm, tự động Rapper sẽ mất niềm tin và từ chối hợp tác.

Thật ra điều này không chỉ nghề Producer mới gặp mà bất kỳ ngành nghề nào cũng gặp phải. Nhưng nó vẫn là thứ khiến những người mới không có cơ hội rèn luyện và thể hiện. Nhưng nếu lính mới không được rèn dũa thì làm sao có được những chiến binh trong tương lai.

Chúng ta không thể bắt khách hàng liều lĩnh đưa sản phẩm của họ cho Producer mới. Nhưng cũng có một giải pháp đó là nhờ sự hỗ trợ góp ý, hướng dẫn từ những đàn anh đi trước. Hoặc có thể trở thành người học việc từ những thế hệ tiền bối này.

3. Thị trường thay đổi, mình cũng cần thay đổi

Nếu tìm hiểu thì các bạn sẽ thấy các ca sĩ luôn làm việc với nhiều producer chứ không riêng một người nào. Lý do là mỗi người sẽ có một gu âm nhạc khác nhau và cái cách mà họ mix nhạc sẽ bị ảnh hưởng bởi gu đó. Vậy nên ca sĩ càng làm nhạc với nhiều producer thì phong cách của những bài nhạc càng đa dạng và mới lạ.

Nhưng chính vì bị ảnh hưởng bởi gu của mình mà nhiều producer không chịu thay đổi. Từ đó số lượng khách hàng của họ bị giới hạn và nguồn thu nhập hoặc cơ hội làm việc cũng bị hạn chế. Và như mọi người thấy, thị trường âm nhạc thay đổi ngày càng nhanh. Thị trường thay đổi mà người làm nhạc không thay đổi thì khó tồn tại là điều tất nhiên


4. Điều kiện đầu tư

Một yếu tố giới hạn sự phát triển và khả năng của Producer đó chính là điều kiện vật chất. Một Nhà sản xuất dù thẩm âm tốt đến đâu, cách mix hay đến mấy mà đưa cho anh ta một cái tai nghe kém chất lượng hoặc một Card âm thanh  dưới chuẩn thì việc mix nhạc cũng chẳng thể hoàn thiện được. Nói như vậy để cho mọi người thấy điều kiện kinh tế đầu tư vào các thiết bị làm nhạc là cần thiết như thế nào.

Không phải các producer không chịu đầu tư mà là họ không có khả năng đầu tư. Một hệ thống thiết bị đầy đủ dùng để mix nhạc tốt luôn có cái giá khá cao. Nói sơ qua như một cặp loa kiểm âm JBL 305P MKII có mức giá khoảng 10 triệu, hoặc nếu không dùng loa mà dùng tai nghe thì sản phẩm tai nghe kiểm âm rẻ nhất của Sony cũng là 6 triệu rưỡi.

Đó mới là phần thiết bị. Một phần nữa phải nói đến là phần âm thanh và phần mềm. Không có một Producer nào không cài vào máy mình ít nhất chục phần mềm hỗ trợ mix nhạc hoặc mua mấy chục gói âm thanh. Mà giá của những gói âm thanh và phần mềm này phải được tính bằng ngàn đô. Vậy nên bạn thấy cái khoản đầu tư điều kiện làm việc của một Producer sẽ là cực kỳ thách thức trong thời gian đầu.

5. Nhận định giá trị của Producer

Một điều rất đáng buồn trong cộng đồng Underground đó là những người chơi nhạc không nhận ra được giá trị của Producer. Tuy không ai công bố cụ thể nhưng các bạn cũng phần nào đoán được các ca sĩ chuyên nghiệp luôn phải trả một cái giá khá cao để xử lý bài nhạc. Nói là cao nhưng thực chất đây là điều bình thường trong giới nghệ thuật và các Producer hoàn toàn xứng đáng được nhận giá trị đó.

Nhưng những người mới làm nhạc hoặc chưa nổi tiếng lại thấy đạt được con số này khá khó. Giải thích cho điều này là vì họ không có tiền để trả cho Producer. Nhưng thay vì tập trung kiếm tiền làm nhạc thì họ lại chỉ trích Producer là lấy giá cao.


Thêm nữa là những Producer nửa mùa lại ngày càng xuất hiện nhiều và sẵn sàng nhận mix nhạc với cái giá rẻ bèo. Một người rồi hai người làm theo cách như vậy, dần dần mọi người cứ nghĩ đó là cái giá phù hợp của Producer và giá trị của họ chỉ như vậy. Thế là từ một vai trò quan trọng, các Producer mới, chịu học hỏi và có kỹ năng bị đánh đồng.

6. Gian nan bắt đầu nản

Nghề Producer không giàu như mọi người thường nghĩ. Có thể sau một quá trình dài hoạt động, các producer sẽ có được một vị trí, một lượng khách hàng và nguồn thu nhập cố định. Nhưng con đường Producer chưa bao giờ là dễ dàng nhất là khoảng thời gian đầu tiên.

Bạn cũng nên nhớ, nghệ thuật là tùy cảm nhận của mỗi người. Bài nhạc đó bạn thấy hay rồi nhưng khách hàng lại không thích thì lại phải tiếp tục chỉnh sửa. Vì bị ý kiến nhiều như vậy dễ khiến cho các Producer cảm thấy mình không làm tốt. Cộng thêm nhiều yếu tố ngoại cảnh, các Producer dần nản chí và bỏ nghề.


Sau những nhận định trên, có thể thấy răng nghề nào cũng có cái khó riêng. Nhưng nếu đã là đam mê, hãy đi với nó dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Hãy nhớ là đã bước vào nghề thì ai cũng gặp khó như nhau.

Nếu nhiều người từ bỏ thì những người còn ở lại và duy trì nó sẽ là những người thành công. Vậy nên các Producer hãy kiên trì với con đường của mình và mong rằng cộng đồng sẽ hiểu các Producer và tôn trọng họ. Họ xứng đáng được như vậy vì đó là những người thầm lặng cống hiến mà chúng ta phải gọi với cái tên “phù thủy âm thanh”

Văn Hóa Đường Phố | Vietnam Street Culture

Đăng kí E-mail để cập nhật và không bỏ lỡ các thông tin mới nhất từ chúng tôi.